MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp dè dặt lạc quan

31-10-2015 - 07:32 AM | Doanh nghiệp

Thiếu thông tin, thị trường tăng trưởng chậm và áp lực cạnh tranh ngày càng lớn khiến doanh nghiệp khó lạc quan về tương lai

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý III/2015, 80% doanh nghiệp (DN) đánh giá tình hình khả quan hơn và giữ ổn định so với quý II, 85% DN dự kiến quý IV tình hình sẽ lạc quan hơn quý III.

Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động của DN 9 tháng năm 2015 cũng có nhiều điểm sáng khi số lượng DN mới thành lập tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước và có thêm 12.848 DN trở lại hoạt động. Tuy nhiên, những con số này chỉ là một phần sáng trong bức tranh tổng thể của cộng đồng DN Việt.

Khối dân doanh khốn khó

Chín tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu nhờ vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); trong khi đó, hơn 200.000 DN Việt đang đuối dần vì gặp khó khăn. DN đăng ký mới dù có tăng nhưng không thể so sánh một cách cơ học vì DN cũ “chết” đi để lại rất nhiều hậu quả như nợ xấu ngân hàng, nợ DN khác…

Chỉ riêng trong ngành thực phẩm, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết từ đầu năm đến nay ngành thực phẩm tươi sống tăng trưởng kém; ngành thực phẩm chế biến thì đang bị nhiều nhà đầu tư nước ngoài chia thị phần.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định tăng trưởng của DN dân doanh và của nông nghiệp rất thấp, giảm sút so với những năm trước. Xuất khẩu tăng chậm, nhập siêu 9 tháng lên đến 4 tỉ USD, khu vực FDI đóng góp đến 69% kim ngạch xuất khẩu trong khi giá trị gia tăng lại thấp.

“Số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy 60% DN đang hoạt động không có lãi, số DN nộp thuế thu nhập DN thấp. Năm nay, lạm phát xuống thấp dưới 2%/năm nhưng lãi suất vẫn cao ở mức 9%-10% làm cho chi phí đầu vào cao hơn so với khu vực... Thực trạng này đòi hỏi hơn bao giờ hết,DN cần nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí và chuẩn bị cho năm 2016” - ông Doanh chỉ ra.

Quá thiếu thông tin

Theo TS Lê Đăng Doanh, đến thời điểm này, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia làm thành viên đã bắt đầu có hiệu lực, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã kết thúc đàm phán nhưng cộng đồng DN chưa tiếp cận được nhiều thông tin nên cơ hội và thách thức đều chưa rõ, các phản ứng còn nặng về cảm tính.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hội DN TP HCM, lo ngại DN sẽ khó đối phó, cạnh tranh với hàng hóa thuế suất thấp hoặc bằng 0% từ 57 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có ký kết FTA đổ vào. “Vừa rồi, UBND TP HCM yêu cầu Hiệp hội DN TP nắm bắt những khó khăn của các DN khi hội nhập nhưng thời điểm này rất khó nắm bắt. Nhà nước chưa công bố hết nội dung ký kết, hiệp hội và các DN không biết nhà nước ký kết gì, DN sẽ được gì, mất gì” - ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, ngay sau khi kết thúc đàm phán TPP, chính phủ Canada dự kiến đưa ra gói hỗ trợ cho các DN bị tác động xấu khi hội nhập TPP. Việt Nam không thể hỗ trợ tài chính cho DN thì nhà nước cần có những đánh giá tác động của TPP, cung cấp đầy đủ thông tin cho DN biết chứ không thể mở toang cửa rồi bỏ mặc họ tự bơi, cần nhanh chóng công bố những thông tin Việt Nam đang đàm phán...

Hàng Tết ASEAN sẽ tràn ngập

Theo các DN, từ nay đến cuối năm sẽ không có đột phá về sức mua. Một bộ phận lớn người dân đã quen “thắt lưng buộc bụng”, giảm mua sắm. Mặc dù vậy, so với năm 2014, hiện sức mua có cải thiện, cạnh tranh trên thị trường bắt đầu gia tăng. Cuối năm nay, hàng Tết từ các nước ASEAN (đặc biệt là Thái Lan, Indonesia, Malaysia) vào Việt Nam sẽ nhiều hơn, giá rẻ hơn. Cuộc cạnh tranh trong mùa mua sắm lớn nhất trong năm sẽ càng gay gắt.

Theo Đông Nghi

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên