MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lựa chọn lý trí của 11 thành viên CPTPP hóa giải sự khó xử khi đứng giữa hai cường quốc

28-01-2018 - 08:49 AM | Tài chính quốc tế

Sau khi TT Trump rút Mỹ khỏi TPP nhưng CPTPP đã cho thấy 11 thành viên không hề nghiêng ngả hay dịch chuyển lại gần hơn đối tác khác để có sự thay thế cho Mỹ.

Cuộc họp cấp Bộ trưởng ở Tokyo (Nhật Bản) giữa 11 quốc gia tham gia đàm phán về Hiệp ước Quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ) hay còn được gọi là TPP+11 đã đạt được những nhất trí cần thiết và dọn dẹp mọi trở ngại cuối cùng để văn kiện này có thể được ký kết chính thức vào tháng 3 tới tại Chile.

Về nội dung, hiệp ước mới này không còn như TPP đã được 11 quốc gia này cùng thoả thuận và ký kết với Mỹ hồi tháng 2/2016 nhưng ý tưởng và mục đích không thay đổi.

Sự lựa chọn của lý trí

Lựa chọn lý trí của 11 thành viên CPTPP hóa giải sự khó xử khi đứng giữa hai cường quốc - Ảnh 1.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói về CPTPP tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2018. Ảnh: Reuters

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước Mỹ ra khỏi TPP, 11 thành viên còn lại bị đẩy đến trước sự lựa chọn giữa từ bỏ hay duy trì TPP và ai cũng biết rằng từ bỏ TPP đồng nghĩa với việc chịu bị khuất phục trước mọi quyết định của phía Mỹ còn nếu duy trì TPP thì không thể tránh khỏi phải đàm phán lại và thêm về một số nội dung đơn giản bởi việc Mỹ không tham gia nữa làm thay đổi cơ bản tương quan trong nội bộ TPP, đặc biệt đối với Nhật Bản và Canada.

Bên lề hội nghị cấp cao APEC cuối năm ngoái ở Đà Nẵng, 11 quốc gia này đã có quyết định của lý trí khi không từ bỏ ý tưởng về TPP và nhất trí thay thế TPP bằng CPTPP. Nhật Bản và cá nhân Thủ tướng nước này Shinzo Abe cổ suý mạnh mẽ nhất và đóng vai trò động lực cho sự ra đời của CPTPP trong khi Canada đã tận dụng triệt để mong muốn của các đối tác duy trì thoả thuận về khu vực mậu dịch tự do để được đáp ứng một số yêu cầu mới về nội dung, cả chỉnh sửa lẫn bổ sung.

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên cáo sự nhất trí của 11 nước về CPTPP tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Davos (Thuỵ Sỹ) năm nay và lại còn trước khi ông Trump tới Davos tham dự WEF.

Ai cũng biết WEF Davos hiện thân cho toàn cầu hoá và tự do hoá mậu dịch trong khi ông Trump chủ trương bảo hộ mậu dịch và đưa nước Mỹ co về nội địa. Ngoài những lợi ích thiết thực đối với 11 nước tham gia, CPTPP còn ba hàm hai ý nghĩa rất đáng được chú ý.

Thứ nhất, CPTPP phát đi thông điệp là chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump không ngăn cản được bước tiến của toàn cầu hoá và tự do hoá mậu dịch ở bình diện khu vực và châu lục cũng như trên thế giới.

Thứ hai, CPTPP là thoả thuận của 11 nước nhưng luôn mở cửa cho Mỹ tham gia. Như thế cũng còn có nghĩa là CPTPP không nhằm đối phó Mỹ mà chỉ không phụ thuộc vào Mỹ và CPTPP vẫn muốn có Mỹ tham gia chứ không là sân chơi riêng và cuộc chơi khép kín.

Sự ra đời của CPTPP còn được cả ông Abe lẫn ông Trudeau coi là thắng lợi riêng của Nhật Bản và Canada. Hai nước này là hai nền kinh tế lớn nhất trong CPTPP và do vậy đương nhiên đóng vai trò quan trọng hơn cả đối với thành công và hiệu ứng thiết thực của CPTPP.

CPTPP giúp cho các nước thành viên có những cơ hội và tiềm năng mới trong hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại với nhau cũng như tạo thế mới cho họ trong quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại với các đối tác bên ngoài.

Các nước tham gia CPTPP đã lựa chọn tự tập hợp nhau lại sau khi Mỹ không còn tham gia TPP chứ không nghiêng ngả hay dịch chuyển lại gần hơn đối tác khác để có sự thay thế cho Mỹ. Sự lựa chọn này đã giúp các nước tham gia không bị khó xử giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sau khi ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi TPP, không ít người trên thế giới cho rằng ông Trump đã tạo cho Trung Quốc cơ hội điền lấp chỗ trống và đẩy các nước về phía Trung Quốc. CPTPP đã cho thấy thực tế không phải như thế.

Dù vậy, CPTPP có lợi cho Nhật Bản như thế nào ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì cũng có lợi như thế cho Canada ở khu vực Bắc Mỹ. Canada đang phải cùng Mexico đàm phán lại với Mỹ về Thoả thuận khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Quá trình đàm phán này chưa biết đến khi nào mới kết thúc và kết quả cuối cùng sẽ ra sao. CPTPP giúp Canada vừa tăng được thế vừa có thể linh hoạt hơn trong quá trình đàm phán ấy. Nhật Bản cũng tăng được thế của mình ở khu vực và điều này cũng còn rất có lợi cho Nhật Bản trong quan hệ với Trung Quốc.

Ông Trump tỏ ra rất quan tâm tới cái gọi là Bộ tứ Kim cương, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ thì CPTPP có Nhật Bản và Australia. CPTPP vì thế cũng thuận chứ không nghịch đối với ý tưởng lớn của bộ tứ này về khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Sự lựa chọn theo lý trí của 11 thành viên CPTPP vì thế rất đúng đắn, rất cần thiết và rất hợp thời.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Theo Đại sứ Trần Đức Mậu

Thời Đại

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên