MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều quốc gia tăng nhập khẩu hàng nghìn %, đây là loại nông sản có mức tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm - Bức tranh lợi nhuận của các ông lớn ra sao?

30-06-2023 - 16:02 PM | Thị trường

Có đến 4 quốc gia đang tăng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam trên 1.000%, thậm chí lên đến 15.000%, các ông lớn liệu có hưởng lợi từ đà tăng này?

Nhiều quốc gia tăng nhập khẩu hàng nghìn %, đây là loại nông sản có mức tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm - Bức tranh lợi nhuận của các ông lớn ra sao? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Điểm sáng xuất khẩu "hạt ngọc" nửa đầu năm

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 6/2023, xuất khẩu gạo đạt 650.000 tấn với kim ngạch 383 triệu USD. Tính đến hết tháng 6/2023, xuất khẩu gạo đạt 4,27 triệu tấn với kim ngạch gần 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về lượng và tăng 34,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022, dẫn đầu trong số các mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 5/2023, có đến 4 quốc gia tăng cường nhập khẩu gạo của Việt Nam với mức tăng trên 1.000%. Đứng đầu là Thổ Nhĩ Kỳ với sản lượng nhập khẩu gạo Việt trong 5T đạt 6.268 tấn với kim ngạch đạt hơn 4 triệu USD, tăng mạnh 15.972% về lượng và tăng 12.864% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều quốc gia tăng nhập khẩu hàng nghìn %, đây là loại nông sản có mức tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm - Bức tranh lợi nhuận của các ông lớn ra sao? - Ảnh 2.

Đứng thứ 2 là Chile, quốc gia Nam Mỹ này đã nhập khẩu 6.289 tấn gạo Việt trong 5 tháng đầu năm với kim ngạch đạt hơn 2,8 triệu USD, tăng 4.121% về lượng và tăng 2.840% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Xếp thứ 3 là Indonesia, trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia 369.032 tấn gạo với kim ngạch hơn 181 triệu USD, tăng lần lượt 1.498% và 1.519% về lượng và kim ngạch. Xếp thứ 4 là Senegal với 11.813 tấn gạo với hơn 4,9 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 1.146% về lượng và 868% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, Philippines là thị trường lớn nhất của gạo Việt trong 5 tháng đầu năm với hơn 1,5 triệu tấn nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm, đạt hơn 772 triệu USD, chiếm hơn 40% tỷ trọng cả về sản lượng lẫn trị giá trong số các thị trường xuất khẩu của gạo Việt.

Bức tranh lợi nhuận ngành gạo

Dù xuất khẩu gạo liên tục đón tin vui, nhiều doanh nghiệp lúa gạo lại liên tục báo cáo tình hình kinh doanh không mấy tích cực trong những tháng đầu năm 2023.

Trong BCTC quý 1, Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) cho biết công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.452 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó mảng kinh doanh lương thực, lúa gạo mang về doanh thu lớn nhất cho công ty với 1.675 tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 272 tỷ đồng do giá vốn hàng bán tăng 387 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả, LTG báo lỗ trước thuế 77 tỷ đồng, sau thuế là hơn 81 tỷ đồng.
Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex; HoSE: AGM ) cho biết trong quý 1 doanh thu tài chính và các khoản lợi nhuận khác của công ty lần lượt giảm 67% và 113%. Doanh thu thuần giảm mạnh 84%, lợi nhuận gộp đạt 8,8 tỷ đồng, giảm 89% so với 80 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2022. Kết quả, Angimex báo lỗ sau thuế gần 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 10 tỷ đồng.

Nhiều quốc gia tăng nhập khẩu hàng nghìn %, đây là loại nông sản có mức tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm - Bức tranh lợi nhuận của các ông lớn ra sao? - Ảnh 3.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR) cho biết trong quý 1,công ty ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 897 tỷ đồng, giảm 60 tỷ đồng so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các chi phí, Trung An vẫn thu về 8,4 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận sau thuế của công ty đã giảm 68,6% tương ứng với 18,6 tỷ đồng.

Một số đơn vị khác như CTCP Tập đoàn PAN (PAN) ghi nhận doanh thu thuần giảm 14%, lãi sau thuế giảm gần 37% so với cùng kỳ; Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang (KTC) có doanh thu tăng gần 4% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 54% so với cùng kỳ.

Trong số nhiều "ông lớn" xuất khẩu gạo đã niêm yết, chỉ có Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (VSF) ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 60% nhưng lợi nhuận trước thuế lại chỉ tăng nhẹ hơn 5 tỷ đồng. 

Nhiều quốc gia tăng nhập khẩu hàng nghìn %, đây là loại nông sản có mức tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm - Bức tranh lợi nhuận của các ông lớn ra sao? - Ảnh 4.

Chi phí lãi vay tăng cao được xem là nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận của phần lớn công ty xuất khẩu gạo sụt giảm. Chẳng hạn, PAN cho biết trong BCTC chi phí lãi vay của công ty tăng 36 tỷ đồng - tương đương 60% so với cùng kỳ năm trước trong khi VSF khẳng định chi phí lãi vay và chi phí quản lý đều tăng so với cùng kỳ.

Lộc Trời cũng khẳng định chi phí vốn và chi phí tài chính tăng mạnh, khiến lợi nhuận thu về bị “bào mòn”. 

Triển vọng nửa cuối năm 2023

Trong Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023, CTCK VNDirect dự báo 2023 sẽ là năm thuận lợi cho ngành lúa gạo nhờ giá gạo tăng do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và nhu cầu nhập khẩu tiếp tục tăng vì điều kiện thời tiết không thuận lợi tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Trong báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục vượt 7 triệu tấn, chủ yếu là do nhu cầu từ một số quốc gia châu Á (Trung Quốc, Indonesia..) gia tăng.

Việt Nam cũng vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030. Với mục tiêu đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả.

Chiến lược này xác định Việt Nam sẽ giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%.

Đồng thời, tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%, nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán. Phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030.

Đà tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo tiếp tục trong thời gian tới, do những tháng cuối năm, giá lương thực còn biến động vì tình hình biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang… khiến nhiều nước tăng cường dự trữ lương thực.

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên