MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những dấu ấn của ông Obama tại châu Á trong hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ

04-09-2016 - 16:07 PM | Tài chính quốc tế

Chúng ta hãy cùng nhìn lại những dấu ấn tại châu Á của Tổng thống Obama với những thành tựu và thách thức trong hai nhiệm kỳ vừa qua.

Với việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và thị trường mới nổi (G20) tại Trung Quốc, ông Barack Obama đã bắt đầu chuyến thăm châu Á cuối cùng trên cương vị tổng thống Mỹ. Chính quyền của vị tổng thống da màu đầu tiên trên đất Mỹ ban đầu đặt mục tiêu định hình lại các quan hệ của Washington với châu Á và đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều vấn đề còn dang dở.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại những dấu ấn tại châu Á của Tổng thống Obama với những thành tựu và thách thức trong hai nhiệm kỳ vừa qua:

1. Chiến lược "xoay trục” sau đó đổi thành "tái cân bằng”

Khi nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 43 vào năm 2009, ông Obama đã bày tỏ ý định đẩy mạnh quan hệ với các nước đồng minh châu Á nhằm kiếm chế sự hung hãn của Trung Quốc trong khu vực. Chiến lược xoay trục về châu Á với kế hoạch dịch chuyển 60% hạm đội hải quân Mỹ về khu vực này đã chịu sự chỉ trích gay gắt của Bắc Kinh. Trong một nỗ lực nhằm làm dịu quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, chính phủ Mỹ chuyển sang sử dụng cụm từ ít gây hấn hơn: "tái cân bằng”.

2. Xung đột với Trung Quốc

Mặc dù sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, quan hệ kinh tế giữa hai nước tiếp tục thịnh vượng. Kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2015 đạt trên 600 tỉ USD. Mặt khác, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vào cùng năm này ở mức cao kỷ lục là 366 tỉ USD, do vậy gây ra nhiều chỉ trích ở Mỹ, đặc biệt sự công kích của ứng viên tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hoà Donald Trump.

3. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Chính quyền Obama đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong việc đẩy mạnh quan hệ với các nước khác trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Myanmar và Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký giữa Mỹ và 11 nước vành đai Thái Bình Dương đã gây ra làn sóng phản đối ở nhiều nước và hiện nay "tắc nghẽn” ở Nghị viện Mỹ.

4. Vấn đề gai góc Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên ngày càng hiếu chiến trong suốt thời gian ông Obama là tổng thống Mỹ. Vào tháng 1/2016, Bắc Triều Tiên đã tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư và kể từ đó nước này phóng một vài tên lửa khác. Các hành động quân sự này của Triền Tiên đã gây ra mối quan ngại cho Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, các quan chức Mỹ không thể gây ảnh hưởng đối với người đồng cấp tại Trung Quốc để ngưng hoạt động quân sự hoá của Bắc Triều Tiên.

5. Các cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài

Một vài tranh chấp lãnh thổ đã bùng phát kể từ Mỹ công bố chiến dịch xoay trục về châu Á vào năm 2009, đặc biệt là tại Biển Đông khi Trung Quốc yêu sách đòi chủ quyền đối với các quần đảo của Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và các nước khác. Mỹ đã áp dụng biện pháp sử dụng các khí tài quân sự của mình thường xuyên hơn để kiềm chế sự gây hấn của Trung Quốc.

6. Đồng minh cứng rắn Philippines

Tình hình căng thẳng tại châu Á gia tăng khi toà án quốc tế La Hay phán quyết phần thắng kiện thuộc về Philippines, nguyên đơn kiện Trung Quốc vi phạm các quyền về lãnh thổ của Philippines. Song bất chấp quan hệ hợp tác quân sự bấy lâu giữa Mỹ và Philippines, tân tổng thống mới đắc cử Philippines Rodrigo Duterte lên tiếng phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á.

7. Chuyến thăm lịch sử Hiroshima

Ông Obama đã trở thành vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đặt chân đến mảnh đất Hiroshima 71 năm sau khi Mỹ dội quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới xuống thành phố này. Mục đích của chuyến thăm lịch sử này đã được nêu trong lời phát biểu của Tổng thống Obama: "Chuyến viếng thăm Hiroshima nhằm vinh danh tất cả những người thiệt mạng trong Thế chiến lần thứ II và tái khẳng định quan điểm được chia sẻ của chúng tôi về một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

8. Hiệp định về biến đổi khí hậu

Một trong những điểm sáng trong quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Obama đó là việc đạt được thoả thuận lịch sử tại Hội nghị thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ và Trung Quốc, hai nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, đã áp dụng những biện pháp để cắt giảm lượng khí phát thải nhằm tiến tới giải quyết vấn đề nóng lên trên toàn cầu.

9. Một kết thúc có hậu

Đến Hàng Châu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay, Tổng thống sắp mãn nhiệm Obama muốn nhấn mạnh sự hợp tác của Mỹ với Trung Quốc để giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu. Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông Obama gọi đây là "thời điểm chúng ta cuối cùng quyết định cứu rỗi hành tinh của mình”. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai cường quốc số một thế giới này trong các lĩnh vực khác vẫn có thể căng thẳng trong thời gian tới.

Xuân Hương

DW

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên