MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng 6,7% hoàn toàn có thể đạt được

“Với quyết tâm chính trị cao độ của Chính phủ và với các giải pháp quyết liệt của từng bộ, ngành, địa phương trên cơ sở tận dụng và phát huy các dư địa tăng trưởng thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 là điều hoàn toàn có thể đạt được. Thực tế cho thấy, với tiềm năng, dư địa tăng trưởng hiện có, chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở con số 6,7% nếu quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bằng các giải pháp dài hạn, mang tính chiến lược”.

Đây là nhận định của PGS.TS Phạm Hồng Chương (ảnh), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong cuộc trao đổi với Báo Hải quan xung quanh vấn đề tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017.

Ông đánh giá như thế nào về quyết tâm của Chính phủ cũng như những mục tiêu mang tính đột phá được người đứng đầu Chính phủ đặt ra cho tư lệnh ngành và địa phương nhằm đạt mục tiêu GDP 6,7% năm 2017?

Trong bối cảnh hiện nay thì quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc đề ra và thực hiện các giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng GDP là điều có thể hiểu và chia sẻ được. Chúng ta có thể thấy một số chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương như đề xuất ngành ngân hàng tăng mức tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN… Thực tế thì đây là những việc mà trong điều kiện bình thường chúng ta vẫn phải làm và phải làm tốt. Có điều, đây là những giải pháp quyết liệt mang tính ngắn hạn với những mục tiêu đột phá để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2017, còn nếu chúng ta áp dụng những giải pháp chiến lược, dài hạn thì trước mắt sẽ không thể đạt được ngay lập tức mức tăng trưởng cơ bản như đã đề ra. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn con số 6,7% chính là chất lượng của tăng trưởng trong dài hạn. Tôi xin lưu ý, dù với biện pháp nào thì mục đích cuối cùng là phải chú ý đến nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các DN, trong đó mấu chốt là phải giảm thiểu chi phí kinh doanh cho DN bằng nhiều cách khác nhau, như cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm bớt các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN, giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường cho DN… Đây là những giải pháp căn bản, tổng thể, lâu dài cho DN, chỉ có điều tác động của nó đòi hỏi phải có thời gian.

Theo ông, trong điều kiện hiện nay, đâu sẽ là những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2017?

Như tôi đã nói, những giải pháp quyết liệt, những mục tiêu cụ thể mà Chính phủ đưa ra như đẩy mạnh khai thác dầu thô, than đá, tăng trưởng tín dụng… là những giải pháp tình thế, mang tính ngắn hạn và có tác động trong ngắn hạn chứ không phải dài hạn. Nếu chúng ta vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu ấy, thì việc tăng khai thác tài nguyên trong năm nay sẽ giúp Nhà nước thu lại được một khoản tài chính nhất định, hay việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn, nâng tăng trưởng tín dụng… về ngắn hạn đều sẽ là động lực đột phá giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP. Nhưng những giải pháp này về lâu dài không có tính lan tỏa mà chỉ mang tính cục bộ trong một thời điểm mà thôi.

Về động lực tăng trưởng, hiện có nhiều dư địa có thể khai thác để thúc đẩy tăng trưởng như khu vực du lịch, nông nghiệp, sản xuất điện, khu vực DN tư nhân với số lượng DN mới được thành lập từ 2016 đến nay khá lớn… Với cách làm hiện nay và với quyết tâm thực hiện,thì hiển nhiên là để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% theo tôi là có thể đạt được. Vấn đề quan trọng là chúng ta thu được gì từ con số 6,7% đó.

Để thúc đẩy tăng trưởng GDP, ngành ngân hàng được yêu cầu nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên 21-22%, thay vì 18% như mục tiêu ban đầu, theo đó nguồn vốn sẽ được đẩy mạnh vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ cho các DN. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?

Tăng trưởng tín dụng cũng là một trong những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song đó là về lý thuyết, quan trọng là hiệu quả của nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lãi suất như thế nào, tín dụng đổ vào những lĩnh vực nào… Nếu tăng tín dụng và lãi suất giảm đồng thời tín dụng hướng được ưu tiên cung cấp cho đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn như các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các ngành chế biến, hoặc bất động sản với phân khúc bất động sản du lịch (không phải là bất động sản để mua bán mà là bất động sản để khai thác dịch vụ)… là những ngành nghề đòi hỏi chi phí vốn thấp, dài hạn và lãi suất hợp lý, nếu vốn đẩy được vào những lĩnh vực này là phương án tốt nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, bất động sản nói chung đang phát triển nóng, chưa thực sự lành mạnh, lại là lĩnh vực hút nhanh, hút mạnh tín dụng, nếu nguồn vốn đổ vào lĩnh vực này là đáng lo ngại. Hiện nay bất động sản không phải là lĩnh vực được ưu tiên đối với nguồn vốn từ tín dụng, nhưng đây lại là lĩnh vực sinh lời tương đối tốt, và trong điều kiện nguồn vốn đẩy vào sản xuất không phát huy hiệu quả và khó để tiếp cận thì nhiều khả năng vốn có thể lại đổ vào bất động sản. Bên cạnh đó, tôi cho rằng nguồn vốn tăng nhưng lãi suất phải giảm vì nếu lãi suất không giảm, chi phí vốn không giảm thì khó để có tác động tích cực đối với việc sản xuất của DN trong dài hạn, hiệu quả của việc tăng cung tiền sẽ bị giảm xuống. Mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm so với thời gian trước nhưng nhìn chung vẫn cao so với các nước trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư, nhưng đến nay giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm. Theo ông, nguyên nhân do đâu và biện pháp nào hiệu quả để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng?

Việc chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công theo tôi đến từ nhiều nguyên nhân và mỗi một dự án được triển khai từ nguồn ngân sách nhà nước bị chậm trễ cũng sẽ có những nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau. Thực tế cho thấy, các dự án đầu tư công vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng có tác động rất lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, tuy nhiên việc giải ngân nhanh hay chậm đôi khi do tính đặc thù của từng dự án, đồng thời không loại trừ nguyên nhân do cách quản lý, điều hành không tốt của chủ đầu tư, hoặc do thủ tục hành chính của cơ quan chức năng gây ra sự chậm trễ trong giao vốn, giải phóng mặt bằng… Vì thế tới đây cần xem xét lại tính khả thi và hiệu quả của từng dự án nói chung, còn trước mắt, để đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn này từ nay đến cuối năm, điều quan trọng là các cơ quan chức năng phải nhanh chóng tiến hành rà soát chặt chẽ, cụ thể từng dự án chậm tiến độ để tìm ra nguyên nhân cơ bản, từ đó có biện pháp tháo gỡ vướng mắc hiệu quả nhất giúp cải thiện tiến độ của các dự án.

Để đạt được kết quả cao nhất trong tăng trưởng kinh tế, theo ông cần lưu ý vấn đề gì? Với quyết tâm chính trị của Chính phủ và với những giải pháp thực thi của các bộ, ngành, địa phương, liệu kinh tế Việt Nam có về đích cả về tỷ lệ tăng trưởng lẫn hiệu quả tăng trưởng?

Tôi cho rằng với quyết tâm chính trị cao độ của Chính phủ và với các giải pháp quyết liệt để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của từng bộ, ngành và các địa phương trên cơ sở tận dụng và phát huy các dư địa tăng trưởng thì việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 là điều chúng ta hoàn toàn có thể đạt được. Bởi thực tế cho thấy, với tiềm năng, dư địa tăng trưởng của Việt Nam thì rõ ràng chúng ta có thể có mức tăng trưởng cao hơn nữa, chứ không chỉ dừng lại ở con số 6,7%, nếu chúng ta quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bằng các giải pháp dài hạn, mang tính chiến lược. Để đánh giá chất lượng tăng trưởng dựa vào nhiều yếu tố, nhưng đến thời điểm này, theo đánh giá của tôi, con số tăng trưởng 6,7% không phải là mục tiêu có thể gây ra những tổn hại cho nền kinh tế. Tuy nhiên, có điều đáng lưu ý là với những nguồn lực hiện có, nếu chúng ta quá dồn vào trong ngắn hạn thì về dài hạn có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội khác.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thu Hiền

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên