MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia giáo dục lý giải: Tại sao có trẻ được bố mẹ "tắm" tiếng Anh 8 tiếng một ngày, đến 3 tuổi con nghe nói thành thạo, nhưng các mẹ khác làm theo thì không thành công?

06-05-2021 - 20:40 PM | Sống

Chuyên gia giáo dục lý giải: Tại sao có trẻ được bố mẹ "tắm" tiếng Anh 8 tiếng một ngày, đến 3 tuổi con nghe nói thành thạo, nhưng các mẹ khác làm theo thì không thành công?

Khác với tất cả các môn học khác do con người phát minh ra, ngôn ngữ là thứ mang tính bản năng tiến hoá nội tại của não bộ loài người.

Nghe vô thức - hay còn được gọi là “tắm ngôn ngữ”, được cho là phương pháp tuyệt vời để trẻ 0-3 tuổi bắt đầu tiếp xúc và học ngôn ngữ, không những vậy, phương pháp này còn có thể duy trì và nâng cao khả năng ngoại ngữ cho bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi.

Tuy nhiên có một câu hỏi được nhiều người đặt ra, đó chính là: Tại sao cũng là "tắm ngôn ngữ" nhưng có phụ huynh áp dụng thành công, có người không? Chuyên gia nghiên cứu giáo dục Ngô Huy Tâm sẽ lý giải nguyên nhân của sự khác biệt này.

Chuyên gia giáo dục lý giải: Tại sao có trẻ được bố mẹ tắm tiếng Anh 8 tiếng một ngày, đến 3 tuổi con nghe nói thành thạo, nhưng các mẹ khác làm theo thì không thành công? - Ảnh 1.

Chuyên gia nghiên cứu giáo dục Ngô Huy Tâm.

"Tắm ngôn ngữ" cho trẻ sơ sinh và câu chuyện của bộ não

Tất cả các ngôn ngữ trên thế giới gộp lại với nhau chỉ bao gồm khoảng 800 âm. Mỗi ngôn ngữ lại chỉ sử dụng khoảng 40 âm trong số trên (hay còn gọi là "âm vị") để chúng ta có sự khác biệt ngôn ngữ này với ngôn ngữ khác.

Khi mới sinh, não trẻ có một siêu năng lực: Nó có thể phân biệt được sự khác biệt giữa tất cả toàn bộ 800 âm. Điều này có nghĩa là ở giai đoạn này, trẻ sơ sinh có thể học bất kỳ ngôn ngữ nào mà chúng tiếp xúc.

Dần dần trẻ sẽ tìm ra âm thanh nào chúng nghe được nhiều nhất, được tương tác và có cảm xúc nhiều nhất và não được tập trung (tuned) để hình thành sự tập trung cho xử lý các âm của ngôn ngữ đó, và loại bỏ tạp âm.

Điều đáng chú ý, là khả năng phân tách và nhận biết âm ngôn ngữ của não bộ ngày càng giảm dần theo độ tuổi. Vì sao?

Trong thời kỳ sơ sinh, não bộ trải qua sự phát triển lớn về lượng: Về thể tích về số lượng các kết nối neurons (Nơ-ron). Có sự bùng nổ hình thành kết nối synapses (Xynap) giữa các tế bào thần kinh trong quá trình phát triển não bộ giai đoạn sớm. Đây được gọi là sự phát sinh thần kinh (synaptogenesis).

Giai đoạn hình thành kết nối thần kinh bùng nổ này đóng một vai trò quan trọng trong việc học tập, hình thành trí nhớ và phát triển ngôn ngữ. Nó có độ mở rất lớn để não tiếp nhận các cấu trúc của bất kỳ loại ngôn ngữ nào, thậm chí nhiều ngôn ngữ cùng lúc.

Vào khoảng 2 đến 3 tuổi, số lượng liên kết synapses đạt đến mức cao nhất. Nhưng sau đó không lâu, sau giai đoạn này, não lại bắt đầu loại bỏ các kết nối mà nó không cần nữa. Quá trình "đào thải" này là sự cắt tỉa khớp thần kinh (synapses pruning) được "lập trình" bởi genes và không thể ngăn cản.

Một khi một khớp nối thần kinh hình thành, nó có thể được củng cố hoặc bị suy yếu. Điều này phụ thuộc vào tần suất sử dụng khớp thần kinh. Nói cách khác, quá trình tuân theo nguyên tắc "có công mài sắt". Các khớp thần kinh hoạt động nhiều hơn sẽ được tăng cường, và các khớp thần kinh hoạt động kém hơn sẽ bị suy yếu và cuối cùng bị cắt bỏ.

Quá trình não tự cắt tỉa khớp thần kinh, phần lớn bị ảnh hưởng bởi genes của chúng ta. Nhưng sau này, nó lại phụ thuộc trải nghiệm sống của chúng ta.

Nói cách khác, khớp thần kinh có bị cắt tỉa hay không sẽ bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm mà một đứa trẻ đang phát triển có được với thế giới xung quanh. Trẻ nghe nhạc nhiều thì khu vực não xử lý nhịp, âm các khớp nối được giữ. Còn không thì não sẽ tự cắt bỏ để nhường năng lượng cho phần khác, ví dụ như các khớp nối thần kinh phục vụ trẻ vận động nhiều.

Kích thích liên tục làm cho các khớp thần kinh phát triển và trở nên vững chắc. Nhưng nếu một đứa trẻ nhận được ít kích thích, não sẽ giữ ít kết nối hơn.

Đến 2 hoặc 3 tuổi, trẻ có khoảng 15.000 khớp thần kinh trên mỗi tế bào neuron thần kinh. Quá trình cắt bỏ khớp thần kinh diễn ra rất nhanh trong độ tuổi từ 2 đến 10. Trong thời gian này, khoảng 50 phần trăm khớp thần kinh "thừa" bị loại bỏ.

Cắt tỉa khớp thần kinh được cho là sẽ giúp não chuyển đổi từ thời nhỏ, khi não cần học hỏi nhanh và tạo ra các kết nối mới dễ dàng, đến tuổi trưởng thành, khi nó lại cần ổn định hơn một chút trong cấu trúc vật lý.

Mỗi đứa trẻ lại là một cá thể có sự phát triển khác nhau hoàn toàn

Khác với tất cả các môn học khác do con người phát minh ra, ngôn ngữ là thứ mang tính bản năng tiến hoá nội tại của não bộ loài người. Đây là cơ sở cho thuyết thụ đắc ngôn ngữ thứ hai, thuyết phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng ở Việt Nam, nhiều người Việt hoá là "tắm ngôn ngữ".

Mọi người hay tranh cãi về tắm chủ động với tắm bị động, đây là sự sa đà vào lối mòn vì chưa có cách đo lường để biết khi nào não trẻ bị động hay chủ động.

Điều quan trọng hơn là tính "có ý nghĩa" (meaningful) trong tương tác ngôn ngữ qua lại với trẻ. Chứ "dội" hay "tắm" hay "ngâm" ngôn ngữ đều là cách suy diễn và nhiều khi mang đậm chủ nghĩa kinh nghiệm cá nhân.

Chuyên gia giáo dục lý giải: Tại sao có trẻ được bố mẹ tắm tiếng Anh 8 tiếng một ngày, đến 3 tuổi con nghe nói thành thạo, nhưng các mẹ khác làm theo thì không thành công? - Ảnh 2.

Tại sao có trẻ được bố mẹ bật nghe tiếng Anh 8 tiếng một ngày, đến 3 tuổi con nghe nói tiếng Anh thành thạo, nhưng các mẹ khác làm theo thì không thành công?

Đơn giản là vì mỗi đứa trẻ lại là một cá thể có sự phát triển khác nhau hoàn toàn về các giai đoạn. Không copy paste (cắt dán) nguyên xi kinh nghiệm của trẻ khác được.

Trẻ có xúc cảm tích cực thì các kết nối thần kinh càng mạnh. Điều quan trọng không phải là lặp đi lặp lại (repetitions) mà ở tần suất ( frequency) và chất lượng ( quality) của dữ liệu ngôn ngữ có làm trẻ thích thú hay làm trẻ bị mệt mỏi?

Nhiều bố mẹ hỏi là không biết tiếng Anh thì làm sao để dạy con? Câu trả lời đơn giản là để các con tiếp xúc với tiếng Anh, và mình nhờ con "dạy" lại cho mình! Dành thời gian để con dạy mình tiếng Anh qua tiếng Việt hiệu quả rất tốt cho cả 2 ngôn ngữ.

Quan trọng là bố mẹ có dành thời gian được hay không.

Chuyên gia Ngô Huy Tâm tốt nghiệp Học viện Ngoại giao năm 2008 tại Việt Nam, sau đó tiếp tục theo học tại Đại học Houston Baptist chuyên ngành về thiết kế chương trình giáo dục Curriculum and Instruction. Anh đã nhận chứng chỉ của Đại học Harvard về Giáo dục sớm; tham gia vào các dự án về Giáo dục và Phát triển sớm tại Đại học Washington đồng thời nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực giáo dục trẻ.

Hiện chuyên gia Ngô Huy Tâm là Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế của Phenikaa School.

Theo Hạ Uyên

Trí thức trẻ

Trở lên trên