[Gian lận & sụp đổ] Công ty dầu mỏ hàng đầu Singapore và “sự thịnh vượng giả tạo” khiến HSBC cùng nhiều tên tuổi sắp mất trắng hơn 3 tỷ USD như thế nào?
Hin Leong được cho là đã che giấu những khoản lỗ khổng lồ lên tới 800 triệu USD của mình, khi chủ tịch của công ty - ông Lim Oon Kuin, đã cố tình loại bỏ những khoản thua lỗ từ các hợp đồng tương lai bằng cách xóa chúng khỏi báo cáo tài chính.
- 14-04-2020[Gian lận & Sụp đổ] Rót cả tỷ USD cho startup Trung Quốc sẽ "soán ngôi Starbucks", giới đầu tư bị sốc với bê bối khai khống doanh thu, cổ phiếu rơi 80%
- 08-04-2020Doanh nghiệp đầu tiên trên TTCK Việt Nam bị buộc phá sản: Bài học cũ từ cú sụp đổ kinh điển của Enron
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang làm sụt giảm mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu thì việc xung đột giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, mà tiêu biểu là Nga và Arab Saudi đã khiến cho giá dầu giảm đến mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Giá dầu giảm cũng là nguyên nhân khiến “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” ở Singapore, khi một trong những công ty giao dịch dầu lớn nhất Singapore, Hin Leong, đã nộp đơn xin bảo vệ khỏi các chủ nợ lên tòa án Singapore vào cuối tuần vừa rồi sau khi thuê một công ty luật đàm phán với 23 chủ nợ về việc gia hạn thời hạn trả nợ, trong đó đáng chú ý có ngân hàng HSBC, Societe Generale, Bank of China... về khoản nợ lên tới 3,85 tỷ USD của mình.
Hin Leong được hình thành từ năm 1963, sau khi ông Lim Oon Kuin, chủ tịch của công ty, với tầm nhìn của mình đã bắt đầu cung cấp dầu diesel cho các tàu cá. Cái tên của công ty mang ý nghĩa sự thịnh vượng trong tiếng Trung Quốc và quả thực công ty ngày một phát triển trong những năm tiếp theo.
Cuối những năm 1980, Tập đoàn Hin Leong đã được công nhận là một trong những công ty giao dịch dầu lớn nhất tại Singapore bởi Ban phát triển thương mại nước này. 50 năm sau khi thành lập, Hin Leong từ công ty nhỏ trên chiếc thuyền đánh cá trở thành một trong những công ty kinh doanh dầu mỏ độc lập lớn nhất Singapore.
Công ty cung cấp nhiên liệu của Tập đoàn, Ocean Bunkering Services (Pte.) Ltd. được công nhận là một trong những nhà cung cấp nhiên liệu hầm hàng đầu tại Singapore, sở hữu và vận hành tới hơn 130 tàu, từ các xà lan ven biển đến việc sở hữu tàu chở dầu thô với trọng tải lên tới 318.000 DWT, xếp thứ 16 trong số các nhà khai thác tàu chở dầu trên toàn thế giới.
Trụ sở của Hin Leong ngày nay, sau 50 năm phát triển "Thịnh vượng" (Ảnh: Yahoo Finance SG)
Tuy nhiên sự thịnh vượng "giả tạo" của Hin Leong đã được phơi bày, khi giá dầu liên tục lập đáy mới. Chính việc giá dầu giảm đã làm cho mô hình của công ty lộ rõ những yếu điểm của mình. Đầu tiên, việc nhiều công ty dầu mỏ gặp khó khăn, mà điển hình là Whitings của Mỹ đã phải điền vào đơn xin phá sản, khiến những công ty tài chính và các ngân hàng tài trợ cho các công ty giao dịch dầu mỏ như Hin Leong, cắt giảm hoặc rút hoàn toàn các khoản vay của họ. Điều này khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn về mặt thanh khoản, cho thấy việc phòng ngừa rủi ro sai lầm của họ.
Giá dầu giảm mạnh đã khiến cho những con số "ảo trong báo cáo tài chính của Hin Leong bị phơi bày (Ảnh: BBC, Bloomberg)
Hin Leong, với chính sách "pha trộn và bán" (blend and sell) và "giữ và bán" (hold and sell), có nghĩa là thời gian khi công ty trả tiền mua hàng tới khi nhận được tiền từ các đối tác thông qua việc bán hàng lên tới 60 ngày hoặc hơn thế.
Do đó, khi giá dầu giảm mạnh vì xung đột giữa Nga và Arab Saudi hồi đầu tháng 3 vừa qua, công ty gặp rất nhiều rủi ro về giá bán, khi họ phải mua dầu ở mức giá cao trong khi chỉ bán được ở mức thấp hơn do giá dầu giảm rất mạnh. Công ty còn sử dụng các hợp đồng tương lai để đầu cơ dầu mỏ, thay vì để bảo vệ mình khỏi rủi ro, giống như Metallgesellschaft AG, một công ty giao dịch dầu khí nổi tiếng những năm 90, nhưng cuối cùng đã thua lỗ nặng nề hơn 800 triệu USD.
Hơn nữa, thay vì sử dụng hợp đồng hoán đổi hàng hóa (commodity swap) để cố định mức giá bán trong tương lai, qua đó phòng ngừa rủi ro giá dầu giảm, công ty lại bán các loại nguyên liệu hầm lò của mình ở thị trường Singapore trên cơ sở mức giá cố định, và cho rằng đây là một loại "hàng rào tự nhiên" để chống lại việc giảm giá. Tuy nhiên với việc giá dầu giảm tới mức thấp kỷ lục trong 18 năm qua, công ty không thể tiếp tục duy trì mức giá cố định đó và thua lỗ là điều hoàn toàn có thể dự đoán trước.
Nếu sử dụng hợp đồng swap, Hin Leong đã có thể tránh được khoản thua lỗ khổng lồ (Ảnh: Drake University)
Hin Leong được cho là đã che giấu những khoản lỗ khổng lồ lên tới 800 triệu USD của mình, khi chủ tịch của công ty - ông Lim Oon Kuin, đã cố tình loại bỏ những khoản thua lỗ từ các hợp đồng tương lai bằng cách xóa chúng khỏi báo cáo tài chính.
Đắng cay hơn, ông Kim thừa nhận công ty không tạo ra lợi nhuận từ nhiều năm nay, dù mới chỉ cuối tháng 10 năm ngoái, Hin Leong còn công bố báo cáo tài chính với khoản lãi 78 triệu USD, với vốn chủ sở hữu đạt 4.56 tỷ USD.
Tuy nhiên tới đầu tháng 4 này, Hin Leong công bố tổng nợ phải trả của họ lên tới 4.05 tỷ USD, trong khi tài sản của công ty chỉ ở mức 714 triệu USD. Điều này cho thấy, thay vì sở hữu 4.56 tỷ USD vốn chủ sở hữu, họ đang sở hữu khoản mục này trên báo cáo tài chính âm hơn 3.3 tỷ USD.
Các khoản nợ khổng lồ của Hong Leong với các ngân hàng (Nguồn: BCTC Hin Leong, 2019)
Tồi tệ hơn, công ty xác nhận giá trị hàng tồn kho mà họ đang sở hữu chỉ có giá trị 141 triệu USD, thay vì 1.28 tỷ USD như báo cáo kiểm toán ở cuối quý 3. Nguyên nhân của việc này là do công ty đã bán rất nhiều hàng tồn kho của họ, vốn được đảm bảo ở các ngân hàng cho các khoản vay của doanh nghiệp; nếu công ty phá sản, những ngân hàng cho họ vay sẽ phải chịu những khoản lỗ nặng nề.
Cuối cùng, Hin Leong chỉ còn chưa tới 50 triệu USD tiền mặt trong tài khoản, chỉ còn 1/9 so với con số 461 triệu USD mà họ công bố vào tháng 10/ 2019.
Tương lai tăm tối của Hin Leong sau khi nộp đơn xin bảo vệ khỏi các chủ nợ (Ảnh: Yahoo Finance SG)
Giá dầu giảm đã tác động đến rất nhiều công ty trong ngành dầu khí, tuy nhiên nó cũng đã phơi bày điểm yếu và sự gian dối của một trong những công ty giao dịch dầu khí lớn nhất của Singapore, Hin Leong. Bằng việc loại bỏ các khoản thua lỗ từ các hợp đồng tương lai, Hin Leong đã lừa dối các nhà đầu tư và các chủ nợ; và việc giá dầu giảm mạnh khiến công ty không thể tiếp tục nói dối. Khả năng cao, Hin Leong sẽ rơi vào cảnh phá sản, và kéo theo rất nhiều chủ nợ là các ngân hàng với nhiều khoản thua lỗ lớn. Đây là bài học thời hiện đại mới nhất về việc quản trị rủi ro ở các công ty, cũng như điểm khởi đầu cho nhiều vụ gian lận mới sẽ được đưa ra ánh sáng trong thời khủng hoảng này.
Cùng chủ đề Gian lận & Sụp đổ:
+ Doanh nghiệp đầu tiên trên TTCK Việt Nam bị buộc phá sản: Bài học cũ từ cú sụp đổ kinh điển của Enron[