MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là bí quyết thành công của tỷ phú được con trai Warren Buffett ca ngợi thông minh hơn cả cha mình

27-03-2017 - 00:14 AM | Sống

Kiến thức từ mọi lĩnh vực đều là tài nguyên mà bạn có thể áp dụng để kinh doanh, đầu tư... Tỷ phú Charlie Munger rất giỏi vận dụng kiến thức chuyên sâu ở đa lĩnh vực của mình để phân tích, đánh giá và luôn giải quyết vấn đề thành công trong đầu tư chứng khoán.

Vô số sách báo viết về "ông hoàng chứng khoán" Warren Buffett nhưng ít người biết về đối tác kinh doanh, người bạn lâu năm của ông trong hơn 40 năm qua - Charlie Munger. Hiện nay, Charlie Munger là phó chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway, tập đoàn này cũng nắm giữ một phần không nhỏ cổ phần của hãng Coca-Cola. Ông là một người đàn ông lập dị, có vẻ trịch thượng, rất ít khi xuất hiện trước truyền thông.

Howard, con trai cả của Buffett, cho rằng cha anh chỉ là người thông minh thứ hai trên thế giới mà anh từng gặp. Người thông minh nhất, theo Howard, là Charlie Munger – người bạn thân thông thái của Buffett tại West Coast. Mặc dù bản tính của ông là hơi tự đắc và hay chỉ trích người khác, nhưng ông lại có ý thức rất sâu sắc về đạo đức.

Nguyên tắc sống của Charlie Munger là "khác biệt và nghịch đảo". Không giống như những người thành công khác luôn nói về bí quyết làm nên nghiệp lớn, Charlie Munger thường nhắc đến những yếu tố khiến người ta chắc chắn sẽ thất bại. Tìm hiểu về Munger chúng ta sẽ bất ngờ với sự khôn ngoan hơn người và thành công trong sự nghiệp của ông. Với Munger, sự thành công không đến với người có hiểu biết và tầm nhìn giới hạn trong một lĩnh vực.

Muốn thành công phải vượt qua quy tắc 10.000 giờ

Trong cuốn sách "Những kẻ xuất chúng" nổi tiếng, tác giả Malcolm Galdwell khẳng định: Muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, bạn phải mất ít nhất 10.000 giờ luyện tập, thực hành có mục tiêu. Mặc dù, Charlie Munger đã làm việc chăm chỉ và lâu dài đủ để trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu thế giới, nhưng chìa khóa thành công của ông lại rất khác. Theo Munger, ông không tập trung 10.000 giờ để nghiên cứu về lĩnh vực đầu tư, mà tìm hiểu sâu ở nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế vi mô, tâm lý học, luật, toán học, sinh học, kỹ thuật và ứng dụng các hiểu biết đó khi đầu tư chứng khoán.

Bill Gates từng nói về Munger: "Ông ấy thực sự là một nhà tư tưởng lớn nhất mà tôi từng gặp. Ông ấy nắm rõ từ các nguyên tắc kinh doanh đến các nguyên tắc kinh tế, nguyên tắc thiết kế kí túc xá sinh viên... Trong cuộc gặp gỡ lâu nhất, chúng tôi nói về tập tính giao phối của chuột chũi và những điều con người có thể học hỏi. Munger thực sự là một chuyên gia cao cấp".

Trở thành một chuyên gia đa lĩnh vực

Đối nghịch với nguyên tắc 10.000 luyện tập để thành công là phương pháp tiếp cận sâu đa lĩnh vực (expert-generalist). Mô tả phương pháp này, Chủ tịch của Bain&Co Orrit Gadiesh - tác giả của thuật ngữ "expert-generalist" nói: Những chuyên gia đa lĩnh vực (expert-generalist) không những có hiểu biết rộng mà còn sâu sắc về nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ giải quyết công việc và các vấn đề trong cuộc sống bằng cách vận dụng sự giao thoa các nguyên tắc trong nhiều lĩnh vực.

Mặc dù nguyên tắc 10.000 giờ đúng với hầu hết các lĩnh vực như thể thao, âm nhạc,... nhưng đối với kinh doanh, các nguyên tắc cơ bản của nó luôn thay đổi. Khi có kiến thức chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực, kiến thức cho phép một cá nhân thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi. Nghiên cứu cho thấy, những người này có các đặc điểm chung:

- Họ quan sát thế giới tỉ mỉ và dự đoán chính xác về tương lai hơn nhờ có kiến thức bao quát nhiều lĩnh vực. Sự hiểu biết rộng khiến họ không bị giới hạn bởi các nguyên tắc của một lĩnh vực nào.

- Họ có nhiều ý tưởng đột phá hơn vì họ đã thu thập thông tin chi tiết, làm việc ở những lĩnh vực mới, ít người từng trải qua.

- Khả năng kết nối cao hơn bởi họ có thể hiểu được những quan điểm của người khác sâu sắc.

- Xây dựng mạng lưới quan hệ rộng, cho phép sự kết nối giữa các nhóm người khác nhau. Theo một nghiên cứu, mạng lưới quan hệ rộng, mở là một yếu tố dự đoán của thành công.


Warren Buffett là người khiến Charlie Munger chuyển hướng từ luật sư sang đầu tư chứng khoán.

Warren Buffett là người khiến Charlie Munger chuyển hướng từ luật sư sang đầu tư chứng khoán.

Charlie áp dụng kiến thức "expert-generalist" trong kinh doanh

Với vốn kiến thức chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực, Munger đã đánh giá các cơ hội đầu tư dựa trên nguyên tắc kết nối kiến thức ở các lĩnh vực. Ví dụ, Munger đã áp dụng phát hiện về phản xạ có điều kiện - phản xạ vô điều kiện của động vật do Ivan Pavlov nghiên cứu đầu thế kỉ 20 vào kinh doanh. Cuốn sách Poor Charlie's Almanack của Peter D. Kaufman đã đưa ra ví dụ về thành công của Coca-Cola trong việc dùng loại hình quảng cáo và tần suất xuất hiện logo sản phẩm khiến người tiêu dùng cứ nhắc đến nước giải khát là nghĩ tới Coca-Cola.

Dưới đây là bản tóm tắt các quy tắc của Charlie Munger giúp ông trở thành một chuyên gia đa lĩnh vực (expert-generalist):

1. Phải có kiến thức đa lĩnh vực

Giống như một câu nói cũ: Đối với một người chỉ có cây búa trong tay, mọi vấn đề đều giống như cái đinh. Nghĩa là, khi chỉ có kiến thức giới hạn, bạn sẽ chỉ có thể suy nghĩ theo một hướng, không tìm ra phương án giải quyết vấn đề tối ưu nhất. Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và có thể gây ra hậu quả tai hại. Chỉ khi có hiểu biết ở nhiều lĩnh vực bạn mới có cái nhìn toàn diện và có thể phân tích, đánh giá để đưa ra các quyết định chính xác trong mọi tình huống.

2. Học nhiều thứ từ nhiều lĩnh vực

Khi giải quyết vấn đề, bạn cần sự kết hợp từ nhiều nguyên tắc. Bởi sự "khôn ngoan của thế giới" không thể tìm thấy trong một số lĩnh vực hạn chế.

3. Tập trung vào các ý tưởng lớn từ những nguyên tắc lớn

Đừng quá tập trung vào các tiểu tiết. Chỉ cần 20% ý tưởng đột phá, bạn có thể hoàn thành đến 80% công việc. Nguyên lý Pareto hay 80/20 khẳng định rằng một thiểu số nguyên nhân tác động gây ra một đa số kết quả (20% nỗ lực tạo ra 80% kết quả)

4. Tạo danh sách kiểm tra để đảm bảo mọi thứ vận hành đúng

Liệt kê và kiểm tra từng yếu tố để đảm bảo sự phân tích của bạn đúng đắn và có thể áp dụng.

5. Mỗi tình huống cần có một danh mục kiểm tra khác nhau

Những mô hình phân tích khác nhau cần có những tiêu chí kiểm tra khác nhau. Áp dụng cứng nhắc và dập khuôn sẽ không đem lại kết quả tối ưu.

Thế giới kinh doanh nhấn mạnh sự quan trọng vào sự chuyên môn hóa, bởi nó là một phần quan trọng của thành công. Nhưng giờ đây, chúng ta còn phải nhấn mạnh hơn nữa kiến thức đa lĩnh vực. Sự tò mò, ưa khám phá là yếu tố giúp chúng ta có được kiến thức đa dạng ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, những nhu cầu hàng ngày khiến khả năng khám phá của chúng ta bị hạn chế, kinh nghiệm khiến tâm trí không thể tìm kiếm niềm cảm hứng ở phạm vi rộng hơn.

Vì vậy, khi công việc quá tải, bạn hãy lựa chọn một cuốn sách hay một chuyến du lịch để tìm hiểu thế giới bên ngoài công việc, để cân bằng cuộc sống. Hãy nhớ, cuộc nói chuyện lâu nhất của Bill Gates và Charlie Munger là về tập tính giao phối của chuột chũi chứ không phải chuyện kinh doanh. Kiến thức từ mọi lĩnh vực đều là tài nguyên mà bạn có thể sử dụng và kết hợp chúng để thành công trong kinh doanh, theo cách mà Charlie Munger đã làm.

Thu Hoài

Forbes

Trở lên trên