Donald Trump mở cánh cửa rước Trung Quốc vào "sân sau"?
Việc nói không với các hiệp định thương mại tự do đồng thời đe dọa mạnh tay trục xuất người nhập cư khiến Mỹ trở nên xa cách với các quốc gia châu Mỹ - Latin, vốn được coi là sân sau của Washington, tạo cơ hội để Trung Quốc nhảy vào.
- 21-11-2016Hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc
- 20-11-2016Nga và Trung Quốc sẽ thúc đẩy một khu vực thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương
- 20-11-2016Việt Nam đã chi hơn 40 tỷ USD nhập khẩu hàng từ Trung Quốc
- 18-11-2016Khách Trung Quốc ăn cắp trên máy bay đến Tân Sơn Nhất
- 17-11-2016Kiểm tra 31 doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Trung Quốc
Sau ngày 8/11, hàng loạt hiệp định thương mại tự do trên khắp thế giới đứng trước nguy cơ vỡ tan như bọt xà phòng vì thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng thuộc về ông Donald Trump. Trong suốt quá trình tranh cử, ông Trump cho rằng FTA tạo cơ hội cho thế giới cướp việc của người Mỹ. Vị tỷ phú New York cũng đe dọa xây bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico để ngăn dòng người nhập cư tràn vào quốc gia này đồng thời trục xuất ngay lập tức khoảng 3 triệu người nhập cư.
Tuy nhiên, vào thời điểm khó khăn nhất, các nước Mỹ - Latin đã tìm được lối thoát là Trung Quốc. Vào ngày 17/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Ecuador, bắt đầu chuyến công du các nước khu vực châu Mỹ - Latin. Trọng tâm chuyến công du là Lima của Peru, nơi tụ họp của nguyên thủ và lãnh đạo của 21 quốc gia trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2016.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du châu Mỹ - Latin. Ảnh: Getty
Tại APEC năm nay, các quốc gia cùng nhau kêu gọi cho thương mại tự do toàn cầu. Nga và Trung Quốc còn lên tiếng kêu gọi xây dựng một khu vực thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương, điều ông Trump đang muốn làm ngược lại. Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama có mặt tại Peru nhưng chẳng khác gì kẻ ngoài cuộc. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Obama dày công vun đắp đã chính thức chết lâm sàng và nhiều khả năng sẽ “chết thật” sau khi ông Trump đắc cử.
Khi vai trò của Mỹ trở nên mờ nhạt trên chính sân sau của mình, Trung Quốc nhanh chóng trở thành tâm điểm. Thậm chí, Australia, một đồng minh thân cận của Mỹ, cũng đang có xu hướng thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc cùng 16 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhưng không có Mỹ.
Trung Quốc cũng cho thấy tầm nhìm về “quan hệ hợp tác” với khu vực Tây bán cầu từ năm 2008 khi tăng cường hợp tác với các nước Mỹ Latin và Caribbean. Bắc Kinh nhanh chóng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 trong khu vực, chiếm 13,7% thương mại của khu vực Mỹ - Latin trong năm ngoái. Chỉ tính riêng 4 nước là Brazil, Chile, Colombia và Peru, thương mại hai chiều với Trung Quốc đã đạt 263 tỷ USD trong năm 2014.
Peru và Chile đã có các thỏa thuận song phương với Trung Quốc trong khi Colombia và Uruguay đang cân nhắc thỏa thuận tương tự. Những hiệp định tương tự sẽ giúp châu Mỹ - Latin đóng vai trò quan trọng hơn trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, nơi Bắc Kinh đã đầu tư hoặc cam kết đầu tư 125 tỷ USD trong một thập kỷ qua.