MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: hàng trăm tỷ đô la thu hút FDI trong 20 năm qua đã mạng lại những gì cho nội lực Việt Nam?

Đây là câu hỏi được Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đưa ra tại buổi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), sáng 15/11.

Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng hàng tỷ đô la từ thu hút đầu tư nước ngoài đã không đem lại kết quả tương xứng với những ưu đãi Nhà nước dành cho nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá, trốn thuế. Nhiều điều luật chưa chặt chẽ vô tình khiến doanh nghiệp ngoại thắng thầu nhưng không thực hiện đúng cam kết.

“Chúng ta gần như bất lực trước các vụ thắng thầu chỉ bằng hình thức kê giá rẻ và cam kết công nghệ cao. Nhưng tham gia thì đội vốn (thậm chí gấp đôi), giãn tiến độ, gian dối về chất lượng và công nghệ... Nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi nước mắt vì bị mất thị trường ngay trên chính đất nước mình, ngay cả khi được chào mua lại với giá ba đời ăn không hết” – ông Nghĩa nói.

Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô, điện tử sau hàng chục năm vẫn không nhích lên như cam kết. Thức ăn gia súc, thuộc thú y, lĩnh vực bán lẻ, văn hóa,... là những lĩnh vực doanh nội bị loại khỏi thị trường. Doanh nghiệp nội còn phải chịu nhưng hạch sách, nhũng nhiễu từ cơ quan hành chính Nhà nước.

“Trong khi hàng hóa và dịch vụ Việt Nam vất vả trên thị trường nước ngoài, thì còn phải gian khổ để đấu ở thị trường trong nước trước các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài. Một câu hỏi đặt ra, chúng ta hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài để làm gì?” – ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Theo ông Nghĩa, các chính sách cần phải khắc phục tất các những vấn đề trên. Điều này nhằm tăng cường nội lực, tự cường quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng.

Trong bối cảnh các nước tham gia Hiệp định thương mại tư do để đạt được khát vọng hùng cường thì một số ít nước đang tỏ ý định khác. Ông Nghĩa cho rằng những khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” hay “giấc mơ Trung Hoa” có thể đang thể hiện thực chất luật chơi quốc tế: cá lớn nuốt cá bé và chẳng có bữa cơm nào miễn phí.

“Tôi biết tình hình trên không thể chỉ giải quyết được bằng Luật Cạnh tranh mà còn nhiều chính sách, biện pháp đồng bộ khác. Nhưng bằng kinh nghiệm công tác của mình, tôi cho rằng Luật cạnh tranh của chúng ta có thể phải đóng góp nhiều hơn vào việc tăng cường nội lực Việt Nam. Nếu không, những bấm nút của Đại biểu Quốc hội sẽ không tròn trách nhiệm phải có của nó” – Ông Nghĩa nhận định.

Trần Dũng - DQ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên