MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ nút thắt cho các dự án đầu tư của Trung Quốc, Sri Lanka liệu có thoát khỏi tình thế khó khăn?

20-11-2023 - 14:27 PM | Tài chính quốc tế

Gỡ nút thắt cho các dự án đầu tư của Trung Quốc, Sri Lanka liệu có thoát khỏi tình thế khó khăn?

Trong nhiều năm qua, một số dự án liên kết với Trung Quốc ở Sri Lanka đã bị chỉ trích là không đóng góp gì đáng kể cho nền kinh tế nước này, nhưng một hiệp định thương mại tự do giữa hai nước, cải cách chính sách và sự tham gia nhiều hơn của các liên doanh có thể giúp lật ngược tình thế này.

Theo SCMP, các dự án hoạt động kém hiệu quả có đầu tư của Trung Quốc bao gồm: Sân bay Quốc tế Mattala Rajapaksa (MRIA), được xây dựng với nguồn tài trợ 191 triệu USD từ Ngân hàng Exim Trung Quốc; Cảng quốc tế Hambantota (HIP) do Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC) xây dựng với vốn tín dụng 1,3 tỷ USD từ Trung Quốc; và Port City Colombo (PCC), một dự án trị giá 1,4 tỷ USD cũng do công ty CHEC xây dựng.

Cả ba dự án đều là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường, một sáng kiến do Trung Quốc dẫn đầu nhằm tăng cường hội nhập thương mại và kinh tế trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi.

Tháo gỡ nút thắt

Một số giải pháp gần đây đã được công bố để xoay chuyển tình thế đối với các dự án này.

Chính phủ Sri Lanka hồi đầu tháng này đã công bố kế hoạch trao dự án lọc dầu gần HIP cho Sinopec thuộc sở hữu của Trung Quốc, như một phần trong nỗ lực thúc đẩy vận chuyển các sản phẩm dầu qua cảng.

Gỡ nút thắt cho các dự án đầu tư của Trung Quốc, Sri Lanka liệu có thoát khỏi tình thế khó khăn? - Ảnh 1.

Kasun Thilina Kariyawasam, chuyên gia kinh tế có trụ sở tại Thụy Điển, cho biết cần phải làm nhiều điều hơn nữa để nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp vào các dự án này, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Ông nói: “Sri Lanka cần phải đạt được một thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc bằng mọi giá, để đảm bảo rằng bất chấp những bất ổn chính trị của nước này, sẽ có sự hỗ trợ đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc”.

Một thỏa thuận như vậy sẽ đảm bảo với các nhà đầu tư rằng các chính sách sẽ được giữ nguyên vẹn ngay cả khi có sự thay đổi về chính trị.

Nhiều năm quản lý kinh tế yếu kém đã khiến Sri Lanka phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948 và vỡ nợ chính phủ. Vào tháng 7 năm ngoái, tổng thống khi đó là Gotabaya Rajapaksa đã rời khỏi đất nước và từ chức sau các cuộc biểu tình khiến nhiều người thiệt mạng.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết cần phải nỗ lực để thúc đẩy hợp tác với 2 dự án PCC và HIP.

Chuyên gia Kariyawasam cho biết, một thỏa thuận thương mại tự do giữa Trung Quốc và Sri Lanka sẽ rất quan trọng để tăng cường đầu tư vào hai cảng và các dự án lớn khác. Vì vậy, Colombo nên ưu tiên và thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận.

Giải pháp điển hình

Được biết, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka, nắm giữ gần 20% nợ công nước ngoài của nước này tính đến cuối năm 2021.

Nước này vẫn là chìa khóa cho các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ đang diễn ra của Sri Lanka do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dẫn đầu. Vào tháng 10, Sri Lanka đã đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Exim Trung Quốc để trang trải khoản nợ khoảng 4,2 tỷ USD.

Một nhà kinh tế nắm rõ việc tái cơ cấu nợ của Sri Lanka tiết lộ rằng, khi đang gánh những khoản nợ lớn, Sri Lanka nên khai thác nguồn vốn cổ phần thay vì vay thêm để làm dòng tiền cho các dự án lớn của mình.

Gỡ nút thắt cho các dự án đầu tư của Trung Quốc, Sri Lanka liệu có thoát khỏi tình thế khó khăn? - Ảnh 2.

“Trọng tâm ở đây nên là thu hút dòng vốn chủ sở hữu. Nếu cần các khoản vay thì đó phải là các khoản vay được cấp trực tiếp cho khu vực tư nhân theo hình thức hợp tác công tư”, nguồn tin cho biết.

Theo các nhà phân tích, một chiến lược khác mà Sri Lanka có thể áp dụng là tận dụng các liên doanh để thúc đẩy các dự án lớn.

Một ví dụ điển hình là HIP, một dự án đã có dấu hiệu cải thiện trong năm qua. Cảng do liên doanh Trung Quốc-Sri Lanka, Tập đoàn Cảng Quốc tế Hambantota (HIPG) quản lý, đã xử lý 80% lượng nhiên liệu tại thị trường Sri Lanka trong 8 tháng đầu năm nay, tăng gấp 5 lần so với tổng lượng năm ngoái. Cảng này cũng ghi nhận có sự gia tăng của các phương tiện trung chuyển trong những tháng gần đây.

Umesh Moramudali, giảng viên kinh tế tại Đại học Colombo, cho biết HIPG là một ví dụ điển hình về việc các liên doanh hoạt động tốt hơn chính phủ trong việc giám sát loại dự án lớn này.

Ông Moramudali lưu ý rằng nhà điều hành cảng China Merchants Port (CMPort) đã cố gắng mời gọi các nhà đầu tư Trung Quốc khác tham gia vào các dự án ở Sri Lanka. Moramudali, đồng tác giả của một bài nghiên cứu về việc Trung Quốc cho Sri Lanka cho vay, cho biết: “Dự án này có tiềm năng và tôi nghĩ rằng đầu tư liên doanh của Trung Quốc sẽ mở rộng theo thời gian”.

Một thách thức chính đối với các nhà đầu tư tiềm năng ở Sri Lanka là thiếu sự phối hợp và hài hòa về chính sách đối với các dự án lớn.

Chuyên gia Kariyawasam cho biết HIP là một ví dụ tiêu biểu. Cần phải nêu rõ các ưu đãi đầu tư cho HIP vì điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ở đây vay vốn ngân hàng và tăng tỷ lệ sử dụng cảng. Ông nói thêm, với việc Sri Lanka tập trung phát triển các ngành công nghiệp, PCC có thể trở thành cơ sở để hỗ trợ công nghiệp hóa và thực hiện các chính sách tiên phong.

Tham khảo SCMP

Tất Đạt

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên