Tăng rất sốc, giảm rất sâu, cổ phiếu này cho nhà đầu tư bài học đắt giá khi tham gia cuộc chơi không dành cho mình
Có nhiều sai lầm trong đầu tư chứng khoán và đa phần những sai lầm đều bắt đầu tư hành động mua cổ phiếu chỉ sau vài phút nghĩ.
Người tính không bằng những "người chủ cuộc chơi" tính. Người ăn theo đã nhanh chóng bị bỏ rơi khỏi cuộc chơi thoái vốn mà họ toan tính chỉ sau vài ngày, phải ôm cổ phiếu giảm sàn mà không biết phải làm gì tiếp theo.
Cổ phiếu HNF tăng rất sốc, giảm rất sâu
Đã 2 ngày nay, những nhà đầu tư mua cổ phiếu HNF của CTCP Thực phẩm Hữu Nghị đang đau đầu nhìn cổ phiếu giảm sâu. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 21/3 – ngày đầu tiên cổ phiếu HNF chìm trong sắc đỏ sau những ngày tăng sốc – có hơn 6 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Cũng trong phiên ngày 21/3, cổ phiếu HNF đã bắt đầu có lệnh bán sàn nhưng không ai mua dù khối lượng rất nhỏ so với con số hơn 6 triệu cổ phiếu đã khớp trước đó.
Nhà đầu tư bắt đầu lo lắng. Cổ phiếu mua ngày 16-17-20/3 là những ngày mà họ cho rằng chỉ mới bắt đầu chuỗi tăng vẫn chưa kịp về tài khoản.
Ngày 22/3, lại là một ngày cổ phiếu giảm. Khối lượng đặt bán gần gấp đôi khối lượng đặt mua. Cuối phiên, lượng dư mua sàn vẫn còn hơn 70 nghìn cổ phiếu, là mức khá cao so với thanh khoản của cổ phiếu này.
Lúc này, cổ phiếu HHC của Bánh kẹo Hải Hà- "bộ đôi" của HNF cũng bắt đầu khiến nhà đầu tư lo ngại khi mà chuỗi ngày tăng trần đã có lúc bị cắt ngang bởi màu xanh thay vì màu tím.
Mở đầu phiên sáng nay, 23/3, cổ phiếu HNF tiếp tục giảm sàn tuy nhiên không còn trắng bên mua như ngày hôm qua, ngay đầu phiên đã có những lệnh được khớp. Tuy nhiên, cổ phiếu chưa có màu đỏ mà chỉ có màu xanh xám từ sáng cho đến hết phiên giao dịch chiều nay. Tức, cho đến giờ phút này, nhà đầu tư vẫn hoang mang khi giá cổ phiếu bất ngờ đổ đèo đến vậy.
Bài học nào cho nhà đầu tư sau “cú sốc” HNF và HHC này?
Dù cố thừa nhận hay không thừa nhận, đa số nhà đầu tư cũng phải đồng ý rằng: Họ chỉ thực sự chú ý đến cổ phiếu HHC, HNF sau thông tin Vinataba thoái vốn. Sau thông tin này, họ hành động và họ mắc sai lầm.
-Sai lầm thứ nhất: Mua cổ phiếu chỉ sau vài phút nghĩ. Bạn có thể căn ke hàng tiếng đồng hồ, thậm chí hàng ngày khi vào siêu thị mua một món đồ tương đối đắt tiền. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán biến động từng giây và khi đối mắt với tốc độ của thị trường, bạn thường bị đánh đòn tâm lý. Quyết định mua cổ phiếu trong vài phút nghĩ là điều nhiều người vẫn thường làm và đa phần sau đó là ân hận. Bởi, khi quyết định như thế chẳng khác gì bạn tung con xúc xắc năm ăn, năm thua để quyết định túi tiền của mình.
-Sai lầm thứ hai: Bạn quá tự tin vào những gì bạn đã học được trong quá khứ. Trong quá khứ, ắt hẳn bạn đã từng nhìn thấy một cổ phiếu tăng mạnh mẽ sau tin thoái vốn. Bạn nhìn giao dịch và bạn gần như tin rằng, lịch sử đó đang lặp lại ở cổ phiếu này. Trong não bộ của bạn, không một từ rủi ro được nhắc đến. Nhưng, khi đủ bình tĩnh biết rằng, thị trường chứng khoán hàng trăm doanh nghiệp và các doanh nghiệp khác nhau; hàng triệu nhà đầu tư và họ khác nhau; "người tạo game" cũng khác nhau...Không có lý do gì để tin hoàn toàn rằng, một lịch sử sẽ được vẽ lại y nguyên ở đâu đó.
-Sai lầm thứ ba: Không tìm hiểu doanh nghiệp trước khi đầu tư. Giá trị doanh nghiệp nằm ở những điểm mấu chốt nào và vì sao trong phút chốc cổ phiếu của doanh nghiệp đó được tranh mua như thể công ty vừa trúng số Vietlott và một "cục tiền" may mắn sẽ được chia cho cổ đông? Khi không nắm được một thông tin gì trọng yếu có thể thay đổi đáng kể doanh nghiệp thì việc tranh mua, tranh bán chỉ thể hiện rằng bạn đang chạy theo đám đông và trông chờ may mắn thay vì đầu tư thực sự.
-Sai lầm thứ tư: Bước vào sân chơi không dành cho mình. Khi thông tin cổ đông lớn thoái vốn đưa ra, nhà đầu tư thường hồ hởi khi thấy giá tăng. Họ chắc mẩm, vui cười khi kịp “lên tàu”. Nhưng đáng tiếc, trước đây, họ không quan tâm cổ phiếu HNF làm ăn thế nào, "cuộc chơi thoái vốn" ngay từ đầu không thuộc về họ và họ suy cho cùng, cũng chỉ muốn "ăn theo" cuộc chơi của ông lớn nào đó mà họ không biết rồi rời khỏi sân chơi nhẹ nhàng.
Với nhiều giao dịch mua, bán của cổ đông lớn thoái vốn, nếu ngay từ đầu, sân chơi đã không thực sự dành cho bạn hay bạn đã không được kéo vào cuộc chơi thì nỗ lực vào sân của bạn chỉ khiến cho những người chơi lớn mất công đẩy bạn ra mà thôi. Nếu suy nghĩ thật kỹ bạn sẽ thấy, giao dịch chuyển nhượng hơn 6 triệu cổ phiếu HNF chỉ diễn ra trong vài lệnh. Hơn 260 tỷ được trao tay. Đây không phải là khoản tiền nhỏ và chắc chắn, những người chơi liên quan đã chuẩn bị kỹ càng để mua, bán. Chỉ có điều, có thể họ có những toan tính nhất định nên tiến hành giao dịch khớp lệnh chứ không phải thỏa thuận mà thôi.
-Sai lầm cuối: Không thừa nhận sai lầm và không cắt lỗ. Dù bị thua lỗ sau cú chen chân vào sân chơi không phải của mình, nhiều nhà đầu tư vẫn tự huyễn hoặc mình là người ta đã mua mấy triệu cổ phiếu giá cao thế kia, chẳng nhẽ họ chịu thua lỗ đến vậy, chắc là, họ sẽ ra tay đỡ giá sau đó...
Nhưng, tư duy đó thường là không đúng. Những nhà đầu tư lớn, dài hạn họ không nghĩ như bạn. Thường thì, họ không quan tâm ngày hôm nay, ngày mai cổ phiếu đó tăng hay giảm, họ quan tâm đến tương lai một vài năm sau cổ phiếu đó thế nào hơn. Còn bạn, một nhà đầu tư nhỏ lẻ, sẽ rất khó để bạn có cùng tư duy đó.
Trí Thức Trẻ
- Nhiều nhà đầu tư đang "săn" cổ phiếu có thể nắm giữ dài hạn, vì sao họ làm thế và làm thể nào để chọn?
- Kinh nghiệm mua bán cổ phiếu ở đỉnh, đọc lại kẻo quên!
- Vì sao đám đông thường thua trên thị trường chứng khoán?
- Tự tin cổ phiếu sẽ tăng, nhà đầu tư vẫn có thể mất tiền vì những lý do này
- CHUYỆN ANH MUA: Anh Mua quay lại thị trường chứng khoán