Lãi suất cho vay đã có dấu hiệu nhích lên
Những ngày gần đây, các ngân hàng liên tục tung ra thị trường các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dài với mức lãi suất rất cao.
- 24-02-2017Lãi suất cho vay doanh nghiệp sẽ cạnh tranh hơn
- 17-02-2017Công ty tài chính kêu khó với quy định mới về lãi suất cho vay tiêu dùng
- 09-02-2017Chốt lãi suất cho vay theo quy chế mới
Điển hình như tại VPBank, lãi suất chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 60 tháng với mức từ 5 tỷ đồng trở lên được áp dụng lãi suất lên tới 9,2%. Nhiều ngân hàng khác cũng áp dụng các mức lãi suất phổ biến từ 8,5-8,8%/năm. Phóng viên báo Hải quan đã trao đổi với Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín – Đại học Ngân hàng TP.HCM về diễn biến này.
Ông có thể lý giải nguyên nhân của cuộc đua lãi suất chứng chỉ tiền gửi tại nhiều ngân hàng những ngày gần đây?
Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này xuất phát từ những khó khăn trong việc huy động vốn VND tại các kỳ hạn trung và dài hạn. Hiện lượng vốn hút vào tại các kỳ hạn này rất ít do khách gửi tiền, đặc biệt là khách hàng cá nhân, hầu hết chỉ thích gửi các kỳ hạn ngắn.
Trong khi ngân hàng lại rất cần nguồn vốn trung và dài hạn. Ngoài ra, theo quy định của Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2017, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn được điều chỉnh giảm từ 60% xuống còn 50%. Trong khi nhiều ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đang gần chạm trần tỷ lệ này. Do đó, các ngân hàng rất cần huy động thêm nguồn vốn trung, dài hạn.
Bên cạnh đó, kênh huy động vốn của ngân hàng hiện đang phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dành cho tổ chức của các công ty tài chính với mức lãi suất hiện đã lên tới 11%. Thậm chí mức lãi suất này còn có thể đẩy lên cao hơn nữa. Do đó, các ngân hàng phải đưa ra mức lãi suất cao để tăng cạnh tranh và thu hút thêm dòng vốn.
Vậy mức lãi suất này của các ngân hàng có phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước?
Hiện Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định trần lãi suất đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Còn các kỳ hạn trên 6 tháng, ngân hàng được phép thỏa thuận. Ngoài ra, theo quy định, trước khi phát hành các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi, các ngân hàng đều phải xin phép và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về cả mức tiền, kỳ hạn cũng như lãi suất.
Theo ông, mức lãi suất lên tới 9,2% đối với kỳ hạn 60 tháng có thực sự hấp dẫn và người dân có nên mua các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi này?
Vừa qua, chỉ sau 3 ngày phát hành, Ngân hàng Sacombank đã bán hết toàn bộ số lượng phát hành chứng chỉ tiền gửi. Qua đó cho thấy mức lãi suất này rất hấp dẫn đối với người gửi tiền. Tuy nhiên, khách hàng cũng cần tính toán thận trọng.
Bởi thực tế mức lãi suất cao chỉ được áp dụng cho các kỳ hạn rất dài, lên tới 5-7 năm. Ngoài ra, lãi suất mà các ngân hàng đưa ra chỉ được áp dụng trong 1 năm đầu, các năm tiếp theo lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường. Hiện các ngân hàng đã cho phép khách hàng được chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi hoặc bán lại, cầm cố tại ngân hàng.
Tuy nhiên, trong các trường hợp này, mức lãi suất được áp dụng thường thấp hơn nhiều so với lãi suất cuối kỳ. Do đó, khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ các điều khoản về chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng trước khi quyết định mua các sản phẩm này.
Vậy mức siêu lãi suất này có ảnh hưởng gì tới mặt bằng lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay không, thưa ông?
Lãi suất huy động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là tại các kỳ hạn trung và dài hạn. Còn về lãi suất cho vay, hiện đã bắt đầu có dấu hiệu nhích lên. Theo thông tin tôi được biết, nhiều hợp đồng vay vốn của cá nhân đã bị áp dụng lãi suất lên tới 12,5-13%/năm, tăng từ 0,5-1% so với trước đây.
Theo tôi, với mức lãi suất huy động như hiện nay, nếu để thị trường tự điều tiết, lãi suất cho vay có thể tăng thêm 2-4%/năm trong năm nay. Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước có chính sách can thiệp, mức tăng có thể sẽ thấp hơn, chỉ tăng khoảng 1-2%/năm.
Xin cảm ơn ông!
Hải quan