MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đời bạn sẽ như thế nào nếu sở hữu bộ nhớ "siêu phàm", không thể quên bất cứ thứ gì? Câu trả lời gây bất ngờ cho cả các nhà khoa học

26-06-2019 - 01:43 AM | Sống

Hãy tưởng tượng một ngày bạn có khả năng đặc biệt, sở hữu bộ nhớ "siêu phàm" ghi nhớ tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ. Liệu cuộc sống của bạn có bị đảo lộn?

Joey DeGrandis là một trong số ít người được chẩn đoán mắc hội chứng trí nhớ siêu phàm (HSAM). Anh sở hữu khả năng phi thường là có thể nhớ từng giây, từng phút của mỗi ngày trong cuộc sống.

Ngay từ khi Joey lên 10 tuổi, gia đình DeGrandis đã phát hiện thấy sự bất thường trong việc ghi nhớ của anh. Bất kể sự kiện gì xảy ra trong quá khứ đều được Joey ghi nhớ một cách chính xác từ ngày, tháng cho đến năm việc đó diễn ra.

Ban đầu, Joey nghĩ rằng đó chỉ một tài năng nhỏ lẻ của bản thân, thứ mà không phải ai cũng làm được nhưng cũng không có gì quá đặc biệt. Mãi cho đến khi Joey 26 tuổi, anh mới thực sự đi tìm hiểu và bất ngờ trước những gì khoa học nghiên cứu về hội chứng trí nhớ siêu phàm.

Hành trình đi tìm hiểu về khả năng đặc biệt

Trong một lần tình cờ thấy những người có khả năng tương tự như mình trên 1 chương trình TV có tên "60 phút", Joey đã đến tìm gặp vị bác sĩ nghiên cứu về hội chứng này. Vị bác sĩ đó là James McGaugh, một giáo sư nghiên cứu về hệ thần kinh và hành vi của con người tại Đại học California.

Ông McGaugh bắt đầu nghiên cứu về hội chứng trí nhớ siêu phàm (HSAM) từ năm 2000, sau khi một phụ nữ trẻ đến tìm gặp ông và chia sẻ những vấn đề về trí nhớ mà cô đang gặp phải.

Người phụ nữ này sau đó đã được chuẩn đoán là người đầu tiên mắc HSAM. Khoảng thời gian đó, cô chia sẻ rằng việc mắc hội chứng này khiến cô gần như suy nhược vì nhớ chi tiết quá nhiều thứ trong cuộc sống. Chỉ cần nhìn thấy một dấu hiệu hay điều gì đó liên kết với quá khứ, lập tức cô sẽ nhớ về từng chi tiết và hành động đã diễn ra trong quá khứ. Việc này lặp đi lặp lại khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức.

Đến năm 2010, giáo sư McGaugh và các đồng nghiệp đã phát hiên thêm nhiều trường hợp khác có khả năng ghi nhớ siêu phàm. Họ có thể liên kết ngày, tháng, năm trên lịch với các sự kiện trong quá khứ, từ những tin tức lớn như vụ nổ Challenger hay cái chết của Công nương Diana cho đến những việc sinh hoạt cá nhân bình thường như họ đã ăn gì và đã xem thứ gì vào ngày hôm trước.

Ngay sau khi xuất hiện trên chương trình "60 phút", giáo sư McGaugh đã nhận được hơn 600 email và các cuộc gọi điện thoại phản hồi từ những người nghĩ mình đang mắc phải hội chứng này như Joey DeGrandis.

Cuộc đời bạn sẽ như thế nào nếu sở hữu bộ nhớ siêu phàm, không thể quên bất cứ thứ gì? Câu trả lời gây bất ngờ cho cả các nhà khoa học - Ảnh 1.

Chân dung Joey DeGrandis, một trong số rất ít người trên thế giới thực sự mắc phải HSAM.

Tuy nhiên, theo báo cáo của giáo sư McGaugh, chỉ có khoảng 60 người trong số đó được xác định là thực sự mắc hội chứng trí nhớ siêu phàm. Ông cho biết có nhiều người lầm tưởng về hội chứng này nhưng số lượng bệnh nhân thực sự mắc là rất hiếm.

Ưu và nhược điểm của việc sở hữu một trí nhớ siêu phàm

Joey DeGrandis hiện tham gia vào lộ trình nghiên cứu của giáo sư McGaugh về HSAM. Anh cũng chia sẻ rằng mình đã phải vật lộn với chứng trầm cảm và lo lắng, điều mà anh ấy tin rằng có liên quan đến căn bệnh "không thể quên bất cứ thứ gì".

Joey cho biết: "Tôi nghĩ mình may mắn vì có một cuộc sống khá tốt nên ký ức có rất nhiều kỷ niệm vui vẻ và ấm áp mà tôi có thể nghĩ lại. Mặc dù vậy, tôi lại có xu hướng nhớ quá lâu, những thứ đau đớn, tồi tệ trong quá khứ cũng khiến tôi không thể quên được, những cảm xúc ấy lúc nào cũng thường trực".

Cuộc đời bạn sẽ như thế nào nếu sở hữu bộ nhớ siêu phàm, không thể quên bất cứ thứ gì? Câu trả lời gây bất ngờ cho cả các nhà khoa học - Ảnh 2.

Đôi khi, chỉ cần một hình ảnh gợi nhớ lại là những kỷ niệm không vui lại ùa về với những người mắc HSAM

Nghiên cứu cho thấy rằng những người bị HSAM có xu hướng bị ám ảnh bởi một điều gì đó nhất định. Mặc dù họ có thể liên kết ngày và sự kiện nhưng đôi khi cũng xảy ra sai sót.

Ký ức của những người mắc HSAM chi tiết hơn nhiều so với người bình thường và tồn tại trong một khoảng thời gian dài hơn, nhưng việc ghi nhớ là một quá trình mất tập trung và nó không hoàn toàn chính xác như trên video mà máy móc ghi lại.

Kết luận

Những người mắc hội chứng trí nhớ siêu phàm trên thế giới rất hiếm và hầu như họ đều rất thông minh. Bộ nhớ "siêu phàm" này có thể đem lại cho bạn nhiều lợi thế như là lưu giữ những ký ức tươi đẹp, các thông tin hữu ích nhưng nó cũng như con dao hai lưỡi với những ký ức buồn đau khiến bạn không thể quên cũng như không thể kiểm soát.

Cuộc đời bạn sẽ như thế nào nếu sở hữu bộ nhớ siêu phàm, không thể quên bất cứ thứ gì? Câu trả lời gây bất ngờ cho cả các nhà khoa học - Ảnh 3.

Hãy thử tưởng tượng bạn rất muốn quên đi một thứ gì đó nhưng lại nhớ như in và điều này sẽ tra tấn bạn mãi mãi

Các nhà khoa học vẫn đang tiến hành nghiên cứu mọi mặt của căn bệnh này. Giáo sư McGaugh cho biết việc hiểu về sinh học thần kinh đằng sau hội chứng trí nhớ siêu phàm có thể cung cấp những hiểu biết mới về cách não lưu trữ và lấy lại ký ức. Nó thậm chí có thể hữu ích trong cuộc chiến chống lại bệnh Alzheimer và các dạng bệnh mất trí nhớ khác.

Nguyễn Phương

Time

Trở lên trên