MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TÔI ĐẦU TƯ: Cú vấp ngã đầu tiên - Sự nhầm lẫn giữa đầu cơ và đầu tư

Cổ phiếu càng có chất lượng tốt, (được biểu hiện qua sự thành công của công ty) thì càng dễ bị đầu cơ. Tôi thất bại không phải vì mua phải những chứng khoán không được tốt và cũng không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai mà bởi vì chưa biết cách kiểm soát và làm chủ cảm xúc của bản thân.

Cuộc thi viết TÔI ĐẦU TƯ do CafeF phối hợp báo Trí thức trẻ tổ chức tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư, độc giả.

Kỳ này, chúng tôi kính mời độc giả CafeF đọc bài chia sẻ về bài học đầu cơ-đầu tư của tác giả Nguyễn Giang Nam. Diễn biến tâm lý của nhà đầu tư từ từ bỏ trường phái đầu tư cơ bản đến bước chân vào thế giới cổ phiếu nóng và rồi gỡ gạc, thua lỗ, gỡ gạc...đã được nhà đầu tư Giang Nam chia sẻ rõ nét trong bài dự thi của mình.

Kính mời độc giả đọc bài chia sẻ và ĐỪNG QUÊN GỬI BÀI DỰ THI TÔI ĐẦU TƯ của bạn cho chúng tôi vào Huongnguyenthithanh@vccorp.vn / hainguyenduc@vccorp.vn và http://cafef.vn/gui-tin-nhanh.chn


Đầu năm 2010, tôi chân ướt chân ráo tham gia vào thị trường chứng khoán. Giống như một đứa trẻ mới tập đi tôi đã gặp khó khăn trong việc lựa chọn danh mục đầu tiên cho bản thân! Sau khi tìm kiếm và góp nhặt được một số trang web, tài liệu tham khảo, thảo luận về chứng khoán, trao đổi cùng vài người bạn, tôi đã quyết định dùng tiền của mình để mua cổ phiếu ngành điện và dành thời gian của mình để theo dõi sự biến động, lên xuống mỗi ngày của thị trường.

Sau một thời gian ngắn theo dõi thị trường tôi nhận thấy có những mã cổ phiếu nóng có thể đem lại lợi nhuận rất nhiều lần cho nhà đầu tư bằng cách mua thấp bán cao khi chúng liên tục tăng trần! Trong khi mã cổ phiếu tôi đang nắm giữ dường như chỉ nhúc nhích từng chút một và thậm chí đứng yên do tác động tăng điểm chung của thị trường đầu năm 2010.

Bị cám dỗ bởi sự hào nhoáng của thị trường và do sự hăng hái muốn kiếm tiền nhanh của bản thân, tôi quyết định nghiên cứu về nhóm đầu tư mạo hiểm và bán toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ để tham gia vào nhóm cổ phiếu nóng.

Tôi đã chọn được một mã cổ phiếu ngành dầu khí chuẩn bị niêm yết và khá hứa hẹn sẽ tăng giá trong thời gian tới. May mắn là tôi đã đúng và kiếm được khoản lợi nhuận 35% khi tiền về tài khoản chỉ trong vòng 10 ngày do sự tăng giá liên tục của cổ phiếu (đầu năm 2010 bạn cần thời gian t+4 để giao dịch).

Sự hưng phấn khi kiếm được khoản tiền kha khá đầu tiên với cổ phiêu nóng đã khiến tôi trở lên lạc quan một cách kỳ lạ, tôi không còn lo sợ khi dùng tiền của mình để mua chứng khoán!

Tôi tiếp tục theo dõi thị trường một cách đều đặn mỗi ngày và không biết rằng mình đã mắc phải một chứng sai lầm khá phổ biến với mỗi nhà đầu tư: "Nghiện theo dõi những chấm sáng điện tử" trên bảng báo giá hàng ngày. Những tháng tiếp theo tôi giao dịch một cách hăng hái với phương châm mua thấp bán cao với khoảng thời gian siêu ngắn hạn hay còn gọi là lướt sóng.

Do đà tăng điểm của thị trường giá lên và mua được một vài mã chứng khoán nóng, tôi đã may mắn kiếm cho mình một khoản siêu lợi nhuận gấp nhiều lần số vốn ban đầu chỉ trong vòng 4 tháng. Vậy đó, sự thiếu hiểu biết về đầu tư đã biến tôi thành một con bạc thực sự (kẻ làm giàu cho những ông chủ sòng bạc bằng khoản tiền cắt phế) thay vì một nhà đầu tư đúng nghĩa. Mặc dù tôi kiếm được nhiều nhưng tiêu cũng không ít.

Chúng ta có thể thấy sự lôi cuốn của việc đầu cơ vào những cổ phiếu nóng là hấp dẫn và hào nhoáng hơn so với việc đầu tư mua và nắm giữ những cổ phiếu hứa hẹn sự an toàn vốn và mang lại một phần lời lãi trong thời gian dài hạn. Nhưng nếu làm theo cách đó ngoại trừ khi vận may của bạn vẫn còn nếu không sẽ có lúc bạn phải mất tiền.

Đáng buồn là vinh quang của tôi không kéo dài lâu.

Vài tháng sau đó vụ sập thị trường của phố Wall năm 2010 đã gây ảnh hưởng tới tất cả các phiên giao dịch trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm trong ngoại lệ. Lúc đó tôi như một đứa trẻ không biết gì nhiều đang đứng giữa một đám đông đang bỏ chạy hoảng loạn. Sự bi quan của công chúng đã khiến cho giá cổ phiếu sụt giảm nhanh chóng. Sự lạc quan trong tôi dần biến mất, thay vào đó là nỗi sợ hãi dần lan tỏa và hiện diện rõ nét theo từng ngày khi mà mã chứng khoán trong danh mục báo giá đỏ mỗi ngày!

Thị trường thực sự đi xuống, dòng tiền dường như biến mất sau mỗi đợt bán tháo, tôi sợ hãi và quyết định cắt lỗ khi giá cổ phiếu giảm xuống còn 2/3 so với lúc mua. Tôi đã cảm nhận và nếm trải được nỗi đau của sự mất mát tài chính. Nó giống như việc bạn mất đi một khoản tiền, ví dụ: 100 triệu là tổn thất tinh thần lớn hơn so với niềm vui khi bạn kiếm được 100 triệu. Nhưng thói quen đầu cơ mua bán ngắn hạn và tâm lý muốn gỡ gạc đã khiến tôi không làm chủ được cảm xúc của mình. Thậm chí vay thêm tiền của người thân, tôi tiếp tục tham gia vào khi thị trường vẫn đang đà xuống và chưa xác định đáy. Tôi đã hành động như một kẻ cay bạc để bị cuốn theo thị trường và đã mất nhiều tiền hơn!

Bù lại tôi đã đúc kết được một số bài học cho bản thân :

- Chúng ta không cần mở mắt đau đáu để theo dõi cổ phiếu công ty trong danh mục của mình, nhưng nên thỉnh thoảng nhìn nhận nó một cách cẩn thận và kỹ lưỡng.

- Đặt câu hỏi "bao nhiêu" cho giá và phần lời lãi hứa hẹn sẽ đạt được của mỗi cổ phiếu trong một khoảng thời gian nếu bạn muốn mua và nắm giữ chúng.

- Cổ phiếu càng có chất lượng tốt, (được biểu hiện qua sự thành công của công ty) thì càng dễ bị đầu cơ. Tôi thất bại không phải vì mua phải những chứng khoán không được tốt và cũng không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai mà bởi vì chưa biết cách kiểm soát và làm chủ cảm xúc của bản thân.

Nguyễn Giang Nam

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên