MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TÔI ĐẦU TƯ: Ký ức 2010 (Phần 1+2+3) -Tôi có lãi nhưng tôi thất bại với cổ phiếu HRC

Khi đứng ngoài HRC tăng giá tôi biết mình đã thất bại. Một thất bại cay đắng. Tôi đã bị rũ bỏ. Tôi đã cảm nhận đúng cơ hội. Mua vào đúng thời điểm. Đã có chút ít lợi nhuận. Nhưng trong thương vụ này tôi vẫn thất bại. Tôi vẫn thiếu một chút tự tin vào những cảm nhận của mình.

Cuộc thi viết TÔI ĐẦU TƯ tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả-nhà đầu tư. Chúng tôi xin chia sẻ Bài dự thi "Ký ức 2010" của nhà đầu tư Tạ Quang Hóa.

Mời quý độc giả đón đọc 3 phần trong bài viết Ký ức 2010 vào hồi 8h, 10h, 15h ngày thứ 2, 22/6/2015 và ĐỪNG QUÊN GỬI BÀI VIẾT DỰ THI cho chúng tôi .


Ký ức 2010 (Phần 3)-Tôi có lãi nhưng tôi thất bại với cổ phiếu HRC 

Vào khoảng cuối tháng 4/2010 trong khi thị trường đang rất ảm đạm, giao dịch trầm lắng. Sau một lần cắt lỗ, tôi ngồi im, và tập trung theo dõi từng nhịp đập của thị trường. Khi đó cổ phiếu HRC (Cao su Hoà Bình) có những diễn biến làm tôi chú ý. Các lệnh được tung vào mua HRC từ mức giá 36.000 đồng/cp đến 38.000 đồng/cp. Lệnh mua lúc đầu còn lặng lẽ, kín đáo. Có vẻ như họ cố gắng nhẹ nhàng vì không muốn đánh động thị trường. Không muốn tự mình đẩy giá lên khi gom cổ phiếu. Sau đó dường như không còn kiên nhẫn được nữa họ thu gom quyết liệt. Giá được đẩy dần từ 36.000 đồng/cp lên 40.000 đồng/cp. Đối với một thị trường sôi động thì mức tăng hơn 10% này là bình thường. Nhưng trong giai đoạn này lại là một vấn đề đáng chú ý. Tôi đã nhận ra những khác thường đó thông qua người bạn trung thực là bảng điện tử. Tôi mua vào 8.000 cổ phiếu HRC ở mức giá 38.500. Rất nhanh sau đó cổ phiếu này lao thẳng lên mức giá 45.000 đồng/cp. Tôi hân hoan với một khoản lợi nhuận nhỏ bé thu được, một niềm động viên sau nhiều lần cắt lỗ.

Ngày 06 tháng 5 năm 2010, Chứng khoán Mỹ gặp sự cố bí ẩn. Dow Jones giảm hơn 750 điểm, trong phiên giao dịch chỉ số này có lúc giảm gần 1000 điểm. Cơn địa chấn này nhanh chóng lan ra toàn thế giới. VN-index không ngoại lệ, trong ngày 07 tháng 5, VN-index giảm hơn 20 điểm. Mọi người, mọi nơi bán tháo cổ phiếu, rũ bỏ cổ phiếu như một thứ ôn dịch. Tôi đã để rơi HRC ở mức giá sàn 43.000 đồng/cp trong ngày giao dịch đó. Nhưng ngay sau đó HRC làm tôi ân hận.

Sau sự cố bất ngờ, mọi việc dần trở lại bình thường. HRC quay lại lộ trình tăng giá của mình. HRC làm tôi liên tưởng tới một hình ảnh chim báo bão trong những trang văn của Maxim Gorky: Giữa giông tố, giữa mây đen và đợt sóng dữ, giữa những tia chớp dật, và sấm rền vang trời…chim báo bão lao đi, đẹp và dũng mãnh như một hung thần… HRC tương tự như vậy. Vượt trên những cơn sóng bán tháo trên toàn thị trường. Cười nhạo trước những nỗi sợ hãi, trước những cái đầu đang run rẩy…

Bỏ mặc VN-Index, HRC băng băng lao lên phía trước, vươn lên đỉnh cao mới đầy kiêu hãnh. Giá giao dịch đạt 72.500 đồng/cp. Trên đường đi lên nó liên tục nhận được sự tiếp sức của những thông tin khủng: Giá xuất khẩu cao su đạt mức cao kỷ lục mới trong 2 năm; Sự điều chỉnh tỷ giá USD so với đồng tiền Việt nam, đã đem lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho các nhà xuất khẩu trong đó có HRC. Tin đồn một công ty lớn trong ngành đang ngưỡng mộ vùng nguyên liệu của HRC, và đang tìm cách thâu tóm vùng nguyên liệu đó với mức giá đàm phán dự định sẽ rất cao. Những dự báo lợi nhuận vượt xa kế hoạch năm. Và thực tế đúng như vậy, lợi nhuận của HRC thu được nhiều hơn cả những tham vọng ngông cuồng của các nhà đầu tư.

Khi đứng ngoài HRC tăng giá tôi biết mình đã thất bại. Một thất bại cay đắng. Tôi đã bị rũ bỏ. Tôi đã cảm nhận đúng cơ hội. Mua vào đúng thời điểm. Đã có chút ít lợi nhuận. Nhưng trong thương vụ này tôi vẫn thất bại. Tôi vẫn thiếu một chút tự tin vào những cảm nhận của mình. Tôi đã không tin vào sự chỉ dẫn của bảng giao dịch. Tôi đã run sợ trước những thử thách mà thị trường tạo ra. Tôi hiểu, tôi cần nhiều hơn nữa lòng can đảm khi đối mặt với thị trường để vượt qua những con sóng.

Thất bại này như một minh chứng nữa cho thấy, thật khó kiếm tiền trong một thị trường chung ảm đạm. Cho dù chúng ta đã có những cảm nhận đúng, và đã có cơ hội trong tay.

Người xưa thường nói: “cầm vàng mà lội qua sông, vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”.

Nếu nắm chặt HRC trong tay tôi đã có thể vượt qua thị trường trong lúc khó khăn. Không bị xoáy vào những thương vụ mập mờ khác để rồi liên tục phải cắt lỗ. Chính vì thế HRC đến giờ đây vẫn luôn là một nỗi đau trong tôi.


Kính mời độc giả đón đọc tuyến bài dự thi TÔI ĐẦU TƯ vào thứ 2, 4, 6 hàng tuần và gửi bài dự thi của bạn cho chúng tôi vào Huongnguyenthithanh@vccorp.vn / Hainguyenduc@vccorp.vn / http://cafef.vn/gui-tin-nhanh.chn



Phần 2: Ảo vọng & cuộc chơi chưa đầy 1% cơ hội thắng

Thử nhìn nhận lại một chút nhé. Nhìn lại để thấy tôi đã mắc sai lầm ngờ nghệch tới mức nào:

Thứ nhất: Trong một thị trường đi ngang và xuống giá có bao nhiêu cổ phiếu có đủ sức mạnh để đi ngược thị trường. Theo tôi tỷ lệ này không quá 5%. Thứ hai: Trong số ít ỏi những cổ phiếu đi ngược dòng ấy, liệu chúng ta săn tìm được bao nhiêu cổ phiếu để đưa chúng vào danh mục đầu tư. Tỷ lệ này có đến 1% không ? Thứ ba: Trong trường hợp đã săn tìm được cổ phiếu đi ngược dòng và đưa nó vào danh mục đầu tư. Thì khi đó, trong bối cảnh u ám của thị trường chung, ta có bao nhiêu can đảm để giữ cổ phiếu đó đến cùng và thu lợi nhuận!

Với tất cả những lý do chính đáng như vậy. Tại sao ta phải tham gia vào cuộc chơi khi mà ta có không tới 1% cơ hội chiến thắng, còn hơn 99% cơ hội là thất bại.

Lý do ở đây chỉ có thể giải thích là do tôi cũng như nhiều nhà đầu cơ trên thị trường chứng khoán luôn có trong đầu những ước mơ cao đẹp. Và tất cả đều đang gửi nó vào thị trường. Mong ngóng một lúc nào đó thị trường sẽ thấu hiểu và đáp lại tiếng gọi nơi sâu thẳm trong tim mỗi nhà đầu cơ.

Trong một thị trường đi xuống thì việc sáng suốt nhất là đứng ngoài thị trường, kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi xu hướng mới thực sự hình thành. Chúng ta nên yên tâm rằng sẽ chẳng có những bước ngoặt đột biến nào trên thị trường khiến chúng ta không thể theo kịp. Thị trường luôn có rất nhiều tín hiệu đi xuống trước khi nó đi xuống. Và cũng có rất nhiều tín hiệu đi lên trước khi nó thực hiện những bước phát triển nhảy vọt.

Trong chứng khoán ngoài việc mua thấp, bán cao để kiếm lời. Còn có một chiến thuật nữa: Mua cao và bán với giá cao hơn. Vậy hãy đợi khi xu hướng thị trường đi lên được khẳng định hãy mua vào. Hay mua cao và bán cao hơn.

Trong phân tích kỹ thuật khi biểu đồ giá vượt qua một đỉnh giá cũ cộng với sự bùng nổ về khối lượng giao dịch. Đó là một trong những tín hiệu xác định cho một xu hướng mới.

Đó là lý thuyết, còn thực tế hai con quỷ: Lòng tham và sự sợ hãi lại thường chiến thắng chúng ta và làm ta chệch hướng.

Trở lại thực tế, với những quyết định sai tôi đã phải trả giá. Thị trường đã thổi bay toàn bộ lợi nhuận của 3 tháng đầu năm 2010. Sau đó nó còn lấy mất hơn 15% tiền mồ hôi nước mắt của tôi.

Có những quyết định sai khi tôi mua không đúng thời điểm. Khi nhận ra sai lầm tôi đã cắt lỗ và chấp nhận thất bại tạm thời. Nhưng một trong số các quyết định sai đó có một quyết định làm tôi day dứt. Một nỗi đau thật khó nguôi ngoai.


Kính mời độc giả đón đọc phần 3 của bài dự thi này vào hồi 15h hôm nay và đừng quên gửi bài dự thi của bạn cho chúng tôi vào Huongnguyenthithanh@vccorp.vn / Hainguyenduc@vccorp.vn / http://cafef.vn/gui-tin-nhanh.chn


Phần 1: Nỗi đau với cổ phiếu ngược dòng

Thị trường chứng khoán từ đầu năm 2010 tới khoảng tháng 8/2010 rất ảm đạm, ngoài một sóng tăng ngắn hạn trong quý I, còn thì phần lớn thời gian các cổ phiếu đều đi ngang và xuống giá. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán trước đây từng được mệnh danh là “cổ phiếu vua” giờ đây đang trở thành gánh nặng của thị trường. Dưới sức ép buộc phải tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 3.000 tỷ đồng trước 31/12/2010, tại các Ngân hàng thương mại để đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các cổ phiếu nhóm ngân hàng sụt giảm từ 20% đến 40% giá trị.

Các vị vua đã để mất ngôi. Thị trường mất phương hướng do không có những thế lực đủ mạnh dẫn dắt. Những đợt vùng lên yếu ớt ở các nhóm ngành khác như: Thép, cao su, thuỷ sản…không đủ sức truyền lửa và giữ ấm cho toàn thị trường. Những con sóng nhỏ đó nhanh chóng tan biến. Thị trường lại yên ả như cũ.

Vậy đấy, trong dòng chảy chung ảm đạm ấy, tôi hăng say dùng đòn bẩy tài chính để săn tìm những cổ phiếu ngược dòng. Tôi luôn mong chờ một ngoại lệ. Luôn mong chờ một điều thần kỳ đến với riêng cổ phiếu của tôi.

Sau này, khi đã đủ đau đớn để bừng tỉnh, tôi biết tôi đã xử sự thật nghiệp dư. Khi đó tôi không đầu tư, và càng không phải đang đầu cơ. Nó chỉ đơn thuần là tôi đang gửi vào thị trường những tham vọng, gửi vào thị trường những tình cảm cá nhân, những ước mơ đẹp đẽ. Và cầu mong thị truờng thấu hiểu, rồi đáp lại tình cảm nồng nhiệt đó của tôi.

Tôi đợi mãi, đợi mãi. Thị trường vẫn đóng băng, lạnh giá. Thị trường đã không thấu hiểu cho những tình cảm của tôi đã gửi gắm vào nó. Nó thực sự vô cảm.

Năm 2010, tôi đã thua và tiền đã mất. Một mất mát cần thiết trên con đường tích lũy và trải nghiệm. Cần thiết để tôi bớt ảo tưởng về thị trường, cần thiết để tôi dần trở thành một tay đầu cơ chuyên nghiệp.


Mời quý độc giả đón đọc Ký ức 2010 (Phần 2)-Ảo vọng & cuộc chơi chưa đầy 1% cơ hội thắng vào hồi 10h hôm nay.

Tạ Quang Hóa

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên