MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sài Gòn có thể là hòn ngọc chiếu sáng Biển Đông với kỳ vọng từ Thủ tướng

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM vừa diễn ra.

Tham dự buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về phát triển kinh tế - xã hội còn có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và lãnh đạo 18 bộ, ngành.

Khẳng định TP.HCM là đầu tàu kinh tế không chỉ của vùng Đông Nam Bộ mà còn của cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh TP.HCM luôn đi đầu, đổi mới; đồng thời đánh giá cao kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng qua của TP.HCM.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập, hạn chế mà thành phố cần khắc phục như tăng vẫn thấp so với mục tiêu đề ra, tuy đã có nhiều cải cách, cải thiện môi trường đầu tư nhưng vẫn chưa như mong đợi của người dân, doanh nghiệp.

Phát triển vẫn còn dựa nhiều vào các ngành giá trị gia tăng thấp, so với tiềm năng lợi thế thì giá trị gia tăng, năng suất lao động của TP. HCM còn thấp so với yêu cầu. Bên cạnh đó, Thành phố chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu, triều cường, ô nhiễm môi trường, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông còn cao… tình trạng cướp giật tài sản, băng nhóm xã hội đen còn gây lo lắng cho người dân, du khách.

Cụ thể hóa tầm nhìn của TP.HCM, Thủ tướng nhấn mạnh, đây phải là thành phố đổi mới, sáng tạo, có sức lan tỏa, làm động lực cho sự phát triển bền vững, là đầu tàu của cả nước trong tiến trình hội nhập sâu rộng, hiệu quả vào kinh tế khu vực và thế giới.

Theo đó, Thành phố phải có ước mơ xa hơn, cao hơn, quyết tâm chính trị rõ hơn thì bước đi, sự tiến công vào các lĩnh vực mới mạnh mẽ, toàn diện. Thành phố phải là hòn ngọc chiếu sáng Biển Đông.

Thủ tướng đưa ra 4 mục tiêu: trước hết là xây dựng thành phố thông minh, năng động, hiện đại với khả năng kết nối sâu sắc vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế, phải cạnh tranh được với các thành phố lớn của châu Á.

Thứ hai, phát huy vai trò của trung tâm nguồn lực chất lượng cao; thứ ba, phải là điểm nhấn thu hút đầu tư và khởi nghiệp; thứ tư, hướng tới nền kinh tế thị trường hài hòa, bền vững.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị TP. HCM phải xây dựng cơ cấu kinh tế thông minh, lấy dịch vụ và công nghệ cao là mũi nhọn để phát triển toàn diện các giá trị sáng tạo trong từng sản phẩm, dịch vụ.

Thủ tướng yêu cầu Thành phố cần coi trọng công tác quy hoạch, với tầm nhìn xa, đổi mới nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa của mình.

“Quy hoạch cho một thành phố mà đặc biệt như TP. HCM không phải bản vẽ kỹ thuật mà tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, văn hóa, để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Thành phố phải đi đầu đổi mới cách làm quy hoạch với sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia và các ngành liên quan”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với những kiến nghị, đề xuất của TP.HCM mà thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần mạnh dạn đổi mới, vận dụng sáng tạo các cơ chế mà Trung ương đã dành cho Thành phố (Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến 2020).

Thủ tướng khẳng định 6 tháng còn lại của năm 2016, Thành phố phải quyết tâm phấn đấu, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, đóng góp vào sự phát triển của cả nước.

Nhất trí việc TP.HCM phải tập trung vào quy hoạch, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng Thành phố nên hướng tới phát triển các khu đô thị mới. Với 60% doanh nghiệp là tư nhân thì bên cạnh khuyến khích khởi nghiệp thì Thành phố phải quan tâm nuôi dưỡng doanh nghiệp,

“Không để tính trạng hôm nay có 1.000 doanh nghiệp đăng ký mới thì hôm sau lại có 1.000 doanh nghiệp giải thể” - Phó Thủ tướng nói.

Còn theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong khuôn khổ thể chế, chính sách đã có thì Thành phố phải gương mẫu, đi đầu triển khai quyết liệt, “đã đi đầu rồi thì đi nhanh hơn nữa”.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Thành phố đi đầu trong đề xuất các cơ chế, trước hết là thí điểm sau đó áp dụng mở rộng ra cả nước.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, 6 tháng đầu năm, kinh tế Thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 7,47%, xuất khẩu tăng 8%, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 6,9%. Tình hình thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt khá. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 125.000 tỷ đồng, tăng trên 9%.

M.Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên