Khai tử cách "Made in Vietnam" trên hàng nội địa: "Chúng ta là người Việt, không có nhu cầu sử dụng tiếng nước ngoài để giao tiếp với nhau"
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải bằng tiếng Việt.
- 14-08-2019Góc nhìn của các tổ chức quốc tế về kinh tế Việt Nam giữa những "cơn gió thổi ngược" như thế nào?
- 12-08-2019Thu nhập bình quân đầu người Việt "nhảy" lên 3.000 USD/năm theo cách tính mới sẽ tạo ra tác động gì?
- 04-08-2019Dự thảo quy định về hàng "Made in Vietnam" có nhiều khoảng trống
- 01-08-2019Bộ Công Thương đưa ra tiêu chí xác định hàng Made in Vietnam
Tại cuộc trao đổi với báo chí chiều 14/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có những trả lời nhằm làm rõ hơn về dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Thứ trưởng Khánh cho biết hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trong 2 trường hợp. Hoặc hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam hoặc có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.
Dự thảo Thông tư cũng quy định hàng hoá được xem là hàng Việt Nam phải đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng (VAC) tối thiểu là 30% hàm lượng nội địa chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam.
Giải thích tỷ lệ 30% chứ không phải mức khác cao hơn, Thứ trưởng Khánh nói rằng nhằm góp phần tránh tình trạng xuất hiện tình huống oái oăm là cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của mình.
Thứ trưởng Khánh cũng cho biết theo dự thảo Thông tư, các doanh nghiệp không được sử dụng các cụm từ như "lắp ráp tại Việt Nam", "gia công tại Việt Nam" hay "Thiết kế mới Việt Nam".
Theo ông, tổ chức, cá nhân chỉ được phép lựa chọn một trong các cách quy định tại khoản 2 Điều 4 để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam. Họ có thể lựa chọn cụm từ phù hợp nhất với quy trình sản xuất, gia công, chế biến của họ. Theo kinh nghiệm chung trên thế giới thì các sản phẩm có xuất xứ thuần túy thường dùng cụm từ "Sản phẩm của ..." mà không dùng các cụm từ như "Chế tạo tại ..." hay "Sản xuất tại ...".
Dự thảo cũng không cho phép ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, ví dụ như "Made in Viet Nam" hay "Product of Viet Nam".
"Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt. Chúng ta là người Việt và không có nhu cầu sử dụng tiếng nước ngoài để giao tiếp với nhau", ông Khánh nói.