MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chết đứng" với kiểu tẩm hóa chất, bán theo phong trào

09-04-2016 - 16:26 PM | Thị trường

Báo động chất vàng ô trong thực phẩm. Tiểu thương tẩm hóa chất theo “phong trào”, vì mẫu măng tươi có màu vàng đẹp, trên thị trường được tiêu thụ mạnh...

Sau hàng loạt vụ sử dụng chất cấm nguy hại dùng trong thực phẩm bị phanh phui như thịt heo, rau muống, trái cây..., nay người tiêu dùng tại Đà Nẵng, Nghệ An và Huế rúng động trước thông tin măng tươi và dưa muối được ngâm bằng chất vàng ô - chất có thể gây ung thư!

Trong sáng 8-4, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng cho biết vừa có kết quả xét nghiệm mẫu dưa cải muối chua được lấy tại ba chợ trên địa bàn là chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Đống Đa và chợ Hòa Khánh, kết quả có 7/7 mẫu dưa muối bị nhiễm chất cấm Auramine O, còn gọi là chất vàng ô.

Trước đó một tuần, đơn vị này cũng đã lấy mẫu măng tươi tại các chợ và cơ sở chế biến thực phẩm ở Đà Nẵng và gửi đến Trung tâm phân tích thí nghiệm TP.HCM (Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM) để kiểm tra chất vàng ô. Kết quả, 10/13 mẫu măng tươi có tồn dư chất vàng ô.

Nguy cơ gây ung thư

Đại diện ban quản lý chợ Đống Đa cho biết những ngày qua đã tăng cường lực lượng kiểm tra và nhắc nhở các tiểu thương nghiêm cấm buôn bán các mặt hàng có chất cấm.

Ngày 8-4, ghi nhận thực tế tại chợ Đống Đa, các tiểu thương đã không còn bày bán các loại măng tươi có màu vàng do ngâm hóa chất. Đa số măng bày bán giờ đã có màu trắng tự nhiên.

Theo chị T. - một tiểu thương ở hàng rau củ quả, măng tươi ở đây chủ yếu được nhập về từ chợ đầu mối nhưng từ sau khi có thông tin măng có chất cấm vàng ô thì các tiểu thương chợ Đống Đa không nhập loại măng này về nữa.

Người dân đi chợ cũng cảnh giác nên mặt hàng này bán khá ế ẩm. Trong khi đó, tại khu chuyên bán dưa cải muối, các tiểu thương cho biết họ tự làm dưa muối để bán chứ không dám nhập từ các chợ về sợ không đảm bảo chất lượng.

Tại chợ đầu mối Hòa Cường, tình hình tiêu thụ vô cùng ế ẩm, nhiều tiểu thương đã ngừng bán loại thức ăn này.

“Bột vàng bỏ vô măng ni tụi tui dùng từ lâu rồi vì măng có màu vàng mịn, để được lâu nên khách chuộng. Tui cũng không biết nó là chất cấm vì nhà tôi cũng sử dụng hằng ngày trong bữa ăn. Nay không dùng bột này nhưng tình hình tiêu thụ cũng không khả quan” - chị N.T.H., tiểu thương kinh doanh ngoài trời chợ Hòa Cường, nói.

Theo ông Nguyễn Tứ - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng, chất vàng ô nằm ngoài danh mục được sử dụng khi sơ chế thực phẩm.

Ông Tứ cũng cho hay vừa qua khi phát hiện vụ việc, các cơ sở kinh doanh đều cho biết họ tẩm hóa chất theo “phong trào”, vì mẫu măng tươi có màu vàng đẹp, trên thị trường được tiêu thụ mạnh, chứ không hề biết các hóa chất này gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người.

Theo ông Hà Công Tuấn - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chất vàng ô là hóa chất sử dụng trong nhuộm màu công nghiệp. Hóa chất này được phép kinh doanh và bày bán công khai trên thị trường.

Trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi, một số nhà sản xuất sử dụng chất vàng ô này để trộn vào thức ăn tạo màu vàng óng rất đẹp, kích thích vật nuôi...

Tuy nhiên, vật nuôi ăn thức ăn có chứa chất này sẽ không đào thải được, gây tồn dư và vào cơ thể người qua đường thực phẩm. Tồn dư chất này sẽ dẫn tới việc giảm chức năng của nội tạng như thận, gan và đặc biệt là nguy cơ gây ung thư trên cơ thể người.

Tại chợ Đống Đa (Đà Nẵng), các tiểu thương cho biết họ tự làm dưa muối để bán chứ không dám nhập từ các chợ về nữa - Ảnh: Đoàn Cường

Chưa xử phạt được 
thì phải cấm ngay

Trong khi đó, mặc dù đã xác định đích danh các cơ sở, cá nhân buôn bán măng và dưa cải muối chua dùng chất vàng ô nhưng ngành nông nghiệp Đà Nẵng cho biết vẫn chưa thể xử phạt.

Tại cuộc họp về an toàn vệ sinh thực phẩm sáng 8-4, ông Nguyễn Đỗ Tám - phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng - cho biết dù những vi phạm bị phát hiện trong thời gian vừa qua là rất nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có cơ chế xử phạt.

“Hiện nay trên cả nước vẫn chưa có bất cứ một cơ sở kiểm định, cơ sở kiểm nghiệm chất cấm nào được bộ chỉ định để pháp lý mà căn cứ xử phạt. Trong khi đó, dù những kết quả kiểm tra chất vàng ô mà vừa qua chúng tôi nhờ trung tâm phân tích thí nghiệm ở TP.HCM thực hiện có giá trị khoa học nhưng đơn vị này chưa được chỉ định nên chúng tôi không ra quyết định xử phạt được” - ông Tám cho biết.

Còn thượng tá Đặng Hữu Quế, phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an Đà Nẵng, cho biết công an TP đã báo cáo sự việc lên Bộ Công an và nhận được khẳng định rằng đây là chất cấm đưa vào chăn nuôi.

“Nhất định phải cấm ngay, không thể để các cơ sở chế biến tiếp tục sử dụng chất vàng ô nhuộm thức ăn. Chưa xử phạt được thì cấm buôn bán” - thượng tá Quế nói.

Ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, yêu cầu hành động quyết liệt, không vì bất cứ quy định nào mà chùn tay. “Phát hiện rõ là chất độc hại thì xử lý ngay, cơ sở nào sử dụng chất vàng ô đình chỉ ngay cơ sở ấy, cứ tuyên truyền mà không có hành động cụ thể chỉ khiến người dân hoang 
mang hơn”.

Sản xuất giấm bằng nước pha axit acetic

Bà Kim pha giấm ăn bằng axit và nước lã - Ảnh: công an cung cấp

Thượng tá Nguyễn Viết Nhi, phó trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Nghệ An, cho biết vừa phát hiện cơ sở sản xuất giấm gạo bằng “công thức” axit pha với nước lã tại phường Vinh Tân (TP Vinh).

Khoảng 11g ngày 7-4, tổ công tác PC49 phát hiện chiếc xe tải đang vận chuyển 30 thùng dán nhãn mác giấm gạo Kim Quỳnh gần khu vực chợ Vinh, sau đó kiểm tra nhà bà Nguyễn Thị Kim (45 tuổi, phường Vinh Tân) thì phát hiện 146 thùng giấm gạo đang chất trong kho; ba chiếc can (loại 20 lít), trong đó có hai thùng đã dùng hết, trên can có nhãn acetic axit nghi có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Bà Kim khai nhận “công thức” sản xuất giấm được bà thực hiện là dùng axit pha với nước lã rồi đóng vào chai (loại 500ml và 1,5 lít). Cứ 1 lít axit đem pha với 100 lít nước sẽ cho ra khoảng 101 lít nước giấm gạo. Mỗi ngày bà Kim sản xuất được 15 thùng (mỗi thùng có 24 chai) với giá 25.000 đồng/thùng. Bà cho hay bắt đầu chế biến nước chua dạng giấm từ tháng 9-2015 đến nay.

D. HÒA

Đề nghị mở rộng kiểm tra măng chế biến

Đây là thông tin của ông Nguyễn Hùng Long, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, tại cuộc gặp với báo chí ngày 7-4. Theo ông Long, ngay sau khi có thông tin phát hiện mẫu măng ở Đà Nẵng nhiễm chất vàng ô độc hại với sức khỏe, cục đã có văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bộ NN&PTNT đề nghị mở rộng kiểm tra tại các địa phương. Hiện tại Hà Nội, Sở NN&PTNT cũng đang lấy mẫu để kiểm tra măng.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc xử phạt hành vi này, ông Long cho biết đây là trách nhiệm của ngành nông nghiệp.

“Theo quy định xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, hành vi sử dụng vàng ô trong thực phẩm được quy vào nhóm hành vi sử dụng chất cấm và bị phạt nặng hàng chục triệu” - ông Long cho biết.

Tuy nhiên, điều khó khăn khi xử phạt các cơ sở bán măng bẩn (cùng với cơ sở bán dưa cải nhiễm vàng ô) là các quầy hàng bán đều nhỏ, vốn ít, khó xử phạt.

L.ANH

* Nghệ An: niêm phong 25 tấn măng pha bột vàng

Nguồn tin từ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an tỉnh Nghệ An cho biết đang chờ kết quả kiểm nghiệm, xác định mức độ độc hại từ các mẫu hóa chất thu được tại hai cơ sở chế biến măng tươi. Toàn bộ 25 tấn măng của hai cơ sở chế biến măng ở phường Đội Cung, TP Vinh cũng đang được niêm phong chờ xử lý.

Tại hai cơ sở này, công nhân sử dụng chất bột màu vàng pha với nước để ngâm măng. Lực lượng chức năng còn phát hiện thêm một thùng sắt đựng chất bột màu trắng có trọng lượng 27kg. Chất bột màu trắng (không biết tên và chất gì) có xuất xứ từ Trung Quốc, được mua ở Thanh Hóa, dùng để tẩy trắng măng. Sau đó dùng chất bột màu vàng để nhuộm màu cho măng. Công an nghi bột màu vàng là bột màu tổng hợp dùng trong công nghiệp hoặc chất vàng ô.

DOÃN HÒA

* Phát hiện măng tươi ngâm chất cấm tại Huế

Chiều 8-4, đại tá Nguyễn Thành Luân, trưởng Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết kết quả xét nghiệm mẫu măng của hai hộ tiểu thương tại chợ đầu mối Phú Hậu (TP Huế) bị nhiễm chất cấm vàng ô.

Trước đó, ngày 5-4 cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Chế biến nông lâm và thủy sản kiểm tra chợ đầu mối Phú Hậu và đã niêm phong 137kg măng của bà Thân Thị Tuyết Mai và bà Lê Thị Hồng để gửi mẫu đi giám định. Kết quả cho thấy tất cả các mẫu măng đều nhiễm chất vàng ô. Theo lời khai của tiểu thương, họ sử dụng chất vàng ô tẩm măng trong thời gian dài nhằm làm cho măng có màu vàng tươi, bắt mắt để đánh lừa người mua.

NGUYÊN LINH

Theo Đoàn Cường - Trường Trung

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên