MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải khoe khoang xe hơi, đồng hồ, túi hiệu, người thực sự giàu sẽ "flex" điều này – Đáng để học hỏi!

06-10-2023 - 13:40 PM | Lifestyle

Trong đầu tư và tiêu dùng, cách hiệu quả nhất để đảm bảo lợi nhuận mà không mất tiền là đầu tư vào bản thân.

Trên mạng xã hội, chắc hẳn bạn không còn lạ lẫm gì với những bài viết khoe sự giàu có. Chẳng hạn như: "Tôi mới mua chiếc Porsche và Ferrari chỉ trong 1 năm", "Chiếc túi này có giá hàng trăm triệu đồng, là hàng thiết kế hiếm có",… Thế nhưng có một sự thật rằng, đa số họ chỉ là người mới giàu, còn những người sở hữu tài sản kếch xù nhiều năm lại thường kín tiếng.

Vào thế kỷ trước, có một cuốn sách nổi tiếng có tên là "Phong cách" đã chỉ ra thói quen tiêu dùng, thói quen sinh hoạt của các tầng lớp khác nhau trong xã hội Mỹ. Cuốn sách liệt kê nhiều điểm thú vị:

Những người ở các cấp độ khác nhau thích lái những chiếc xe khác nhau. Tầng lớp trung lưu thích lái BMW hoặc Mercedes-Benz mới cứng. Tầng lớp thượng lưu thích lái chiếc Cheverolet rất bình thường, thậm chí là xe cũ. Còn tầng lớp thấp hơn, bất kể họ lái ô tô nào cũng thích treo một thứ gì đó phía gần ghế lái.

Không phải khoe khoang xe hơi, đồng hồ, túi hiệu, người thực sự giàu sẽ "flex" điều này – Đáng để học hỏi! - Ảnh 1.

Nhà, xe, đồng hồ, trang sức, túi xách,... là những món đồ mà người mới giàu thường khoe. (Ảnh minh hoạ)

Khi mua đồ dùng, những người mới giàu thường mua đồ trả góp có thiết kế hiện đại, tinh xảo, chẳng hạn như tủ lạnh thông minh, robot lau nhà,… Trong khi đó, tầng lớp thượng lưu lại sắm những món nội thất cao cấp, trông trang nhã, lịch sự. Đặc biệt, họ sẽ giữ lại đồ dùng cũ trong nhà như bức tranh lâu năm, tấm thảm thủ công cao cấp,… Những đồ vật tinh xảo và đắt tiền phản ánh họ đã giàu có từ rất lâu.

Trong túi, ví của người mới giàu luôn căng phồng, chứa nhiều tiền mặt, cuống vé máy bay, vé xem phim, biên lai mua sắm chứng minh họ mua gì, đi tới đâu, ăn tại nhà hàng nào,… Trong khi túi, ví của tầng lớp trung lưu chỉ chứa một lượng nhỏ tiền mặt và thẻ ngân hàng.

Về trang phục, những người mới giàu thường mặc đồ chứa nhiều logo để chứng minh đó là thương hiệu xa xỉ. Còn trang phục của người thực sự giàu sang thường không có nhãn hiệu. Họ thích quần áo đơn màu, không logo, kiểu dáng đơn giản để tránh lỗi mốt. Họ sẽ chú ý đến chất liệu trang phục hơn là logo thương hiệu.

Người giàu thật sự theo đuổi điều gì?

Những người thực sự giàu có không chạy theo những món đồ xa xỉ để chứng tỏ địa vị của mình. Vậy họ đang theo đuổi điều gì?

Trong cuốn "Làm giàu không may mắn", điều này được đề cập như sau:

Hãy tìm kiếm sự giàu có chứ không phải tiền bạc hay địa vị. Sự giàu có là khi bạn sở hữu những tài sản có thể giúp bạn kiếm tiền ngay cả khi chìm vào giấc ngủ. Tiền là công cụ giúp chúng ta chuyển đổi thời gian và của cải. Địa vị là vị trí của bạn trong hệ thống phân cấp xã hội. Đối với những người có tiền, họ tiêu dùng để kiếm thêm thu nhập.

Cách đây không lâu, He Youjun – con của một tỷ phú tại xứ Trung đã cầu hôn bạn gái. Điều này gây ồn ào suốt vài ngày trên mạng xã hội. Địa điểm là trung tâm thương mại của gia đình, so với địa điểm khác không quá sang trọng, cao cấp. Nhiều người cho rằng, màn cầu hôn này "chưa xứng tầm".

Tuy nhiên, nếu chịu khó tư duy, bạn sẽ thấy nhờ màn cầu hôn đã giúp trung tâm thương mại tạo được tiếng vang, từ đó thúc đẩy mức tiêu dùng của mọi người. Một màn cầu hôn nhưng cũng là kế hoạch tiếp thị thông minh. Đây là tư duy đầu tư của người giàu. Trông giống như tiêu dùng nhưng đằng sau đó là đầu tư sinh lời cao.

Trong đầu tư và tiêu dùng, cách hiệu quả nhất để đảm bảo lợi nhuận mà không mất tiền là đầu tư vào bản thân. Đầu tư vào bản thân ở đây không phải là phẫu thuật thẩm mỹ, mua trang sức đắt tiền, sắm quần áo sành điệu,… mà là nâng cấp não bộ thông qua việc học tập.

Tại sao đầu tư vào bản thân thông qua việc học lại dễ thành công?

Không phải khoe khoang xe hơi, đồng hồ, túi hiệu, người thực sự giàu sẽ "flex" điều này – Đáng để học hỏi! - Ảnh 2.

Người giàu thật sự thường tập trung đầu tư vào bản thân. (Ảnh minh hoạ)

1. Quyền chủ động hoàn toàn nằm trong tay bạn

Chẳng hạn khi bạn đầu tư vào cổ phiếu, mua các sản phẩm tài chính, thu nhập sẽ bị tác động và kiểm soát bởi thị trường. Những lý do về chính sách, làn sóng công nghệ và biến động thị trường có thể khiến bạn trắng tay.

Nhưng khi đầu tư cho học tập, quyền chủ động hoàn toàn nằm trong tay bạn. Nếu bạn muốn đầu tư 100% sức lực của mình thì chắc chắn sẽ nhận được lợi ích tương ứng.

2. Bạn đang tiêu tiền để tiết kiệm thời gian

Chẳng hạn, bạn có thể mua một cuốn sách giá vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng là cách bạn mua được hệ thống kiến thức mà tác giả đã nghiên cứu trong nhiều năm. Như vậy, với số tiền ít ỏi bỏ ra sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian đáng kể.

Hay nếu bạn bỏ ra một khoản tiền để mua khoá học trực tuyến về một lĩnh vực nào đó, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian so với tự mày mò tìm hiểu trong khi mông lung định hướng.

Cũng giống như việc các bậc phụ huynh bỏ tiền ra để đăng ký cho con em vào các trung tâm luyện thi. Đó là vì các giáo viên chuyên môn cao có thể giúp chúng ta tiết kiệm rất nhiều thời gian. Thời gian tiết kiệm được có thể được sử dụng để kiếm nhiều tiền hơn.

3. Kiến thức sẽ tối ưu hoá thành hiệu quả công việc

Một người đàn ông nọ từng tặng bạn gái mình khoá học trị giá 190.000 NDT trong ngày lễ tình nhân. Tất nhiên sau đó nhờ khoá học, cô gái đã vận dụng được kiến thức, kinh nghiệm để kinh doanh mỹ phẩm, tạo nên lợi nhuận đáng mơ ước.

Điều này khiến 2 người hạnh phúc. So với việc tặng đi món đồ xa xỉ thì lợi ích đầu tư này mang lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều.

Bằng cách đầu tư vào bản thân, bạn có thể chủ động bỏ tiền để mua thời gian và tối ưu hoá hiệu quả công việc. Những ý tưởng tiêu tiền này nằm ngoài tầm với của những người theo đuổi logo thương hiệu đình đám hay thích thể hiện sự giàu có của mình. Cách tốt nhất để biết một người có tiền hay không là xem người đó tiêu tiền vào đâu.

Theo Ứng Hà Chi

Phụ nữ số

Trở lên trên