MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Gian lận & Sụp đổ] Rót cả tỷ USD cho startup Trung Quốc sẽ "soán ngôi Starbucks", giới đầu tư bị sốc với bê bối khai khống doanh thu, cổ phiếu rơi 80%

14-04-2020 - 01:29 AM | Doanh nghiệp

Tháng 3 năm nay, một cáo buộc nhằm vào Luckin Coffee, trong đó nói rằng COO cũ của họ, Liu Jian, cùng các đồng sự, đã thổi phồng doanh thu 3 quý cuối năm của công ty năm 2019 tới 300 triệu USD (2.2 tỷ nhân dân tệ), tương đương với 40% doanh thu cả năm của công ty.

Sự nở rộ của các start-up ngày nay đã đem đến nhiều câu hỏi: Liệu họ có thực sự xứng đáng với những đồng tiền đầu tư. Rất nhiều start-up đã được phát triển với những ý tưởng mới mẻ, đột phá nhằm thay đổi hoàn toàn thói quen của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, không phải start-up nào cũng thành công; đã có những vụ lừa đảo tiền đầu tư bằng hình thức này xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Nổi tiếng nhất phải kể đến việc start-up giả mạo các công cụ xét nghiệm máu của Theranos và Elizabeth Holmes – lừa đảo 6 triệu USD tiền huy động của nhà đầu tư, hay bê bối đình đám của WeWork, một start up chia sẻ không gian làm việc đã lừa dối và đẩy giá trị công ty lên tới 47 tỷ USD trước IPO.

Mới đây nhất, Luckin Coffee, start-up chuỗi cafe của Trung Quốc đã bị cáo buộc gian dối trong báo cáo tài chính, lại làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính hiệu quả thực sự của các thương vụ đầu tư vào start-up.

Luckin coffee được thành lập vào năm 2017 tại Bắc Kinh và nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những chuỗi cafe lớn nhất Trung Quốc với 4.507 cửa hàng trên toàn quốc vào tháng 1/ 2020, vượt qua con số 4.121 của Starbucks tại quốc gia này.

Hầu hết các cửa hàng của Luckin đều dưới dạng take-away, tức là khách hàng sẽ tới mua cafe và mang về thay vì ngồi lại ở quán; phần lớn các cửa hàng được mở ra để thực hiện các đơn hàng mua đồ uống trực tuyến, thay vì các quán cafe truyền thống như của Starbucks.

[Gian lận & Sụp đổ] Khai khống 40% doanh số, “kẻ thách thức Starbucks” đến từ Trung Quốc huy động được cả tỷ USD trước khi bốc hơi 80% giá trị - Ảnh 1.

Luckin mở rộng rất nhanh kể từ khi thành lập (Ảnh: Starbucks, SouthChinaMorning, Statista)

Việc Luckin mở rộng với tốc độ thần kỳ được cho là do giá bán cafe trung bình của họ thấp hơn so với Starbucks (3.5$/ cốc so với 4.5 $/ cốc), và ngoài cafe, công ty này cũng bán cả nước trái cây, trà và các loại đồ ăn khác.

Công ty còn thuê Hidenori Izaki (Nhà vô địch Barista thế giới 2014) để thiết kế các cửa hàng và chế biến những công thức đồ uống của riêng họ. Nhờ việc phát triển mạnh mẽ mà start-up này nhận được nhiều nguồn tiền đầu tư, trong đó phải kể đến quỹ Blackrock – một trong những quỹ đầu tư hàng đầu thế giới.

Tháng 5 năm 2019, Luckin chính thức IPO tại Mỹ với tổng giá trị lên tới 650,8 triệu USD trên sàn NASDAQ (tương ứng với 17 USD/ cổ phiếu) và đạt đến mức đỉnh 50 USD/ cổ phiếu vào tháng 1 năm 2020, thời điểm mà họ tiếp tục gọi được 778 triệu USD tiền vốn thông qua bán trái phiếu chuyển đổi và phát hành thêm cổ phiếu của công ty.

Kết quả kinh doanh của công ty trên giấy tờ cũng ngày một tốt lên, tỷ lệ thuận với số lượng cửa hàng, theo báo cáo của công ty. Doanh thu quý 3 và 9 tháng đầu năm 2019 của Luckin đạt lần lượt là 215 triệu USD và 410 triệu USD - gấp 8 lần cùng kỳ.

Mặc dù chi phí hoạt động của công ty tăng gấp 3 lần lên gần 300 triệu USD trong quý 3 với nguyên nhân là mở rộng hoạt động kinh doanh; tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu của công ty giảm từ 301.7% xuống chỉ còn trên 138%.

Đó là những dấu hiệu vô cùng tích cực của Luckin trong năm 2019; và với số tiền thu được từ đợt phát hành thêm năm 2020, họ được kỳ vọng rất nhiều trong việc soán ngôi của Starbucks không chỉ tại Trung Quốc, mà còn trên toàn thế giới.

[Gian lận & Sụp đổ] Khai khống 40% doanh số, “kẻ thách thức Starbucks” đến từ Trung Quốc huy động được cả tỷ USD trước khi bốc hơi 80% giá trị - Ảnh 2.

Báo cáo tài chính Q3/ 2019 mang nhiều lạc quan tới cho nhà đầu tư của Luckin (Nguồn: Luckin)

Tuy nhiên, những con số về sự tăng trưởng của Luckin đã bị lật tẩy. Tháng 3 năm nay, một cáo buộc nhằm vào công ty, trong đó nói rằng COO cũ của họ, Liu Jian, cùng các đồng sự, đã thổi phồng doanh thu 3 quý cuối năm của công ty năm 2019 tới 300 triệu USD, tương đương với 40% doanh thu cả năm của công ty. Công ty tài chính Muddy Waters thậm chí còn nhận được một báo cáo dài 89 trang về vụ bê bối của Luckin, trong đó bao gồm các cáo buộc chính như sau:

- Luckin đã khai khống tăng số lượng hàng hóa bán được (mà ở đây là đồ uống) lên 69% trong quý 3 và 88% trong quý 4 năm 2019.

- Với 25.843 biên lai thu thập được, Luckin đã gian dối trong việc ghi nhận doanh thu: Họ ghi nhận tăng giá bán ròng trên mỗi sản phẩm tại báo cáo tài chính lên ít nhất 1.23 NDT (12.3%) để duy trì mô hình kinh doanh của mình. Trên thực tế, mỗi cửa hàng của công ty lỗ tới 24.7 – 28%, một con số khổng lồ. Trừ những sản phẩm miễn phí, giá bán thực tế chỉ đạt 46% so với giá niêm yết, thay vì 55% như công ty này công bố.

- Doanh thu từ các sản phẩm khác của công ty chỉ chiếm 6% (thay vì 21.7% như báo cáo tài chính), tương đương với việc công ty khai khống phần doanh thu từ các sản phẩm khác tới 400%, theo các biên lai thu thập được.

[Gian lận & Sụp đổ] Khai khống 40% doanh số, “kẻ thách thức Starbucks” đến từ Trung Quốc huy động được cả tỷ USD trước khi bốc hơi 80% giá trị - Ảnh 3.

Một báo cáo nặc danh gửi cho Muddy Waters cho thấy Luckin đã khai khống nhiều số liệu trong báo cáo tài chính (Nguồn: Twitter MuddyWatersReseach)

Sau khi những thông tin nêu trên được đưa ra, giá cổ phiếu của Luckin đã lao dốc mất tới trên 80% kể từ khi cáo buộc được đưa ra tới nay, và hiện chỉ còn 4,39 USD/ cổ phiếu, so với mức đỉnh trên 50 USD/ cổ phiếu hồi tháng 1 năm nay. Sự sụt giảm giá cổ phiếu và khai khống tình hình tài chính hoàn toàn có thể khiến công ty vỡ nợ, một chuyên gia trong ngành tài chính cho biết.

[Gian lận & Sụp đổ] Khai khống 40% doanh số, “kẻ thách thức Starbucks” đến từ Trung Quốc huy động được cả tỷ USD trước khi bốc hơi 80% giá trị - Ảnh 4.

Giá cổ phiếu Luckin không ngừng tăng, đạt đỉnh ở mức 50 USD/ cổ phiếu và sau đó rơi tự do. Cổ phiếu này đã bị tạm dừng gió dịch trên TTCK Mỹ từ 7/4

Chỉ 1 ngày sau khi các cáo buộc được đưa ra, UBCK của Trung Quốc tuyên bố sẽ điều tra gian lận của công ty này. Đầu tuần trước, chủ tịch Luckin – ông Lu Zhengyao, sau cuộc điều tra nội bộ đã phải xin lỗi công khai về những gian lận của công ty. Ông Lu nói rằng mình cảm thấy rất "xấu hổ" và "chấp nhận mọi lời chỉ trích cũng như sẽ trả lời mọi câu hỏi" liên quan tới công ty.

Như vậy sau cùng, có thể thấy điểm chung của các start-up lừa dối nhà đầu tư là phát triển thần tốc với những con số không tưởng, những con số mà phải mất tới vài năm, thậm chí vài chục năm phát triển, mới có thể đạt được. Sau khi công bố những con số đó, họ sẽ tiếp tục huy động vốn từ nhà đầu tư thông qua các quỹ hoặc IPO, trước khi hoàn toàn sụp đổ vì thực lực của họ không thể đáp ứng được những yêu cầu để có thể tiếp tục kinh doanh. Luckin sẽ chưa phải là trường hợp cuối cùng, khi mà các start-up trên toàn thế giới tiếp tục nở rộ như hiện nay.

Phạm Tiến Đạt

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên