MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý ngân hàng thừa tiền - doanh nghiệp thiếu vốn

28-09-2015 - 12:14 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong khi các doanh nghiệp (DN) lớn của Nhà nước và DN có cổ đông tại các NHTM được vay dễ dàng thì nhiều DNNVV vẫn “kêu trời” vì khó tiếp cận tín dụng ngân hàng (NH) do thiếu năng lực về tín nhiệm trả nợ. Theo TS Võ Trí Thành: “Hiện nay, tình trạng tín dụng phi chính thức ở Việt Nam cực lớn.

“Hơn chục ngân hàng tiếp cận, rồi họ lại cười nhạt bỏ đi”

Ông Bùi Ngọc Tường - TGĐ Tập đoàn đầu tư Nước sạch và Môi trường Hùng Thành - cho biết: “Công ty rất khó khăn trong việc vay vốn tín dụng từ NH. Cty không có nợ xấu, không nợ quá hạn, chế độ bảo hiểm CBCNV đầy đủ, có dòng tiền chảy đều đặn hằng tháng. Chúng tôi cung cấp nước sạch cho 16 nhà máy trong 50 năm nay. Tôi không hy vọng vay NH với mức lãi suất thấp quá, vì chuyện đó cũng chẳng có đâu. Tôi chỉ mong vay được với lãi suất khoảng 10-10,5% từ ngân hàng nhưng cũng khó lắm. Khi có nhu cầu về vốn, tôi đành huy động tiền từ người quen và anh em. Đã có hơn một chục NH đến tìm hiểu và bày tỏ nguyện vọng cho Cty vay vốn, nhưng khi biết chúng tôi không có tài sản đảm bảo, họ đều cười nhạt rồi bỏ đi”.

Trường hợp của ông Bùi Ngọc Tường chỉ là một trong số rất nhiều các DNNVV của Việt Nam hiện nay đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn NH. Mặc dù Cty có lịch sử tín dụng tốt, chưa từng dính “phốt” tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), nhưng vì không có tài sản đảm bảo, nên các NH dù tha thiết muốn cho vay thì cũng không dám.

Theo TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV: “Hiện nước ta có hơn 400.000 DNNVV và hơn 3 triệu hộ kinh doanh buôn bán. Các DNNVV sử dụng trên 50% số lao động trong khối doanh nghiệp, tạo ra 40% số hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu, chiếm 40% GDP và 17% ngân sách cho Nhà nước”. Mặc dù tạo ra đến 40% GDP, nhưng theo TS Nguyễn Đại Lai - chuyên gia tài chính NH: “Hiện chỉ có khoảng 20% DNNVV đủ tiêu chuẩn tiếp cận vốn NH. Tổng nguồn vốn sản xuất kinh doanh của DNNVV trong giai đoạn 2010-2015 chỉ tương đương khoảng 36-38% tổng nguồn vốn của toàn bộ khối DN Việt Nam”.

Do năng lực tín nhiệm thấp và sức cạnh tranh yếu nên phần lớn các DNNVV đều hoạt động theo mùa vụ, phong trào hoặc phụ thuộc nhiều vào các DN lớn và chính sách ưu đãi của Nhà nước. TS Nguyễn Đại Lai cho rằng: “Do nội lực yếu nên việc tiếp cận thị trường tín dụng cũng yếu theo. Dù các NHTM rất quan tâm và coi khu vực DNNVV là một thị trường tiềm năng to lớn cho thị trường đầu ra của vốn, nhưng phụ thuộc nhiều vào các điều kiện đảm bảo khoản vay của đối tượng khách hàng tiềm năng. Mặt khác, các DNNVV càng không thể tự tiếp cận thị trường chứng khoán và các nguồn huy động vốn trung và dài hạn truyền thống như phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

Vay tín chấp là lối thoát?

Để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn, TS Nguyễn Đại Lai cho rằng, vay tín chấp là lối ra tốt nhất cho việc tiếp cận vốn của DNNVV. Thực tế nợ xấu của NH đối với các khoản tín dụng của DNNVV thấp. NH không thiếu vốn nhưng lại thiếu niềm tin vào quan hệ tín dụng. Đại diện của một NH cho biết: “Nguồn sống chủ yếu của các NHTM là vay để cho vay. Nhưng tìm được khách hàng đủ độ tín nhiệm tín dụng để có bộ hồ sơ chuẩn vay vốn thì rất khó khăn”. Một số chuyên gia nhận định, các DNNVV chưa tạo dựng được sự tin tưởng cho đối tác NH về tình hình tài chính và khả năng tạo dòng tiền. Bản thân các DN không xây dựng được phương án vay vốn khả thi, không chứng minh được thực trạng tài chính của mình, không trả lời được doanh thu dự kiến và tiềm năng khách hàng truyền thống ra sao, thậm chí trên CIC hiện có trường hợp cùng 1 người, 1 khuôn mặt mà có đến 3-4 chứng minh thư khác nhau.

TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển DNNVV. Hơn nữa, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục thế chấp và phát mại tài sản là bất động sản. Về phía TCTD, TS Cao Sỹ Kiêm đề xuất các TCTD nên đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà, cho khách hàng vay mà vẫn đúng quy định pháp luật. Xây dựng quy trình tín dụng riêng cho từng nhóm khách hàng. Bản thân các hiệp hội cần nâng cao vai trò là cầu nối giữa các TCTD và các DNNVV.

Theo LAN HƯƠNG

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên