MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau tăng tỷ giá, NHNN còn nhiều việc phải làm hơn!

20-08-2015 - 09:28 AM | Tài chính - ngân hàng

Niềm tin của thị trường phụ thuộc rất lớn vào các cam kết của NHNN vào việc điều hành tỷ giá. Tâm lý đầu cơ tỷ giá cũng xuất phát từ đây, khi mà NHNN không giữ được các cam kết của mình ngay từ đầu năm.

Theo TS. Bùi Quang Tín:

- Sự sụt giá của CNY so với USD vẫn thấp hơn so với mức giảm của 12 đồng tiền lớn trên thế giới. Sự phá giá 5% của VNĐ trong năm nay cũng vẫn thấp hơn thế giới.

- Ngoài tỷ giá, NHNN cần hỗ trợ các doanh nghiệp để tăng tính cạnh tranh bằng lãi suất, mua ngoại tệ của các DNXK với giá ưu đãi hơn…

-NHNN cần tiếp tục thực hiện việc ứng phó với việc phá giá của các đồng tiền trên thế giới, đánh giá sự ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá đến lạm phát và lãi suất, phối hợp nhiều giải pháp để giảm tình trạng nhập siêu ngày càng gia tăng và củng cố niềm tin thị trường.


Tiếp theo sau sự kiện phá giá mạnh của đồng Nhân dân tệ (CNY), tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất. Nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Fed điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam (VNĐ) và đô la Mỹ (USD) từ mức 21.673 VNĐ/USD lên 21.890 VNĐ/USD áp dụng kể từ ngày 19/8/2015, đồng thời ban hành Quyết định số 1636/QĐ-NHNN ngày 18/8/2015 quy định về tỷ giá giao ngay giữa VNĐ với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép, theo đó, biên độ tỷ giá giữa VNĐvà USD được điều chỉnh tăng từ +/-2% lên +/-3%.

NHNN cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép. Tuy nhiên, sau biện pháp trên, tác giả cho rằng NHNN cần thực hiện tiếp các công việc nhằm đối phó với các diễn biến sau trong giai đoạn hiện nay:

Tiếp tục ứng phó với việc phá giá của các đồng tiền trên thế giới

Dù đà rớt giá gần đây của đồng CNY so với đồng USD đã khiến các thị trường tài chính toàn cầu chao đảo nhưng biên độ điều chỉnh của đồng tiền này vẫn không là gì so với mức sụt giảm chóng mặt của 12 đồng tiền lớn trên thế giới so với đồng USD trong một năm vừa qua, dựa trên số liệu thống kê đến ngày 17/08/2015 của Factset, CNN Money.

Theo đó, đồng rúp của Nga đã lao dốc tới 45% so với đồng USD, mức sụt giảm mạnh nhất trong số 12 đơn vị tiền tệ được CNN Money thống kê. Tiếp đó là đồng peso của Colombia và đồng real của Brazil với đà sụt giảm lần lượt 37% và 35%.Các đơn vị tiền tệ ghi nhận mức sụt giảm trên 20% so với đồng USD bao gồm đồng krona của Thụy Điển (-20%), đồng peso của Mexico (-20%), đồng đôla của Australia (-21%), đồng đôla của New Zealand (-22%) và đồng lia của Thổ Nhĩ Kỳ (-24%).Trong khi đó, đồng JPY của Nhật hiện đã giảm 18% so với đồng USD, mạnh hơn mức sụt giảm 17% của đồng đôla Canada và đồng EUR so với đồng USD.

Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2015 của Tổng cục Hải quan, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với doanh số chiếm gần 21% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đợt tăng tỷ giá và biên độ lần này đã tính toán đến việc dự kiến tăng lãi suất đồng USD của Fed vào quý 4 này, cho nên thị trường này sẽ không có ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới. Tương tự như vậy các nước Asean và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và 4 của Việt Nam và cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều về doanh số xuất khẩu trong thời gian tới chỉ tính dưới góc độ tỷ giá, vì việc điều chỉnh tỷ giá vào sáng ngày 19/8 cũng đã gần với mức phá giá của đồng nội tệ các nước này.

Tuy nhiên, NHNN cũng cần quan tâm đến thị trường xuất khẩu Trung Quốc khi nền kinh tế nước này đang trong giai đoạn phát triển dưới mức kế hoạch đã đề ra và thị trường chứng khoán liên tục rớt điểm trong thời gian gần đây, khả năng phá giá đồng CNY vẫn có thể xảy ra để ổn định nền kinh tế vĩ mô của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này.

Bên cạnh đó, theo các số liệu ở trên, các nước Châu Âu đều phá giá trên 17%, trong 1 năm qua Việt Nam chỉ phá giá khoảng 5% thì chắc chắn rằng hàng hoá xuất khẩu Việt Nam sẽ giảm tính cạnh tranh khoảng trên 12% so với hàng hoá của nước Châu Âu tại thị trường Châu Âu. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với doanh số gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Do đó, NHNN cũng cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam kém cạnh tranh hơn trong thời gian tới dưới góc độ tỷ giá bằng các công cụ khác của mình, ví dụ như: giảm lãi suất cho vay, mua ngoại tệ của doanh nghiệp này với giá ưu đãi hơn, ….

Ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá đến lạm phát và lãi suất

Cơ chế truyền dẫn tác động của tỷ giá đến lạm phát trong nền kinh tế mở được mô tả qua sơ đồ sau:

 

 

Qua sơ đồ trên, tỷ giá tác động gián tiếp đến lạm phát chủ yếu thông qua các con đường như xuất khẩu ròng, cán cân thanh toán, giá hàng hóa nhập khẩu và đây đều là các mối quan hệ đồng biến. Tuy nhiên, việc tác động của tỷ giá đến lạm phát thông qua cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế thì mọi nền kinh tế mở đều tuân theo, nhưng riêng với giá hàng nhập khẩu thì chỉ có những quốc gia có tỷ trọng nhập khẩu cao so với GDP mới có tác dụng rõ rệt, đặc biệt là Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu/GDP trên 70% (số liệu năm 2014 của Tổng cục Hải quan).

Giá hàng nhập khẩu bị tác động bởi hai thành phần là giá nhập khẩu trên thị trường thế giới và tỷ giá danh nghĩa. Khi tỷ giá danh nghĩa tăng làm giá hàng nhập khẩu tăng và ngược lại. Hàng nhập khẩu có thể là hàng hóa phục vụ cho sản xuất trong nước hoặc phục vụ tiêu dùng. Nếu là hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất, khi tỷ giá tăng dẫn đến chi phí các yếu tố đầu vào tăng, sản phẩm đầu ra cũng phải tăng giá. Nếu là hàng nhập khẩu tiêu dùng, khi tỷ giá tăng dẫn đến giá của hàng hóa tính bằng nội tệ tăng nên cũng là một nguyên nhân gây ra lạm phát. Tuy nhiên, ảnh hưởng của giá hàng nhập khẩu đến lạm phát sẽ biểu hiện rõ hơn khi quốc gia có tỷ lệ nhập khẩu/GDP lớn như tại Việt Nam, còn với những nước có tỷ lệnày nhỏ, dẫn truyền từ sự thay đổi của tỷ giá qua giá hàng nhập khẩu đến lạm phát là không đáng kể.

Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2014, tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP đạt gần 160%, chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam có độ mở khá lớn với nền kinh tế thế giới và trên 70% giá trị hàng xuất khẩu là từ hàng hoá nhập khẩu, cho nên chắc chắn sẽ có sự tác động tức thì lên lạm phát của việc tăng tỷ giá USD/VNĐ thêm 1% và nới rộng biên độ tỷ giá từ 2% lên 3% vào ngày 19/8 vừa qua, trừ khi các đơn hàng nhập khẩu đã có cam kết giá từ trước khi có đợt điều chỉnh tỷ giá.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, lạm phát 7 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 0,68% so với tháng 12 năm 2014 và là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tỷ lệ lạm phát này còn rất thấp so với mục tiêu 5% mà Chính phủ đã đề ra từ đầu năm 2015. Do đó, NHNN hoàn toàn còn “room” rất lớn để điều hành chỉ tiêu lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra.

Một khi lạm phát bị tác động theo hướng gia tăng thì chắc chắn mặt bằng lãi suất chung trên thị trường sẽ có xu hướng gia tăng theo. Từ đó, khả năng giảm lãi suất cho vay trung dài hạn sẽ càng khó khăn hơn vào những tháng cuối năm.

Tình trạng nhập siêu ngày càng gia tăng

Lo ngại về nhập siêu gia tăng mạnh trong 5 tháng cuối năm nay sẽ không quá lớn do sự mất giá của đồng CNY và VNĐ so với USD hiện nay là khá sát nhau (5% so với 4,7%) nên hiệu ứng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ hơn nữa sẽ khó diễn ra trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.

Với cơ cấu kinh tế như hiện nay, trong ngắn hạn, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Trong cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam 6 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 24,22 tỷ USD chiếm tới gần 31% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, trong đó như các mặt hàng máy móc thiết bị (nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 32%); linh kiện điện tử (nhập từ Trung Quốc chiếm 17%); nguyên phụ liệu dệt may da giày (nhập từ Trung Quốc chiếm 21,5%), …

Tuy sự tác động của của việc phá giá giữa hai Quốc gia trong thời gian vừa qua không tác động mạnh đến cán cân thương mại giữa hai nước, việc tìm kiếm giải pháp để giảm nhập siêu trong thời gian qua và trong thời gian từ nay đến cuối năm giữa Việt Nam và Trung Quốc là luôn cần thiết.

Củng cố niềm tin thị trường

Niềm tin của thị trường phụ thuộc rất lớn vào các cam kết của NHNN vào việc điều hành tỷ giá. Tâm lý đầu cơ tỷ giá cũng xuất phát từ đây, khi mà NHNN không giữ được các cam kết của mình ngay từ đầu năm.

Có nhiều cách để đạt được niềm tin của thị trường. Ví dụ như năm 2012-2014 vừa qua,để củng cố niềm tin trên thị trường về chính sách điều hành tỷ giá, NHNN đã đưa ra cam kết, chủ động thực hiện cam kết đó và thậm chí chưa điều chỉnh tới mức chúng ta cam kết. Sang năm 2015 này, chúng ta khẳng định niềm tin bằng cách chủ động điều chỉnh những định hướng về điều chỉnh tỷ giá hối đoái và chúng ta vẫn thực hiện theo những dự tính và định hướng đã điều chỉnh đó cho đến ngày 12/8 vừa qua.

Trước thời điểm NHNN thay đổi biên độ tỷ giá USD/VNĐ vừa qua, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ liên tục ở mức cao, một phần được củng cố từ sự trọn vẹn các cam kết giữ ổn định tỷ giá mà NHNN đưa ra. Có thời điểm, nhà điều hành xem đây là một dòng vốn có giá trị hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu, và nó thực sự có giá trị trong bối cảnh tỷ giá được giữ ổn định.

Tuy rằng sự thay đổi của hai đợt vừa qua, tức là vào ngày 12/8 và 19/8, là hoàn toàn giúp NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, theo sát tín hiệu của thị trường hơn và ứng phó với sự phá giá của đồng tiền của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là từ việc phá giá đồng CNY của Trung Quốc, cũng như chuẩn bị ứng phó trước cho tình huống Fed tăng lãi suất vào quý IV này, NHNN cũng cần có các chính sách hổ trợ bổ sung nhằm giúp thị trường sớm bình ổn tâm lý và gia tăng niềm tin vào cách thức điều hành của NHNN trong thời gian tới.

Tóm lại, sau biện pháp về tỷ giá của hai đợt vừa qua vào ngày 12/8 và 19/8, NHNN cần tiếp tục thực hiện việc ứng phó với việc phá giá của các đồng tiền trên thế giới, đánh giá sự ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá đến lạm phát và lãi suất, phối hợp nhiều giải pháp để giảm tình trạng nhập siêu ngày càng gia tăng và củng cố niềm tin thị trường.

 

 

TS Bùi Quang Tín

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên