Không được chủ quan vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam quá lớn
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đây là nhiệm vụ trọng yếu trong năm 2019.
- 30-01-2019FDI giảm tốc, động lực tăng trưởng kinh tế và thương mại dịch chuyển về thị trường nội địa
- 30-01-2019Dự báo năm 2019 nhiều ngành của Việt Nam chịu tác động từ kinh tế Trung Quốc
- 25-01-2019Ban Kinh tế Trung ương tham mưu nhiều vấn đề chiến lược
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận tình hình tháng đầu tiên của năm 2019 có xu hướng tích cực, tiếp tục giữ tiến độ đầu tư phát triển, đà tăng trưởng tốt. “Thời cơ của chúng ta rất lớn, các ngành, các địa phương phải sẵn sàng đón nhận”, Thủ tướng nêu tại kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, ngày 31/1.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam quá lớn.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Theo Thủ tướng, cần tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu nhất trong năm 2019. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu từng bộ trưởng, trưởng ngành phải đặc biệt quan tâm tới tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho bộ, ngành mình, phải thường xuyên giao ban, kiểm điểm hàng tháng để có đối sách phù hợp, kịp thời với các biến động trong nước và quốc tế.
“Việc chủ quan, sơ suất trong điều hành sẽ dẫn đến hậu quả lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất linh hoạt, hiệu quả, hài hòa với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác. Theo đó, thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tín dụng phải được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, là động lực của tăng trưởng, góp phần hạn chế tín dụng đen. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phải có biện pháp đối với một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong tín dụng.
Bộ Tài chính phải siết chặt hơn nữa kỷ luật tài chính ngân sách Nhà nước, thanh tra, kiểm tra công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách. Trường hợp đã bố trí trong dự toán mà phát hiện sai phạm, lãng phí, Chính phủ yêu cầu điều chuyển sang mục đích khác. Cùng với đó, tập trung chống thất thu, chuyển giá, nợ đọng thuế.
Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu theo mục tiêu đề ra. “Tại Hội nghị tổng kết Bộ Công Thương, tôi đã nói, năm 2018, chúng ta đã xuất siêu khoảng 7,5 tỷ USD thì không có lý do gì chúng ta lại nhập siêu trong năm 2019, mà ta biết FDI vào lớn như thế này thì dễ nhập siêu cao”, Thủ tướng lưu ý.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công Thương trình Thủ tướng Đề án về tranh chấp thương mại nói chung và tranh chấp thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu công bố hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở một số tỉnh điển hình.
Tại cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ thông tin, ngay sau Tết, sẽ chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để quyết định một số vấn đề đối với đường cao tốc HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ để bảo đảm tuyến đường nhanh chóng đi vào hoạt động, phục vụ sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long.
Người đồng hành