MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng lại tăng lãi suất huy động

23-12-2016 - 08:06 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo biểu lãi suất mới công bố áp dụng từ hôm nay 23/12, Sacombank tăng lãi suất thêm 0,1 - 0,3%/năm ở một số kỳ hạn. Trước đó VPBank, Eximbank, Techcombank... cũng nâng lãi suất.

Cụ thể, kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,9% lên 5%; kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng tăng từ 5,9% lên 6%/năm. Riêng sản phẩm tiết kiệm Tích tài, ngân hàng tăng lãi suất 6 tháng và 9 tháng từ 5,2 - 5,3% lên 5,5%/năm.

Các kỳ hạn dài từ 15 tháng trở lên được ngân hàng áp dụng lãi suất 7%/năm. Riêng kỳ hạn 13 tháng, Sacombank áp dụng lãi suất lên đến 7,55%/năm nhưng với điều kiện các món tiền phải là gửi mới từ 500 tỷ đồng trở lên. Nếu sổ tiết kiệm tái tục có số dư nhỏ hơn 500 tỷ đồng thì ngân hàng áp dụng lãi suất kỳ hạn 12 tháng nhận lãi cuối kỳ ở mức 6,8%/năm.

Cách đây 2 ngày, VPBank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,9% lên 5,2%, kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,9%/năm. Ngân hàng cộng thêm 0,1%/năm so với gửi tại quầy đối với các khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên.

Các khoản tiền gửi online còn được VPBank cộng thêm 0,2% lãi suất so với biểu lãi suất gửi tại quầy. Mức lãi suất online cao nhất hiện là 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng và các khoản tiền trên 5 tỷ.

Ngân hàng Eximbank, Techcombank, TPBank tuần trước cũng tăng thêm lãi suất từ 0,1 – 0,3%/năm ở một số kỳ hạn. PVcomBank thì tăng mạnh hơn chút ít với mức tăng 0,2 – 0,4%/năm.

Hồi tháng 11 thị trường cũng chứng kiến một vài ngân hàng nâng nhẹ lãi suất, sau làn sóng tăng ồ ạt của các ngân hàng nhỏ vào tháng 9. Trước đó, một đợt tăng lãi suất trên diện rộng với sự góp mặt của cả ngân hàng lớn lẫn nhỏ cũng đã diễn ra hồi cuối tháng 6 đầu tháng 7.

Việc tăng lãi suất cuối năm của các ngân hàng là chiêu giữ khách truyền thống trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu tiền mặt của người dân tăng mạnh. Song đây cũng là cách mà các ngân hàng áp dụng để hút thêm khách mới khi nguồn tiền lương, thưởng, kiều hối dịp cuối năm thường dồi dào nhất. Ngoài ra, các ngân hàng đẩy lãi suất lên cao còn bởi nhu cầu tích vốn nhằm phục vụ cho các kế hoạch tín dụng đầu năm sau.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên