MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Hàng hóa nổi bật tuần 16 - 22/03]: Hiệp hội mía Đường chính thức lên tiếng về vần đề xuất nhập 50.000 tấn đường

22-03-2015 - 08:26 AM | Thị trường

Chính thức tăng giá điện từ ngày 16/3; Dự báo giá gas trong tháng 3 tăng 4.500 đồng/bình 12 kg; Giá thực phẩm và khí đốt trong tháng 3 tăng kéo CPI Hà Nội tăng trở lại; Ả- rập Xê- út cảnh báo nhiều loại nông sản, thực phẩm từ Việt Nam… cũng là những thông tin nổi bật trong tuần.


Giá gas tăng 4.500 đồng/bình 12kg trong tháng 3

Theo thông tin từ Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, tổng nhu cầu sử dụng LPG (khí hóa lỏng) trong nước tháng 2/2015 - tháng Tết Nguyên đán, vẫn giữ ổn định như tháng 1/2015, ước khoảng 115.000 tấn.

Trong đó, nguồn cung LPG từ sản xuất trong nước của Nhà máy Dinh Cố và Dung Quất ổn định 56.000 tấn (bằng 48,7% nhu cầu); nguồn nhập khẩu ước khoảng 59.000 tấn (bằng 51,3% nhu cầu).

Dự báo trong tháng 3/2015, nguồn cung LPG trên thị trường thế giới ổn định, nhưng giá nhập khẩu LPG trên thị trường thế giới tăng nhẹ do tác động của giá dầu thô (giá CP tăng 15 USD/tấn), điều này tác động lên thị trường trong nước, khiến giá LPG thị trường trong nước tăng tương ứng khoảng 4.500 đồng/bình 12kg.

Hiệp hội mía Đường chính thức lên tiếng về vần đề xuất nhập 50.000 tấn đường

Trong văn bản mới nhất gửi lên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết,Hiệp hội không hề phản đối việc nhập đường, mà chỉ yêu cầu nhập như thế nào để không làm trái với các quy định hiện hành nhằm lợi dụng của nhóm lợi ích.

Theo đó, Hiệp hội chỉ yêu cầu nhập 50.000 tấn đường từ Lào với các nguyên tắc:

- Nhập 100% đường thô về nước luyện lại thành đường RS (đường trắng) hoặc RE (đường tinh luyện), tạo thêm giá trị gia tăng, công ăn việc làm cho các doanh nghiệp trong nước.

- Đường nhập từ Lào được tính và khấu trừ trong hạn ngạch nhập khẩu hàng năm đã cam kết với WTO.

- Phải tổ chức đấu thầu nhập khẩu hạn ngạch này 1 cách rộng rãi, minh bạch không cấp phát theo cơ chế xin cho như cơ chế hiện nay, chỉ đem lại lợi ích từ chênh lệch giá về cho ngân sách. Việc đấu thầu nhập khẩu đường theo hạn ngạch là không vi phạm cam kết với WTO được chứng minh qua các văn kiện ký kết giữa Việt Nam và WTO.

- Nên nhập sau khi vụ ép mía đường trong nước kết thúc để giảm dư thừa cục bộ gây tồn kho lớn trong nước.

- Thuế nhập khẩu không nên miễn hoàn toàn như đề nghị của Bộ Công thương mà nên áp dụng mức thuế nhập khẩu đường đã cam kết chung đối với AFTA.

Chính thức tăng giá điện từ ngày 16/3

Sau nhiều lần Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tăng giá điện do chi phí đầu vào tăng và EVN đang bị lỗ, ngày 5/3, Thường trực Chính phủ chính thức đồng ý tăng giá điện thêm 7,5% kể từ ngày 16/3/2015.

Ngày 12/3, Bộ Công thương chính thức ban hành Quyết định quy định chi tiết về giá bán điện. Theo đó, giá bán lẻ điện được quy định rõ cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và cho các đơn vị bán lẻ điện. Theo Quyết định mới được ban hành, mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.622,01 đồng/kWh.

Với nhóm bán lẻ điện sinh hoạt, giá điện được chia làm 6 bậc với mức cao nhất là từ 401 kWh trở lên sẽ áp dụng mức giá 2.587 đồng/kWh, mức thấp nhất (dưới 50kWh) là 1.484 đồng/kWh.

Giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất chia theo cấp điện áp. Theo đó, giá bán lẻ cao nhất với cấp điện áp dưới 6kV, vào giờ cao điểm là 2.735 đồng/kWh, giờ bình thường là 1.518 đồng và thấp điểm là 983 đồng.

Đối với khối hành chính, sự nghiệp: cao nhất là 1.671 đồng/kWh, thấp nhất là 1.460 đồng. Đặc biệt, giá bán lẻ điện kinh doanh có thể lên tới 3.991 đồng/kWh vào giờ cao điểm và thấp nhất 1.185 đồng/kWh vào giờ thấp điểm...

2 tháng đầu năm, người Việt nhập khẩu hơn 15.000 chiếc ô tô

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2 năm 2015, cả nước đã nhập khẩu 5.493 ô tô nguyên chiếc với giá trị đạt 133,38 triệu USD; giảm 42,8% về lượng và giảm 28,6% về giá trị so với tháng trước. Tháng 2 là thời kỳ tiêu thụ thấp nhất trong năm do có kỳ nghỉ tết Nguyên đán, tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ tháng 2/2015 vẫn rất ấn tượng.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 2, cả nước đã nhập khẩu 15.099 ô tô nguyên chiếc với giá trị đạt 320,25 triệu USD; tăng 146,4% về số lượng và tăng 173,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Ả- rập Xê-út cảnh báo nhiều loại nông sản, thực phẩm từ Việt Nam

Theo Đại sứ quán Ả rập Xê út, trong thời gian từ cuối năm 2014 và đầu năm 2015, cơ quan quản lý nhập khẩu của nước này ghi nhận số lượng nông thủy sản nhập khẩu có xuất xứ Việt Nam bị từ chối nhập khẩu do vi phạm các quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm, quy định về nhãn mác ngày càng tăng.

Số lượng nông sản Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào Ả-rập Xê-út, theo thống kê từ cuối năm 2014 đến đầu 2015 với hải sản, đã có tới trên 70.000 kg sản phẩm bị phát hiện nhiễm khuẩn; các loại hạt 15.000kg bị phát hiện sai quy cách sản phẩm; sai quy định về dán nhãn có bột mỳ trên 71.000kg, các loại phụ gia thực phẩm trên 11.000kg...

Đại sứ quán Ả-rập Xê-út đã cảnh báo các loại nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào nước này cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định kỹ thuật và các tiêu chuẩn hiện hành.

Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á của Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Ả-rập Xê-út cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu nhằm giải quyết các vướng mắc phát sinh, tuân thủ chặt chẽ các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng Ả-rập Xê-út nhằm tránh các tổn thất.

Hà Nội: Giá thực phẩm và khí đốt tăng kéo CPI tháng 3 tăng trở lại

Cục Thống kê Tp. Hà Nội vừa công bố báo cáo báo cáo kinh tế - xã hội tháng 3/2015. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,38%so với tháng trước và tăng 0,65% so cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân khiến chỉ số giá tháng này tăng là do, trong tháng vào thời điểm lễ hội và rằm tháng Giêng, nên giá các mặt hàng thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản tăng nhẹ khiến cho nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng (tăng 0,74% so với tháng trước).

Yêu cầu sử dụng vật liệu xây dựng không nung

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung, thay thế loại vật liệu truyền thống gây mất đất, ô nhiễm môi trường hiện nay.

Đây là một trong những nội dung kết luận tại cuộc họp sáng 18/3 về tình hình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung theo Quyết định 567/QĐ-TTg và Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo tính toán, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) cả nước hiện vào khoảng 24 tỷ viên gạch/năm, đến 2020 khoảng 33 tỷ viên. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch nung phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 150.000 tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2.

Trong khi các nước trong khu vực có mức sử dụng 70-80% thì ở  nước ta mới đạt xấp xỉ 30% VLXD không nung.

Trước tình hình này, Thủ Chính phủ đã có Quyết định 567 và Chỉ thị số 10 tăng cường triển khai chương trình sản xuất, sử dụng VLXD không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

Các địa phương chính thức phân phối xăng sinh học

Thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo chỉ đạo của Chính phủ, nhiều địa phương đã lên kế hoạch phân phối xăng sinh học E5 và E10 để phát triển tiêu dùng nhiên liệu sinh học, từng bước thay thế dần nhiên liệu truyền thống, góp phần bảo vệ an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện lộ trình phân phối nhiên liệu sinh học trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Thừa Thiên - Huế sẽ đẩy nhanh quá trình thực hiện lộ trình phân phối xăng sinh học E5 (thay thế xăng khoáng Mogas 92) trên địa bàn tỉnh từ ngày 01/11/2015 (Trước lộ trình quy định của Chính phủ 01 tháng).

Thực hiện đúng lộ trình phân phối xăng sinh học E10 trên địa bàn tỉnh theo quy định: Từ ngày 01/12/2017, 100% các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh tham gia phân phối xăng sinh học E10, lưu hành song song cùng xăng khoáng Mogas 95.

Tại Kiên Giang, UBND tỉnh cũng vừa ban hành kế hoạch thực hiện lộ trình phân phối xăng E5, E10 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Theo đó, lộ trình thực hiện là từ cuối năm 2015 xăng E5, đến cuối năm 2017 xăng E10 được kinh doanh phục vụ và sử dụng cho các phương tiện cơ giới trên đường bộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

OPEC “thề” giữ sản lượng, giá dầu lại giảm

Giá dầu thô thế giới giảm trở lại trong phiên giao dịch ngày 19/3 do đồng USD mạnh lên và tuyên bố của một quan chức Tổ chức Các nước sản xuất dầu lửa (OPEC) nói không có lựa chọn nào khác ngoài duy trì sản lượng bất chấp tình trạng dư thừa dầu trên thị trường.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 18/3, giá dầu phục hồi mạnh nhờ đồng USD mất giá sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Lúc đóng cửa tại thị trường London phiên hôm qua, giá dầu thô Brent biển Bắc giảm gần 3%. Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giảm khoảng 2%. 

Hôm 18/3, giá dầu thô Brent tăng 5% và giá dầu ngọt nhẹ tăng khoảng 3% khi đồng USD có ngày mất giá mạnh nhất trong 18 tháng. Tỷ giá USD so với các đồng tiền chủ chốt khác lao dốc sau khi FED tiếp tục tỏ ra mềm mỏng trong vấn đề lãi suất.

Giá hàng hóa xuống thấp nhất 12 năm

Giá năng lượng lao dốc kéo giá hàng hóa xuống thấp nhất 12 năm khi USD lên cao nhất 12 năm so với rổ tiền tệ, làm giảm tính hấp dẫn của nguyên liệu thô. Cụ thể, chỉ số hàng hóa do Bloomberg theo dõi giá của 22 loại hàng hóa đã giảm 1,4% xuống 97,5777, thấp nhất kể từ tháng 8/2002, chủ yếu do giá dầu thô và đường thô lao dốc.

Giá hàng hóa đang giảm khi kinh tế Mỹ và nhiều nước khác duy trì đà tăng trưởng đẩy USD lên cao. Fed sẽ có phiên họp chính sách vào 17-18/3 khi thị trường lao động Mỹ chuyển biến tích cực làm tăng khả năng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ sớm nâng lãi suất.

Goldman Sachs Group Inc cho biết, giá hàng hóa có thể giảm 20% trong 6 tháng tới trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục tăng.

Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì quản lý giá sữa

Bộ Tài chính chủ trì, thống nhất với Bộ Công Thương làm rõ nhiệm vụ quản lý, bình ổn giá sữa giữa các Bộ; trên cơ sở đó trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định pháp luật hiện hành.

Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ Tài chính, Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai các biện pháp quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trước đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP thì Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá như đăng ký giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá; định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ; tiếp nhận, rà soát đăng ký giá, kê khai giá các mặt hàng bình ổn giá, trong đó có mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

>>> [Hàng hóa nổi bật ngày 17/03]: Ả- rập Xê- út cảnh báo nhiều loại nông sản, thực phẩm từ Việt Nam

Hà Thắm

Hà Thắm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên