Rau quả hướng đến mục tiêu 7 tỷ USD
Theo dự báo, đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ gấp hơn 2 lần hiện nay, đạt 7 tỷ USD. NNVN đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt về cách làm để đạt được mục tiêu kỷ lục này.
- 07-12-2017Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chiếm 75,6%
- 26-11-2017Xuất khẩu rau quả đem về gần 200 tỷ đồng mỗi ngày
- 23-11-2017Xuất khẩu rau quả Việt Nam chiếm chưa tới 1% thị phần thế giới
Thưa ông, trong báo cáo của Cục Trồng trọt đặt ra mục tiêu đến năm 2030 ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt khoảng 7 tỷ USD, trong đó riêng trái cây là 6 tỷ USD và vùng ĐBSCL trái cây là chủ lực. Tuy nhiên, trước thách thức của biến đổi khí hậu sẽ tác động đến ĐBSCL thì về chiến lược dài hạn làm sao để vị thế xuất khẩu trái cây không bị mất đi?
Dự báo này dựa trên tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất trái cây trong những năm qua và tốc độ tăng trưởng về thương mại cũng như nhu cầu thế giới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần có những chuyển biến thực sự về đầu tư, tổ chức sản xuất và áp dụng khoa học công nghệ.
Thứ nhất, phải cải thiện cơ sở hạ tầng. Đối với các vườn cây ăn trái phải tạo hệ thống đê bao, hệ thống tưới tiêu chủ động để ít phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước tự nhiên, khắc phục được xâm nhập mặn hay tác động khác từ thủy triều.
Thứ hai, cần phải nghiên cứu tạo ra các giống cây ăn trái có khả năng chịu mặn tốt. Hiện nay các Viện nghiên cứu đang tiến hành áp dụng các biện pháp sử dụng các gốc ghép có nguồn gốc từ nguồn cây hoang dã để tăng khả năng chống chịu các điều kiện bất thuận, trong đó có hạn mặn.
Thứ ba, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật chăm sóc khác để tăng cường sinh trưởng cho cây trồng, giúp cây trồng có khả năng thích ứng tốt hơn với điều kiện thời tiết bất thuận. Đồng thời, có thể nghiên cứu tập trung vào một số chủng loại cây trồng có khả năng chịu mặn tốt như cây dừa ở vùng ĐBSCL, tiềm năng phát triển còn rất rộng. Chúng ta có thể tiêu thụ trái cây tươi, thậm chí chế biến sâu như chúng ta đang làm hiện nay. Đây là những giải pháp cơ bản để khắc phục tác động của biến đổi khí hậu giúp duy trì ổn định sản xuất.
Về mặt chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì Chính phủ cũng đã ban hành nghị định cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang vùng trồng cây lâu năm trong đó có cây ăn trái.
Xuất khẩu trái cây đang tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thì vấn đề sản xuất trái cây sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của thị trường quốc tế ngày càng đặt ra cấp thiết. Theo ông ngành trái cây cần phải làm gì để đáp ứng được yêu cầu này?
Vấn đề nâng cao nhận thức cho người nông dân thì chúng ta đã làm rất nhiều, các chương trình quản lý cây trồng tổng hợp đã và đang thực hiện ở ĐBSCL như IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm… đều hướng tới việc giúp nông dân sử dụng hợp lý vật tư đầu vào, giảm thiểu việc dùng hóa chất độc hại, quản lý cây trồng ngay từ giai đoạn ban đầu, giúp cho cây trồng sinh trưởng khỏe, giảm áp lực sâu bệnh.
Như vậy, tất cả chương trình đó đều hướng tới mục tiêu đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang gặp khó khăn lớn đó là hệ thống sản xuất nhỏ, manh mún khiến việc quản lý, giám sát chất lượng và cấp chứng chỉ gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục, chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ thuật cho người nông dân để họ có thể quản lý tốt trên đồng ruộng của mình và đảm bảo được điều kiện sản xuất hướng tới chất lượng nông sản. Tuy nhiên, cũng cần phải thay đổi lại công tác tổ chức sản xuất, giám sát và cấp chứng nhận sản phẩm. Định hướng của nền sản xuất chúng ta phải vươn tới nền sản xuất có chứng nhận, tất cả các hộ, tổ chức cá nhân tham gia sản xuất đều phải tiến tới được cấp chứng nhận, có như vậy mới được phép lưu thông trên thị trường.
Trước mắt để làm được việc đó, chúng ta phải hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tập trung ở đây không có nghĩa là tất cả phải là cánh đồng lớn mà từ những vườn tạp, mỗi làng, xã phải tạo ra sản phẩm truyền thống lợi thế của mình để tất cả hộ dân đều tập trung vào sản xuất mặt hàng đó. Có thể thành lập những hội để cùng nhau phát triển, xúc tiến thị trường và giám sát chất lượng cho một nhóm sản phẩm, trong một địa bàn nhất định, như vậy mới có điều kiện tiến tới cấp chứng nhận cho các vùng, ruộng sản xuất, nhất là các khu vực sản xuất hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Thời gian qua xuất khẩu trái cây bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc dẫn đến một số hệ lụy không mong muốn. Vậy có giải pháp nào để hạn chế việc này thưa ông?
Hiện chúng ta đang cố gắng xúc tiến mở thêm nhiều thị trường mới nhằm giảm bớt việc bị lệ thuộc vào một thị trường sẽ gặp rất nhiều rủi ro, vì vậy trong trời gian vừa qua các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực tìm kiếm để khai thác những thị trường mới. Đến nay ta đã mở ra được hơn 10 thị trường các nước như Mỹ, Nhật Bản, Úc và một số nước châu Âu… Do vậy, cần tiếp tục tổ chức sản xuất tốt và giúp nông dân hiểu biết rõ hơn về các tiêu chuẩn xuất khẩu để nâng cao hơn về ý thức sản xuất.
Xuất khẩu trái cây đang tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây
Thời gian tới khi hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung sẽ giúp cho việc cấp chứng nhận sản phẩm và truy nguyên nguồn gốc thuận lợi. Do đó sẽ được các tổ chức đánh giá của thế giới chấp nhận dễ dàng hơn trước khi ta xuất khẩu đi các nước. Đồng thời hình thành được các mối liên kết sản xuất tiêu thụ là rất có lợi và là yếu tố quan trọng góp phần thắng lợi trong xuất khẩu trái cây của chúng ta trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!
Nông nghiệp Việt Nam