MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Hết cửa rồi đừng mơ tăng đầu tư nữa, cái giá sẽ là bất ổn vĩ mô"

Trước việc đẩy mạnh tăng vốn đầu tư, đẩy mạnh nguồn cầu, nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo đây sẽ là mối nguy tiềm ẩn cho kinh tế vĩ mô.

Trước thông tin cho rằng vốn đầu tư giải ngân khá thấp trong 6 tháng đầu năm và cần phải đẩy mạnh nguồn vốn này để thúc đẩy tăng trưởng, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), tỏ ra lo ngại đây sẽ là hệ lụy xấu tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Theo vị này phân tích, báo cáo 6 tháng đầu năm khu vực vốn Nhà nước là 229.300 tỷ đồng, chiếm 37,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 6,5% là tốc độ tăng thấp nhất so với hai nguồn vốn còn lại. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng chung là 11,7%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng gần 15% và FDI tăng trên 15%.

Lo ngại tăng đầu tư - tiềm ẩn đầu cơ

"Tổng vốn đầu tư cho đến thời điểm này tính cả yếu tố giá, thì tăng nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế. Nói cách khác nếu đơn thuần mang tổng vốn đầu tư chia GDP, được gọi là ICOR thì đang tăng. Nên nếu kịch bản đẩy thêm vốn đầu tư nhà nước, thì đầu cơ tăng vọt trong khi tăng trưởng không theo kịp, sẽ phải trả giá bất ổn vĩ mô" - TS. Ánh lo ngại.

Trong khi đó, chuyên gia này còn băn khoăn về hai con số thực chất về giải ngân vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm. Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, ông Ánh cho biết vốn đầu tư từ ngân sách trong khu vực kinh tế Nhà nước là 107.000 tỷ đồng, bằng 42,5% kế hoạch. Như vậy có thể hiểu đây là vốn giải ngân, đã cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước là 39,9%.

Tuy nhiên, một con số khác cũng được dẫn ra mà cơ quan thống kê gọi là vốn chi đầu tư phát triển ngân sách nhà nước là 74,5 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 29,2% dự toán. Theo ông Ánh, về bản chất con số này không khác gì vốn đầu tư từ ngân sách đã nhắc ở trên, nhưng vấn đề đặt ra là tại sao lại có hai con số như vậy?

"Bởi chi đầu tư phát triển phải hoàn toàn tương ứng với số đầu tư từ ngân sách nhà nước. Hai con số đó phải là giống nhau, nhưng lại có hai con số và tôi không hiểu tình hình gì cả. Do đó, nếu vội vàng lấy chuyện giải ngân ngân sách để giải bài toán tăng trưởng thì không bao giờ tăng trưởng được" - ông Ánh nói.

Đồng quan điểm, TS. Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng tư duy điều hành tăng trưởng phát triển nền kinh tế, hình như không thay đổi và đang rơi vào tình hình như mấy năm trước.

"Nếu chỉ gồng lên bơm vốn, tăng trưởng làm sao đạt được khi chưa chú ý đến chất lượng tăng trưởng. Ngay cả việc từ 18% tín dụng tăng lên 22% có tốt không? Chắc chắn để có 6,7% tăng trưởng thì phải tăng tín dụng, nhưng nếu tăng 22% mà dùng cho thật tốt sẽ khác, còn tăng trưởng bằng được thì phải xem xét" - TS. Hồ phân tích.

Tăng tiêu dùng - dư địa cho tăng trưởng

Trong khi đó, TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế Vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương) cho rằng cũng rất khó để thực hiện việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư. Bởi muốn tăng đầu tư thì phải tăng vay nợ, trong khi nợ công đã sắp chạm trần.

"Với cơ chế đầu tư công hiện nay là vô cùng khó, vì phân bổ đầu tư công của ta hiện nay bị ảnh hưởng nhiều yếu tố khác hơn là yếu tố hiệu quả và lan tỏa. Nên dù đã siết chặt đầu tư công và Luật đầu tư công mới nhưng người ta vẫn cứ tiếp tục vi phạm, phê duyệt đầu tư công mới khi chưa có nguồn, tăng nợ…" - TS. Tú Anh lo ngại.

Do đó, các chuyên gia cho rằng thay vì tập trung kích thích đầu tư thì vẫn còn nhiều dư địa cho tăng trưởng mà Nhà nước cần chú ý. Ông Ánh nói: "Hết cửa rồi đừng mơ tăng đầu tư nữa, nếu tăng vòn vọt cái giá sẽ là bất ổn vĩ mô ngay tức khắc. Làm thế nào để tăng trưởng 2016 thì cần nhìn vào phía cung chứ đừng nhìn vào phía cầu".

Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng cần tập trung và những ngành, lĩnh vực cần tập trung đó là công nghiệp chế biến chế tạo, khi 6 tháng đầu năm chỉ tăng 6-7%, thấp hơn mức 10% trước đây. Đây là lĩnh vực tập trung thế mạnh của DN FDI nên cần khuyến khích khối này tăng sản xuất.

Ngoài ra, thúc đẩy tăng các ngành dịch vụ, tập trung vào thương mại, du lịch và giao thông vận tải, trong đó ông Ánh nhấn mạnh chính sách làm sao khuyến khích tập trung vào thương mại. Phân tích cụ thể, vị chuyên gia này cho rằng hiện 6 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng chỉ bằng một nửa so với thời tốt nhất, cho thấy dư địa từ tiêu dùng còn rất lớn.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên