MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh báo nợ công của Việt Nam có nguy cơ vượt trần

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá rủi ro nợ công vượt trần (65% GDP) đang dần hiện hữu.

Theo Báo cáo của Chính phủ vào cuối tháng 3 vừa qua, nợ công (bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ của chính quyền địa phương) của Việt Nam đã chiếm 65% GDP, riêng nợ nước ngoài của Chính phủ đã vượt ngưỡng 50% cho phép, chiếm 50,3% GDP. Còn trong báo cáo mới nhất điểm lại nửa chặng đường của năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá rủi ro nợ công vượt trần (65% GDP) đang dần hiện hữu.

Thực trạng sử dụng ngân sách không hiệu quả đang diễn ra phổ biến trên cả nước, cụ thể như: Dự án đạm Ninh Bình phải bỏ dở chừng vì đầu tư 12.000 tỷ đồng, mỗi năm lỗ 2.000 tỷ đồng. Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) đã chi 7.000 tỷ đồng đến nay vẫn đắp chiếu, mặc cho máy móc, thiết bị hoen rỉ dần…. Nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn… như dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) khởi công tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa đi vào sử dụng mà vốn đã đội vốn gần 7000 tỷ đồng, Dự án đường 5 kéo dài có tổng mức đầu tư là 3.532 tỷ đồng, đã chậm tiến độ tới 6 năm và mức đầu tư cho dự án cũng tăng gần gấp đôi...

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nêu ý kiến: “Đầu tư công khi dự toán là một, đến lúc thực hiện tăng lên gấp 2, gấp 3 lần. Cái đó thể hiện sự kém hiệu quả của đầu tư công, trong đó có thể là lãng phí, có thể thất thoát … vì vậy, đầu tư công trở nên kém tin cậy. Khi tính là một thì có hiệu quả nhưng khi thực tế tăng lên gấp 2, gấp 3 thì hiệu quả sẽ hoàn toàn biến mất”.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, hiện cả nước dư thừa khoảng 7.000 chiếc xe công, điển hình như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thừa 176 xe, Bộ Công Thương thừa 57 xe... Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục đề nghị được mua xe mới.

Tổng hợp báo cáo kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, như: mỗi năm Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) lỗ 3.400 tỷ đồng; Tổng Công ty Xây lắp dầu khí lỗ 3.500 tỷ đồng; Binh đoàn 15 lỗ 470 tỷ đồng... Các chuyên gia cho rằng, các khoản nợ trong nước của các doanh nghiệp này thường được Chính phủ hỗ trợ dưới các hình thức bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ và để bù đắp phần chi tiêu ngân sách cho khu vực doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ sẽ buộc phải phát hành trái phiếu cũng khiến nợ công tăng cao.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: “Trong một nền kinh tế vận hành bình thường thì các doanh nghiệp tự vay tự trả. Vì nền kinh tế của ta là nền kinh tế đang phát triển, cho nên phải vận dụng rất linh hoạt việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, để họ phát triển thì Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh để họ vay vốn và doanh nghiệp phải có trách nhiệm trả nợ. Nhưng trong tình huống xấu nhất thì đúng là nhà nước phải chịu”.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng thu ngân sách nhà nước trong 8 tháng qua đạt 603 nghìn 700 tỷ đồng nhưng đã phải chi ra 715 nghìn 200 tỷ đồng, tức là bội chi đã lên đến 111 nghìn 300 tỷ đồng. Ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế thế giới, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, với điều kiện tăng trưởng kinh tế thấp như hiện nay, thu ngân sách khó có thể bảo đảm dự toán và nếu kinh tế tăng trưởng không đạt mục tiêu thì nợ công và bội chi cũng sẽ tăng. Nợ công và kể cả nợ nước ngoài có giai đoạn đã bắt đầu chồng lấp và mức độ tăng lên chính là vì như vậy.

Nhưng đáng lo ngại, theo ông Sơn, là triển vọng kinh tế của ta chưa sáng. Rõ ràng khi vay nợ nhiều, nguồn thu để trang trải nợ trong chi tiêu của Chính phủ, trong ngân sách của nhà nước tính đến năm sau có thể lên đến 30% là nguy hiểm. Nếu như thế thì thu được bao nhiêu đi trả nợ hết, hoặc là vay xong lại đi trả nợ luôn.

Theo các chuyên gia kinh tế, nợ công trong mấy năm gần đây tăng nhanh là do Việt Nam phải vay nợ mới để trả nợ cũ, và nếu đà nợ công vẫn cứ tăng đều như hiện nay thì nợ công sẽ vượt trần.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Việt Nam phải kiểm soát thật chặt nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, cần nâng cao tính minh bạch của các dự án đầu tư công. Một trong những giải pháp có tính chất quan trọng là chúng ta phải quy trách nhiệm, xác định rõ ràng, không những trách nhiệm về mặt dân sự mà trách nhiệm cả về mặt hình sự nếu có những hiện tượng tham ô, lãng phí. Thực tế hiện nay vấn đề này Đảng và Nhà nước đã nhìn thấy nhưng việc làm có quyết liệt hay không lại là vấn đề cần phải bàn.

Hiện, nợ công của Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng cao và nghĩa vụ trả nợ cũng ngày càng lớn. Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, thời gian tới, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, thực chất hơn của hoạt động giám sát Quốc hội để kiểm soát nợ công, cần tăng cường công cụ kiểm toán trong giám sát nợ công. Bên cạnh đó, cần chủ động ngăn chặn sự thất thoát, lãng phí đầu tư và chi tiêu công; xiết chặt và tăng cường kỷ luật, năng lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công; đồng thời, cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo tinh thần “phòng cháy hơn chữa cháy”./.

Theo Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên