MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nói không với TPP, đây là lý do ông Trump nên suy nghĩ lại

22-11-2016 - 09:30 AM | Tài chính quốc tế

Tổng thống mới đắc cử Donald Trump vừa tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay sau khi nhậm chức nhưng dường như ông Trump và những người ủng hộ đang nhầm lẫn về hiệp định này.

Nước nghèo lo lắng nhiều hơn người Mỹ

Đến Peru cuối tuần trước để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Barack Obama cũng phải thừa nhận TPP, hiệp định thương mại có chữ ký của ông, có thể đã chết. Không riêng TPP, chiến thắng của ông Trump còn là tin xấu với tất cả các hiệp định thương mại có sự góp mặt của nước Mỹ. Rất ít người ở Washington dám phản bác lại quan điểm cho rằng toàn cầu hóa khiến lao động giá rẻ nước ngoài cướp việc của những người Mỹ chăm chỉ.

Tuy nhiên, các chính trị gia cũng như ông Trump và người ủng hộ dường như đang nhận thức sai lầm về TPP. Có lẽ, họ cũng không nhận thấy các nước nghèo như Ấn Độ lo về TPP nhiều hơn tất cả người Mỹ. Với TPP, các quy định đa phần được xây dựng để đem lại lợi ích cho Mỹ, ít nhất là trong ngắn hạn.


Tỷ phú Donald Trump phản đối TPP vì cho rằng nó cướp việc của người lao động Mỹ. Ảnh: Getty

Tỷ phú Donald Trump phản đối TPP vì cho rằng nó cướp việc của người lao động Mỹ. Ảnh: Getty

Nói vậy không có nghĩa TPP gây tác hại tới người lao động ở các nước đang phát triển. Thương mại toàn cầu giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo trên khắp thế giới. Trong khi một số người Mỹ than vãn về ảnh hưởng của thương mại tự do với giai cấp công nhân, họ cũng đang cực đoan như Trump khi cố tình bỏ qua lợi ích rõ ràng của thương mại toàn cầu với công nhân ở các nước nghèo.

TPP là một loại thỏa thuận rất khác. Các quốc gia thường giải quyết vấn đề thương mại toàn cầu theo 3 cách chính sau. Thứ nhất, tăng rào cản bảo hộ, đóng cửa thương mại, điều sẽ làm giới công nhân trở nên nghèo khó và dễ tổn thương hơn. Nếu làm ngược lại, việc hạ thấp hàng rào thuế quan để hàng hóa lưu thông cũng không có nhiều ý nghĩa vì các nước thường đã hạ thuế hết mức có thể. Ở Mỹ, thuế chỉ chiếm chưa tới 2% tổng giá trị hàng nhập khẩu.

Cách cuối cùng hài hài hòa các quy định giữa các quốc gia để tạo ra nhiều “công bằng” hơn. Việc đưa ra các tiêu chuẩn chung cũng như các quy định cụ thể về thuế giúp ngăn chặn tình trạng bảo hộ, thúc đẩy thương mại và đó chính xác là những gì TPP hướng tới. Lần đầu tiên, một hiệp định với tiêu chuẩn cao của phương Tây về môi trường hay quyền của người lao động được áp dụng với tất cả các bên, trong đó có cả những quốc gia đang phát triển. TPP sẽ thay đổi thương mại toàn cầu và làm cho chính phủ của các nước đang phát triển phải lo lắng chứ không phải những nước phát triển như Mỹ.

TPP là hiệp định thông minh

Nếu TPP trở thành hiện thực, không chỉ 12 quốc gia thành viên mà các nước khác, chẳng hạn như Ấn Độ hay Trung Quốc, cũng phải đối mặt với áp lực cải cách tương tự nếu muốn tham gia hiệp ước. Bên cạnh đó, việc các nước lớn tham gia vào hiệp định tiêu chuẩn cao như TPP cũng kéo theo sự nâng cao chất lượng của các hiệp định thương mại tự do khác.


Mỹ rút khỏi TPP là cơ hội lớn cho Trung Quốc.

Mỹ rút khỏi TPP là cơ hội lớn cho Trung Quốc.

Tất cả những điều này hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của Mỹ về một sân chơi bình đẳng hơn. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, về lâu dài, công nhân ở các nước khác cũng sẽ được hưởng lợi bởi TPP thúc đẩy những thay đổi lớn trong nội tại các nước thành viên. Những lĩnh vực vốn là vùng cấm của các quốc gia cũng sẽ phải mở cửa.

Với các nước khác, tiêu chuẩn cao của TPP sẽ dẫn tới những sự điều chỉnh đau đớn. Họ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để thu hẹp khoảng cách so với những tiến bộ của Mỹ. Bù lại, người lao động và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các thị trường mới, tăng hiệu quả cũng như mở ra các cơ hội việc làm mới.

Đối với Mỹ, TPP cũng không chỉ đơn thuần là một hiệp định thương mại mà nó còn giúp Washington khẳng định vị thế lãnh đạo trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, đe dọa vị thế siêu cường số 1 của Mỹ. Bản thân Tổng thống Barack Obama cũng từng nói rằng nếu Mỹ không thiết lập những quy tắc cho thương mại trong tương lai, Trung Quốc sẽ làm điều đó nhưng họ sẽ không giúp công nhân Mỹ hay bất cứ quốc gia nào.

Có thể, TPP không hoàn hảo. Tuy nhiên, nó là bước tiến quan trọng với thương mại quốc tế và tầng lớp công nhân trên khắp thế giới. Khi vận động tranh cử, ông Trump không phủ nhận sự cần thiết của thương mại toàn cầu nhưng ông muốn chúng “thông minh”. Bây giờ, trọng trách thực sự đè lên vai những nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ thương mại tự do trong Quốc hội Mỹ, những người sẽ giải thích cho Trump vì sao TPP thực sự là hiệp định thông minh.

Linh Anh

Bloomberg

Trở lên trên