Đây là những bài học mà nhà đầu tư có thể rút ra từ các đợt lạm phát trong lịch sử
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thị trường chứng khoán đã diễn biến tốt bất chấp nền kinh tế phải vật lộn với lạm phát.
- 22-06-2021Chủ tịch Fed tiếp tục lạc quan về lạm phát
- 21-06-2021Moody's Analytics: Lạm phát có thể khiến chứng khoán Mỹ điều chỉnh từ 10-20%
- 21-06-2021"Cơn bão" hoàn hảo và những lý do khiến lạm phát sẽ kéo dài dai dẳng
Gần đây lạm phát ở Mỹ đang tăng lên nhanh chóng, gợi nhớ về thời kỳ đầu những năm 1980. Khi đó, người đang ngồi ghế Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) là Paul Volcker đã tung ra những biện pháp quyết liệt nhằm dập tắt lạm phát. Ban đầu nền kinh tế bị tổn hại nghiêm trọng, nhưng đó cũng chính là cơ sở để mở ra nhiều thập kỷ thăng hoa của thị trường chứng khoán.
Nếu như làn sóng lạm phát hậu đại dịch Covid-19 kéo dài dai dẳng, liệu lịch sử có lặp lại? Nhìn lại những lần Mỹ trải qua lạm phát trong quá khứ như thời Volcker hay trước đó là hậu thế chiến thứ hai, nhà đầu tư sẽ tìm thấy một vài manh mối về cách phản ứng của thị trường tài chính.
Lạm phát và lãi suất ở Mỹ từ 1940 đến nay.
Vì sao chứng khoán vẫn tăng tốt bất chấp lạm phát?
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thị trường chứng khoán đã diễn biến tốt bất chấp nền kinh tế phải vật lộn với lạm phát. Tuy nhiên điều đó chỉ kéo dài đến giữa những năm 1960. Sau đó cổ phiếu và trái phiếu kho bạc đã có quãng thời gian ảm đạm cho đến tận sau khi lạm phát bị "tiêu diệt" vào những năm 1970.
Một trong những nguyên nhân lý giải tại sao chứng khoán lại tăng tốt trong những năm 1950 là do dòng tiền chảy mạnh vào thị trường sau khi các quỹ hưu trí và một số định chế tài chính khác lần đầu tiên mua cổ phiếu, theo Ian Harnett, chuyên gia của Absolute Strategy Research. Điều đó làm giảm phần bù rủi ro – chỉ số đo lường phần thưởng mà các nhà đầu tư sẽ nhận được vì họ đã dám chấp nhận một mức rủi ro cao hơn khi đầu tư vào cổ phiếu thay vì đầu tư vào tài sản phi rủi ro như trái phiếu chính phủ.
Sang đến những năm 1970, chỉ số phần bù rủi ro tăng trở lại và cổ phiếu giảm điểm mạnh trước làn sóng lạm phát. Nguyên nhân lý giải cho điều này nằm ở bối cảnh nền kinh tế. Sau chiến tranh, lạm phát xuất hiện nhưng tăng trưởng kinh tế thực vẫn đủ mạnh để bắt kịp đà tăng giá cả. Các nguồn lực từng được sử dụng cho chiến tranh giờ đây được quay sang đầu tư vào hoạt động sản xuất trong thời bình.
Tuy nhiên từ giữa những năm 1960, khoảng cách giữa tăng trưởng thực và những ảnh hưởng của lạm phát bắt đầu được mở ra. Richard Sylla, giáo sư kinh tế công tác tại NYU Stern, người chuyên nghiên cứu về lịch sử lãi suất, miêu tả lạm phát thời hậu thế chiến thứ hai là giá cả bắt kịp với thực tế sau khi các biện pháp kiểm soát giá trong thời chiến được dỡ bỏ.
Câu chuyện đã thay đổi vào những năm 1960. Núi tiền mà Chính phủ Mỹ đổ vào chiến tranh ở Việt Nam và chương trình trợ cấp hào phóng của Tổng thống Lyndon Johnson được tung ra trong bối cảnh lãi suất thấp. Cung tiền tăng mạnh và giai đoạn mà Sylla gọi là Đại lạm phát bắt đầu.
Nền kinh tế trở nên quá nóng. Ban đầu, cầu vượt quá cung nhưng đến cuối những năm 1960 tình trạng đã đảo ngược, trở thành cung dư thừa. Lạm phát tăng khiến người lao động cũng đòi hỏi mức lương cao hơn. Trong khi đó Fed lại chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ hệ thống chính trị: Chủ tịch Fed Arthur Burns đã giúp sức bằng chính sách tiền tệ để Tổng thống Richard Nixon có thể tái đắc cử.
Đồng USD đã biến động rất mạnh sau khi Nixon ngừng chế độ quy đổi USD sang vàng vào năm 1971, "giết chết" thỏa thuận Bretton Woods vốn giúp các đồng tiền trên thế giới gắn kết với nhau. Một đồng USD trồi sụt thất thường hơn đã dẫn đến giá cả các hàng hóa nhập khẩu tăng lên, làm cho lạm phát biến động mạnh hơn và khó đoán hơn. Và sự bấp bênh chính là điều tồi kỵ với các nhà đầu tư.
Sau đó thị trường tiếp tục bị giáng thêm 1 đòn nữa khi cú sốc giá dầu ập đến. Nhiều nước Arab đồng loạt ngừng xuất khẩu dầu sang Mỹ để phản đối việc Mỹ hậu thuẫn Israel.
Tỷ lệ lạm phát và lợi suất mà S&P 500, trái phiếu Mỹ kỳ hạn 5 năm mang lại.
Câu chuyện của ngày nay
Ngày nay chúng ta đang ở đâu? Thị trường chứng khoán không có nhiều đệm đỡ trước những bất ổn. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đang quyết tâm kích thích nền kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên không giống như thời kỳ giữa những năm 1960, cầu vẫn đang vượt quá cung. Vai trò của Fed có ý nghĩa quan trọng. Hiện Fed đang để cho nền kinh tế phát triển hết mức, thả lỏng lạm phát nhằm đạt được trạng thái toàn dụng lao động và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Dẫu vậy nền kinh tế phát triển quá nóng là 1 triển vọng bất ổn mà nhà đầu tư sẽ lo sợ, đặc biệt là nếu như tốc độ tăng trưởng cung tiền như hiện nay nhanh chóng sụt giảm xuống mức thấp hơn đáng kể giống như những gì đã diễn ra sau thế chiến.
Trong quá khứ, nhà đầu tư đã quay sang những kim loại quý như vàng. Nếu như thời kỳ những năm 1970 vàng là hầm trú ẩn hoàn hảo trước bão lạm phát thì thời hậu chiến Mỹ đã cấm giao dịch vàng.
Còn trên thị trường chứng khoán, trong thời kỳ cuối những năm 1970 – đầu những năm 1980 cổ phiếu của các công ty hoạt động trong những ngành có tính chu kỳ (như hóa chất, khai mỏ hay hàng không) đã diễn biến tốt hơn so với các ngành mang tính phòng thủ cao như tiêu dùng thiết yếu hay điện nước. Kể từ đó đến nay, cổ phiếu chu kỳ lại diễn biến tệ hơn nếu như không tính đến các công ty công nghệ. Do đó, tránh các cổ phiếu công nghệ, hoặc ít nhất là những cổ phiếu có lợi nhuận trong tương lai phải dựa vào lãi suất thấp sẽ là 1 lựa chọn hợp lý.
Tham khảo Wall Street Journal