Phó Thủ tướng chỉ đạo dứt khoát đảm bảo lạm phát dưới 4%
“Mục tiêu điều hành lạm phát năm nay dứt khoát bảo đảm bình quân tăng dưới 4%, lạm phát cơ bản tăng 1,6%, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 6,7%, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
- 19-09-2017Phấn đấu giảm lãi suất nhưng cẩn trọng lạm phát
- 05-09-2017Tăng tín dụng lên 22% - Ẩn số tăng trưởng GDP và lạm phát
- 24-08-2017Bơm gần 700 ngàn tỷ, sẽ tăng lạm phát, nợ xấu
Sáng ngày 13/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã chủ trì phiên họp đánh giá công tác điều hành giá 9 tháng đầu năm 2017 và tập trung giải pháp kiểm soát lạm phát 3 tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Nhóm giúp việc Ban chỉ đạo điều hành giá, mặt bằng giá cả trong 9 tháng đầu năm 2017 cơ bản ổn định, được kiểm soát theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội đề ra. Tốc độ tăng CPI giảm dần qua các tháng. CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2017 tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2016. Còn so với tháng 12/2016 thì lạm phát trong 9 tháng qua thực chất chỉ tăng 1,83%.
CPI trong 9 tháng đầu năm chủ yếu là do việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường, biến động của 5 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp trong những tháng gần đây. Ngoài ra là các nguyên nhân từ giá cát xây dựng tăng mạnh từ Quý II, mức lương tối thiểu tăng từ đầu năm 2017.
Những yếu tố chủ yếu góp phần kiềm chế CPI là giá thực phẩm giảm nhất là giá thịt lợn giảm vào các tháng giữa năm, sức mua tăng thấp cùng với việc tăng cường quản lý, điều hành giá của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong bình ổn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, thuế phí; thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt giúp ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất,...
Với các kết quả tích cực của 9 tháng đầu năm và dự kiến mức tăng giá của các mặt hàng thiết yếu trong 3 tháng cuối năm, các thành viên Ban chỉ đạo tin tưởng trong cả năm 2017, CPI sẽ tăng dưới 4%, đạt chỉ tiêu của Quốc hội.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát lạm phát trong 9 tháng qua, đặc biệt không để xảy ra lạm phát kỳ vọng qua mỗi kỳ điều chỉnh giá cả.
Về điều hành giá cả 3 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành lưu ý xu hướng tăng các loại giá xăng dầu, giá gas, giá thịt heo để kiểm soát hiệu quả lạm phát. “Mục tiêu điều hành lạm phát năm nay dứt khoát bảo đảm bình quân tăng dưới 4%, lạm phát cơ bản tăng 1,6%, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 6,7%, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cập nhật thông tin thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do Bão số 10 và mưa lớn gây ra trong thời gian qua để có thông tin chính xác điều phối về sản lượng, giá cả các mặt hàng nông sản trong dịp cuối năm.
Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, nhất là ở thời điểm cận lễ, Tết hoặc các thời điểm xăng dầu tăng liên tục để tránh kỳ vọng lạm phát; khẩn trương trình Chính phủ xem xét phương án điều chỉnh giá điện bảo đảm hài hoà giữa khuyến khích đầu tư sản xuất điện và hạn chế tác động tới tiêu dùng và đời sống nhân dân.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải sớm đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng điều chỉnh giám mức giá dịch vụ đường bộ BOT với 51 trạm đã thực hiện quyết toán, cố gắng thực hiện giảm phí tại một nửa số trạm đã quyết toán này.
Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế theo lộ trình thị trường từ nay tới cuối năm 2017, đồng thời tăng cường thu hẹp phạm vi chi trả khám chữa bệnh bảo hiểm xã hội, không thực hiện chi trả bảo hiểm xã hội cho công tác dự phòng nhằm bảo đảm an toàn của Quỹ BHXH.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lạm phát cơ bản ổn định, ở mức 1,6%, bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến của lạm phát, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế và “dẫn” vốn vào các lĩnh vực ưu tiên.