MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siêu thị điện máy “kiệt sức” vì đua khuyến mãi, phá giá

13-08-2015 - 16:15 PM | Doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, con đường cạnh tranh bằng giảm giá và khuyến mãi của các doanh nghiệp bán lẻ điện máy trong vài năm trở lại đây không còn bền vững, thực tế đang đòi hỏi cần phải tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thương trường nghiệt ngã

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bán lẻ điện máy trong nước đang tồn tại ba phương thức cạnh tranh cơ bản là giảm giá, khuyến mãi, mở rộng thị phần và cải thiện chất lượng dịch vụ. Các phương thức đều có sự gắn kết chặt chẽ, tuy nhiên nếu doanh nghiệp phân chia tỷ lệ áp dụng sai sẽ rất dễ rơi vào khủng hoảng và buộc phải rời khỏi cuộc chơi.

Khoảng từ năm 2010 đổ về trước, sân chơi điện máy còn khá mới mẻ, ít cạnh tranh với nguồn lợi nhuận hấp dẫn. Nhưng chỉ 5 năm trở lại đây, thị trường này đã nhanh chóng nhộn nhịp với Nguyễn Kim, HC, Trần Anh, Media Mart, Điện máy Xanh...

Cùng với việc tăng tốc mở rộng thị phần, điểm đáng chú ý từ năm 2011 đến nay là cuộc chạy đua về giá để thu hút khách hàng và định vị thương hiệu của các hệ thống diễn ra quyết liệt. Khởi đầu từ việc giảm giá một vài sản phẩm đến giảm giá hầu hết các mặt hàng được trưng bày, từ việc giảm nhẹ 5 – 15% so với giá niêm yết đến giảm sâu 30 – 40%, thậm chí tới 50%.

Chưa kể, chương trình khuyến mãi mà các doanh nghiệp bán lẻ chạy ban đầu có thể chỉ kéo 1 hoặc vài ngày nhân một sự kiện lớn, nhưng sau đó lại “liên khúc” tới 1 – 2 tuần, thậm chí trường kỳ cả tháng.

Trao đổi với PV, lãnh đạo một hệ thống bán lẻ điện máy lớn phân tích: Cạnh tranh về giá khiến cho doanh thu của nhiều doanh nghiệp có thể tăng, song lợi nhuận sau cùng chẳng còn lại bao nhiêu. Nếu tìm hiểu báo cáo tài chính của các “đại gia” bán lẻ điện máy như Nguyễn Kim, HC, Media Mart hay Trần Anh có thể thấy, việc thu lại 4 – 5% lợi nhuận trong tình hình hiện nay đã là không dễ.

Thực tế đang cho thấy phương thức cạnh tranh về giá chỉ thích hợp với những đại gia trường vốn, tuy nhiên không thể áp dụng lâu dài vì vốn nhiều đến đâu cũng khó bù lỗ mãi được. Trong khi với các doanh nghiệp không sẵn vốn thì chiêu bài giảm giá và khuyến mãi bị coi là hạ sách.

Đã có không ít tên tuổi một thời từng “vang bóng” vì tham gia cuộc đua nói trên nhưng lần lượt “rớt đài”, điển hình là BestCaring (2012), Việt Long (2014) hay gần đây nhất là TopCare trong năm 2015. Do đó, nếu chỉ tập trung chạy đua khuyến mãi, phá giá, chắc chắn doanh nghiệp sẽ khó trụ vững trên thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Tương tự, chiến lược tăng tốc mở rộng thị phần mà nhiều nhà bán lẻ như Điện máy Xanh, MediaMart, Trần Anh… đang áp dụng dĩ nhiên cũng hiệu quả, song phải làm tốt vấn đề chọn điểm mở và huy động, phân bổ vốn.

Lấy ví dụ với Điện máy Xanh, hệ thống này đang đi theo xu hướng mở rộng và nhanh độ phủ, để đến hết năm 2016 sẽ cán mốc 115 siêu thị. Ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc của Thế Giới Di Động cho hay lý do khiến hệ thống này có thể đi theo hướng mở siêu thị quy mô vừa phải (từ 800 - 1000 m2), chiếm ít chi phí vận hành và hàng trưng bày, đồng thời có thêm lợi thế về nguồn vốn nên phù hợp cho việc mở rộng nhanh.

Cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ

Chỉ vài ba năm nữa, khi những tên tuổi lớn vừa có tiềm lực tài chính, giàu kinh nghiệm sẽ vươn “chân rết” ra cả nước thì thị trường điện máy ở cả thành phố và nông thôn đều bước vào giai đoạn bão hòa. Tức là, phương thức cạnh tranh bền vững nhất theo nhận định của nhiều chuyên gia sẽ không còn là lượng nữa (như giảm giá, mở điểm bán...) mà chính là chất lượng dịch vụ của từng doanh nghiệp, các doanh nghiệp điện máy cần phải định hình cho mình một phong cách để tồn tại trong thị trường đang cạnh tranh khốc liệt.

Nguyễn Kim - Central Group hiện đang theo đuổi mô hình trung tâm thương mại tổng hợp, đa dạng mặt hàng để khách hàng trải nghiệm, mua sắm; Vinpro có mặt tại các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vingroup và xây dựng mô hình bán lẻ điện máy theo phong cách mới, tuy nhiên quy mô không lớn nếu so với các siêu thị của Nguyễn Kim, Trần Anh, Thiên Hòa hay Chợ Lớn.

Hệ thống khác là Pico từng chiếm được không ít niềm tin từ khách hàng nhờ chú trọng nâng cao tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, hệ thống chăm sóc khách hàng, phát hành thẻ thành viên ưu đãi (mỗi 100.000 đồng trên hóa đơn mua hàng sẽ tích lũy được 1 điểm tương đương với 1.000 đồng quy đổi thành tiền mặt).

Khác với Pico, Media Mart đẩy mạnh chất lượng dịch vụ thông qua các chương trình như hỗ trợ trả góp lãi suất 0% trong 6 tháng; khi “kéo quân” về các đô thị loại 2 (nơi mặt bằng thu nhập không cao như các đô thị loại 1 và trung tâm kinh tế lớn) ngoài việc hỗ trợ tài chính còn tích cực hỗ trợ giao vận với chính sách thanh toán khi nhận hàng. Nhờ hướng đi này, Media Mart cũng được nhiều khách hàng đánh giá cao.

Một nhà bán lẻ lớn khác là Trần Anh cũng vừa có bước chuyển mình khi mở đại siêu thị điện máy đầu tiên rộng hơn 4800m2 tại Hà Nội, thử nghiệm áp dụng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng từ đối tác chiến lược Nojima Nhật Bản, mở rộng quy mô, số lượng sản phẩm và mức độ đa dạng của hàng hóa để người tiêu dùng trải nghiệm. Đồng thời với lợi thế diện tích lớn còn mở khu vui chơi cho trẻ em, cân nhắc ý tưởng mở khu rửa xe miễn phí, cà phê hay cắt tóc nam miễn phí…

Ông Trần Xuân Kiên, Tổng Giám đốc Trần Anh cho hay doanh nghiệp này vẫn sẽ duy trì mức giá cạnh tranh nhờ chiến lược “mua rẻ - bán rẻ”, tận dụng hỗ trợ tối đa từ các hãng và thận trọng lên kế hoạch mở rộng thị phần nhằm tránh khỏi những bước đi lỗi nhịp so với đối thủ.

Đến thời điểm hiện nay, thị trường điện máy trong nước hiện vẫn còn rất tiềm năng. Theo dự báo của hãng nghiên cứu Statista (Đức), ước tính thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2016 có thể đạt doanh số 100 tỷ USD, trong đó riêng ngành hàng điện tử tiêu dùng vào khoảng 10 tỷ USD

 

 

Theo NGUYÊN ĐỨC

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên