Tăng trưởng thấp, lạm phát tăng và niềm tin vượt khó
Tăng trưởng GDP thấp, lạm phát cao là một trong những nỗi lo của kinh tế quý I/2017 cũng như những tháng tiếp theo. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn vững niềm tin về một lộ trình tăng trưởng ổn định dài hạn và cảnh báo cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô.
- 07-03-2017Lạm phát có thể tăng mạnh do xu hướng tăng giá xăng dầu?
- 27-01-2017Kiểm soát lạm phát năm 2017: Thuận lợi và những thách thức
- 20-01-2017Lạm phát và lãi suất
Khó khăn níu tăng trưởng
Số liệu công bố ngày 29/3 của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng GDP quý I/2017 chỉ là 5,1%, thấp nhất trong 2 năm trở lại đây (quý I/2015 là 6,12%; quý I/2016 là 5,48%).
Tăng trưởng GDP quý I/2017 chững lại.
Mức tăng trưởng GDP này cũng chỉ nhỉnh hơn một chút so với tăng trưởng GDP của quý I các năm 2012-2014.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho rằng tăng trưởng quý I thấp là do 3 nguyên nhân.
Thứ nhất khô hạn, xâm nhập mặn năm 2016 tiếp tục ảnh hưởng kết quả trồng trọt quý I/2017, thể hiện rõ nhất là lúa mùa của ĐBSCL bị giảm diện tích 55.000ha, vụ Đông Xuân giảm 17.000 ha, cả 2 vụ này làm trồng lúa quý I giảm 73.000 ha. Tác động này làm sản lượng lúa mùa, lúa Đông xuân tiếp tục giảm, dẫn đến kết quả trồng trọt chung của cả nước giảm xuống.
Thứ hai là ngành công nghiệp tăng trưởng thấp và giảm so với quý I/2016, chủ yếu tập trung vào chế biến chế tạo. Quý I/2017 tăng trưởng 8,3% trong khi đó quý I/2016 tăng cao hơn. Sản xuất sản phẩm điện tử tăng trưởng âm 1% trong khi đó quý I/2016 là hơn 11%.
Thứ ba, tiếp tục tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nên mục tiêu tăng trưởng dựa vào tài nguyên được điều chỉnh, ảnh hưởng ngành khai khoáng. Quý I/2017 khai khoáng dầu, khí, than đều tăng trưởng âm so với quý I/2016. Điều này khiến toàn ngành khai khoáng chỉ đạt 90%, tức âm 10%.
“Đó là 3 nguyên nhân khiến tăng trưởng thấp hơn năm trước”, ông Tuyến nói và cho thấy đằng sau sự tăng trưởng thấp có một yếu tố đáng khích lệ là tăng trưởng kinh tế đã phần nào giảm bớt dựa vào vốn.
“Những năm gần đây mức đóng góp của vốn vào tăng trưởng đang giảm dần. Nếu trước đây đóng góp của vốn vào tăng trưởng 60% thì gần đây 54-55%, nhường chỗ cho các nhân tố khác tích cực hơn”, ông Tuyển chia sẻ.
Ngoài nỗi băn khoăn tăng trưởng thấp, kinh tế quý I còn đối mặt với khả năng lạm phát tăng trở lại. Chỉ số giá bình quân trong 3 tháng đầu năm nay đã tăng 4,96% so với mức bình quân 3 tháng đầu năm ngoái. Một điều lưu ý thêm, đây là năm đầu tiên Chính phủ lấy thước đo “chỉ số giá bình quân” để đánh giá lạm phát. Nếu so với mức CPI bình quân 3 tháng đầu năm từ năm 2012 trở về trước, thì mức tăng 4,96% của 3 tháng đầu năm nay là thấp hơn nhiều.
Tuy nhiên, so với 3 năm trở lại đây, thì con số của quý I/2017 lại cao hơn. CPI bình quân của 3 tháng đầu năm 2014 chỉ là 4,83% và lần lượt ở các năm 2015 - 2016 là 0,74% và 1,25%. Vì thế, nguy cơ lạm phát tăng trở lại là hiện hữu, mục tiêu kiềm chế lạm phát bình quân ở mức 4% mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra là thách thức không nhỏ.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho rằng: Quý I/2017 chúng ta còn nhiều sức ép điều chỉnh giá, gây áp lực lên lạm phát.
Chẳng hạn giá dịch vụ y tế, năm 2016 mới có 36 tỉnh điều chỉnh thôi. Quý I nay năm đã điều chỉnh thêm 13 tỉnh. Để đạt mục tiêu lạm phát không quá 4%, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu (gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón…) để cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng việc tăng trưởng quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp hơn quý I của 2 năm gần đây khiến mục tiêu 6,7% là thách thức. Chúng tôi đã xây dựng các kịch bản, phương án tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Chính phủ trong phiên họp sắp tới.
Doanh nghiệp tư nhân sẽ là nòng cốt để thúc đẩy tăng trưởng.
Niềm tin vượt khó
Chia sẻ với phóng viên, nhiều chuyên gia cảm thấy bất ngờ khi tăng trưởng quý I thấp như vậy. Tăng trưởng trong quý I đã thấp hơn so với dự báo của nhiều tổ chức trước đó. Đầu năm 2017, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã dự báo tăng trưởng GDP quý I có thể ở mức 5,8% và cả năm đạt 6,4%. Tương tự, Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Market Intello dự báo GDP quý I đạt 5,61% và cả năm GDP đạt 6,3%.
TS Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường Market Intello từng cho rằng: Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,7% như kế hoạch, những chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết.
Để thúc đẩy kinh tế tư nhân, Chính phủ đã quyết định đẩy mạnh việc thoái vốn tại một loạt các doanh nghiệp nhà nước lớn như Habeco, Sabeco, Vinamilk và xem xét lại mô hình Uỷ ban quản lý giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó Chính phủ cũng đã nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh bằng nhiều biện pháp hỗ trợ và cắt giảm thủ tục hành chính.
“Tôi cho rằng các chính sách cần được đẩy mạnh hơn nữa để khuyến khích khu vực tư nhân”, ông Đinh Tuấn Minh nói.
Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 mà Chính phủ đang đặt ra là một ngưỡng cao. Do đó, VEPR đã lưu ý cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô. Nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại, và mục tiêu 4% cho năm 2017 là không dễ dàng. Khi lạm phát vượt 5%, lãi suất danh nghĩa sẽ phải điều chỉnh tăng, có thể gây ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và thị trường tài chính, tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế nói chung.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng khi Chính phủ đang quyết tâm dọn dẹp những điểm nghẽn của nền kinh tế, việc tăng trưởng thấp không phải là điều quá lo ngại. Bởi nếu làm tốt việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho DN, tháo gỡ các điểm nghẽn thì việc tăng trưởng sẽ tốt dần lên và bền vững hơn là có cơ sở. Chính vì thế, dù có những chỉ số đáng lưu tâm nhưng đó mới là chỉ báo của một quý khởi đầu của lộ trình dài hạn của một chu kỳ. Với một quyết tâm cao, cải cách quyết liệt... tạo ra môi trường và động lực mới thì đây chính là thời điểm vượt khó, tạo dựng thành công dài hạn.
Vietnamnet