Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo tỉnh, Bộ, ngành và hơn 500 doanh nghiệp cùng giải bài toán xung đột lợi ích của miền Trung
Sáng nay (25/9), tại Đà Nẵng, Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng, Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung (DHMT) và VCCI tổ chức Diễn đàn Kinh tế miền Trung (CREF) năm 2017 (lần 2) với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững”.
- 24-09-2017Kinh tế miền Trung: Khi lợi thế có thể biến thành bất lợi
- 19-09-2017Miền Trung chạy đua cảng biển, logistics vẫn kém phát triển
- 08-09-2017Kinh tế miền Trung: Xây tổ lớn đón chim đại bàng
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự và trực tiếp chủ trì Diễn đàn cùng Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Diễn dàn cũng có sự tham gia của các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh DHMT, lãnh đạo các Bộ, ngành, chuyên gia kinh tế trong nước, quốc tế và gần 500 lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp.
Số liệu cho thấy hầu hết các tỉnh, thành phố vùng DHMT đều có tốc độ tăng trưởng trên 8,4%/năm giai đoạn 2011-2016, cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (5,9% /năm). Tổng thu ngân sách 9 tỉnh, thành phố vùng DHMT trên địa bàn năm 2016 đạt 132,2 nghìn tỷ đồng.
Qua nguồn thống kê của các tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2017 của 8/9 tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận đều đạt trên mức trung bình 5,73% của cả nước, cao nhất là TP.Đà nẵng 8,1%. Tổng thu ngân sách của 9 tỉnh 6 tháng đầu năm 2017 đạt trên 58.538 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 45,9 nghìn tỷ đồng.
Các chuyên gia nhận định dù kinh tế các tỉnh DHMT có tốc độ tăng trưởng khá, nhưng xét về tiềm năng và lợi thế, các tỉnh này chưa được phát huy đầy đủ, nhiều lực cản còn đang níu kéo sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế vùng này. Do đó, kinh tế vùng DHMT đòi hỏi cần phải có sự chung tay góp sức của các Bộ, Ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoại tỉnh.
Ba năm sau diễn đàn lần thứ nhất, năm nay, chủ đề của Diễn đàn CREF 2017 là “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững” với ba chuyên đề chính: Giải pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển vùng DHMT; Giải pháp tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết phát triển vùng DHMT bền vững; Phát triển kinh tế tư nhân – động lực phát triển kinh tế miền trung bền vững.
“Đã có nhiều nỗ lực hướng về miền Trung nhưng đến nay vẫn chưa hoá giải được những xung đột lợi ích cục bộ, các tỉnh vẫn mạnh tỉnh nào tỉnh đấy khai thác thác tiềm năng, thế mạnh, liên kết vùng chưa thực sự hiệu quả. Đây vẫn là câu hỏi thường trực và đau đáu với bất cứ ai quan tâm đến miền Trung”, GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng cho rằng: Mở cửa – hội nhập được coi là năng lực phát triển “tự thân” và phát triển nhu cầu tự nhiên của Vùng, nhưng để DHMT phát triển thực sự thì năng lực đó cần có thêm hàng loạt điều kiện và năng lực khác, đủ để chuyển hóa thành thực lực phát triển.
Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao thẳng thắn cho biết một trong những nguyên nhân hạn chế liên kết vùng vì hầu hết các địa phương đều có xu hướng phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh hiện có của mình, trong khi đó tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng khá tương đồng. Điều này dẫn đến cơ cấu ngành, sản phẩm của các địa phương trong vùng bị trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ…
Do đó, mục tiêu của Diễn đàn nhằm đưa ra những giải pháp có tính thực tiễn cao góp phần thúc đẩy tạo đột phá phát triển kinh tế miền trung thông qua việc phân tích tính phù hợp, hiệu quả và tác động của các chính sách hiện hành đối với khu vực kinh tế miền trung.
Trước đó, để chuẩn bị nội dung cho Diễn đàn phiên toàn thể, nhiều buổi làm việc, tổng hợp ý kiến doanh nghiệp, địa phương… đã được diễn ra.