MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TÔI ĐẦU TƯ: Từ "cặp kính màu hồng" của bà nội trợ đến thị trường chứng khoán

Khi TÔI ĐẦU TƯ, tôi vô tình nhặt được những kiến thức mà trước kia tôi chưa bao giờ quan tâm tới như: sản phẩm mình đang dùng có tốt không, của công ty nào sản xuất, tương lai sản phẩm này cũng như tương lai của công ty như thế nào nếu cứ duy trì chất lượng ở mức này hay nên cải tiến.

Cuộc thi TÔI ĐẦU TƯ do CafeF kết hợp báo Trí Thức trẻ tổ chức đã được khởi động gần 10 ngày. Rất nhiều bài viết dự thi đã được gửi đến ban biên tập chúng tôi. Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của quý độc giả. Chúng tôi sẽ đọc, duyệt, đăng tải dần Bài dự thi của độc giả. Lịch đăng định kỳ vào thứ 2, 4, 6 hàng tuần.

Kỳ này, chúng tôi đăng tải chia sẻ của một bà nội trợ trẻ và con đường đến với thị trường chứng khoán của chị. Mời quý độc giả đón đọc và đừng quên viết và gửi bài dự thi cho chúng tôi về địa chỉ: http://cafef.vn/gui-tin-nhanh.chn và/hoặchuongnguyenthithanh@vccorp.vn (Ms Thanh Hương-04.7309 5555-máy lẻ 320); hainguyenduc@vccorp.vn (Mr. Đức Hải -04.7309 5555-máy lẻ 231)


Làm một bà nội trợ trẻ ở nhà trông con, lo cơm nước cho chồng cũng có nhiều cái thú riêng. Đó là nhận xét của tôi khi tôi tự mua cho chính mình một cặp kính màu hồng đeo vào để nhìn cuộc đời và để đóng tốt vai một bà nội trợ “chuyên nghiệp”.

Tuy nhiên đôi khi tôi ngừng lại, tháo cặp kính màu hồng mà tôi đang đeo xuống, nhìn cuộc đời ở một góc độ khác và bao nỗi lo toan cho gia đình, cho tương lai cứ nối tiếp nhau xuất hiện.

Thu nhập tương đối chỉ có thể đảm bảo cho chúng tôi cuộc sống hiện tại trôi qua êm đềm mỗi ngày, nhưng nếu có biến cố xảy ra với nguồn thu nhập tương đối hằng tháng của gia đình thì chắc chắn gia đình tôi không trụ nổi đến 1 năm, đó là chưa kể tới việc đương đầu với lạm phát, việc cố gắng chạy theo sự vận động tiến lên của xã hội v.v… theo cái vận tốc tôi tính toán thì chừng 5 năm nữa cùng với nguồn thu nhập hiện tại thì chúng tôi phải sống cực kỳ gói ghém mới đủ trang trải cho mọi sinh hoạt phí và còn học phí cho con cái nữa.

Hiện tại thì bé nhà tôi chưa đi học nhưng rồi vì tương lai tươi sáng của con, con tôi chắc chắn rồi cũng sẽ vào cái vòng xoáy học thiệt, học thêm, học kỹ năng mềm, học kỹ năng cứng, học ngoại ngữ, học văn thể mỹ, học cho bằng bạn bằng bè và cho kịp với cái xu hướng đào tạo thần đồng thiên tài thời thượng nữa chứ.

Tôi suy tính, lo lắng rất nhiều cho tương lai, nếu không biết cách làm cho đồng tiền của tôi nở ra theo thời gian thì nếu tôi có dành dụm bao nhiêu đi nữa thì con số đó cũng sẽ bốc hơi đi với nhiều tác động khác nhau và một trong số đó có một tác động mang cái tên đơn giản là lạm phát. Đó là một nguyên lý mà bất kỳ ai cũng biết. Rồi tôi nghĩ tới nhiều kênh đầu tư khác nhau, những kênh an toàn và những kênh rủi ro cao.

Sau nhiều ngày suy nghĩ tôi tôi quyết định chọn những kênh đầu tư tương đối an toàn và một trong những kênh đầu tư tôi chọn đó là đầu tư vào chứng khoán.

Và hành trình của nhà đầu tư của “ngáo ộp” chứng tôi bắt đầu.

Để chuẩn bị tốt cho “phi vụ” làm ăn này, tôi quyết định đăng ký học một khóa đầu tư chứng khoán căn bản qua mạng. Khóa học đã đem đến cho tôi những góc nhìn phân tích đa chiều cho một cổ phiếu và cho một sự việc xảy ra trong cuộc sống, thứ mà tôi vẫn thường hay thiếu sót mà đến tận đến lúc học tôi mới hiểu ra.

Sau thời gian nghiên cứu cái kiến thức căn bản về chứng khoán mà tôi tạm gọi là binh pháp Tôn Tử này vào một ngày nắng đẹp, tôi đã lấy một ít can đảm để đến một công ty môi giới chứng khoán mở tài khoản giao dịch. Bây giờ nghĩ lại, đó đúng là một khoảnh khắc lịch sử mở ra một trang mới trong đời tôi.

Cổ phiếu đầu tiên tôi đặt mua là một mã ngành căn bản đúng theo những gì tôi học, tôi đã chọn MSN mà không theo dõi nhịp lên xuống của thị trường, không đọc chính sách công ty, không xem qua báo cáo công ty hay phân tích những tác động của nền kinh tế đến ngành nghể kinh doanh, tôi chỉ đơn giản tin vào nó là một mã ngành căn bản đang phát triển và hoàn toàn đặt hết niền tin vào nó.

Những hỡi ôi, sau cái ngày tôi mua cổ phiếu đầu tiên, cái ngày nắng đẹp đó cũng chính là cái ngày đỉnh của cổ phiếu đó, hoàn toàn đỉnh tới một năm sau cũng chưa vượt qua, bây giờ tuy đã bán nhưng lâu lâu tôi vẫn nhìn lại mã cổ phiếu đó với ánh mắt đầy cảm xúc và quy luật đầu tiên tôi tự rút ra được là: phải luôn phân tích cổ phiếu trước khi quyết định mua, đừng mang theo quá nhiều cảm xúc đơn thuần.

Sau những ngày đầu tiên giao dịch tài khoản bị lỗ, tôi ngày càng cảnh giác hơn trong trò chơi trí tuệ này, tôi nghiên cứu kỹ từng kía cạnh, theo dõi thông tin công ty, vò đầu bứt tai đọc bản báo cáo tài chính, theo dõi tin tức thị trường vĩ mô, vi mô. Tôi tham gia một số diễn đàn chứng khoán, theo dõi nhịp lên xuống của thị trường rồi mới đặt lệnh mua chứ không hấp tấp đặt lệnh trong hưng phấn như những lần đầu giao dịch nữa.

Sự nhạy bén với tin tức đã giúp tôi có những chuỗi ngày thăng hoa, sau khi đọc được thông tin mà theo phân tích của tôi là rất có lợi cho ngành thủy sản lúc bấy giờ, tôi nhanh chóng đưa ra quyết định mua, tôi đầu tư vào 02 công tuy có ngành nghề liên quan về thủy sản, một mã sau này tăng trưởng rất tốt còn một mã còn lại thì vẫn ì ạch dù thị trường hiện tại cho họ nhiều lợi thế kinh doanh và tôi hiểu ra chính sách cùng với định hướng phát triển của lãnh đạo công ty sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Mù quáng tham cổ tức là một trong những bài học đắt giá nhất mà tôi rút ra, vào mùa cổ tức tôi cũng lên đường đi săn cổ tức như ai, tôi quyết chọn một công ty có mức trả cổ tức cao nhất lúc bấy giờ FDC (2014), lãnh ngay tiền tươi so với mức giử ngân hàng thì quả là hấp dẫn, bỏ ngoài tai những lời khuyên và mặc kệ tín hiệu kỹ thuật không tốt đang phát đi, với tin tưởng đơn giản, công ty có ăn nên làm ra thì mới trả cổ tức cao vậy, những phân tích khác có lẽ không nên tin, ban lãnh đạo chắc chắn là tốt. Trong vụ săn cổ tức năm 2014 tôi hoàn toàn thất bại, cổ tức thì lãnh ngay nhưng bù lại giá cổ phiếu ngày một hạ không thể phục hồi, chẳng bao lâu tôi còn âm luôn cả khoản cổ tức cho phi vụ này.

Yêu nhưng phải vẫn sáng suốt chia tay đây là một chiến thuật nữa được tôi đã ghi vào quyển bí kíp sinh tồn đặc kế cuốn bí kíp nấu ăn của tôi.

Có thời tôi yêu cổ phiếu ITQ vô cùng, mã này đem đến cho tôi cái tình yêu tha thiết vào chứng khoán vào cuộc sống, khi mỗi sớm tôi thức dậy và thấy tài khoản mình ngày một tăng cao, lãi hơn 100% và tôi không biết đâu là điểm dừng chốt lãi. Thế là tôi cứ theo dõi tài khoản như vậy, đi cùng em ITQ đến hết con đường màu xanh. Rồi khi thấy tình hình không ổn tôi bắt đầu bán dần ITQ, ở những ngày cuối cùng tôi phải đặt cả lệnh sàn, tuy nói là ITQ đổ dốc nhưng tôi thu lại một khoảng lãi khá to nhờ mã này.

Cảm giác sống trong vị ngọt chứng khoán là một cảm giác mà tôi may mắn được trải qua. Có lẽ vì cảm giác này mà tôi và tất cả những nhà đầu tư khác điều vất vả mỗi ngày để tìm kiếm, và đôi khi trong quá trình tìm kiếm cái vị ngọt kia với sự tin tưởng tuyệt đối kia làm mờ đi những cân nhắc, coi nhẹ những nguyên tắc của mình để rồi quên đi điểm cắt lỗ cần thiết trong cuôc chơi.

Sau sáu tháng đầu tư ngắn ngủi nhưng có thể nói là đầy thăng trầm đối với tôi, với mức đầu tư 50 triệu ban đầu đến cuối năm 2014 tôi chỉ lãi được 3 triệu.

Con số này so với việc gửi ngân hàng thì có lẽ cũng tốt, nhưng tôi đã phải tốn rất nhiều tâm huyết vào nó, bao nhiêu là công nghiên cứu tìm hiểu của tôi, qua 6 tháng ròng vậy bình quân tôi lãi 500 ngàn cho mỗi tháng, có đủ để trả công nghiên cứu, học hỏi của tôi không? Chưa tính đến chi phí Internet và điện nữa… Kiến tiền bằng cách đầu tư chứng khoán thật không dễ chút nào.

Tôi quyết định dừng lại và suy nghĩ.

Trong khoảng thời gian thị trường nghỉ tết, cũng là khoảng thời gian tôi cân nhắc lại cuộc sống một năm qua của mình và cả việc đầu tư vào chứng khoán. Tôi đã nghĩ rất nhiều và muốn chia sẻ suy nghĩ này của tôi cùng với các bạn trẻ, đặc biệt là các bà nội trợ … trẻ như tôi.

Picture 1
Tôi đã mất gì khi tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán?

Nếu có mất, chắc chắn chỉ có 1 từ duy nhất là TIỀN. Vâng, đầu tư mà, nếu mất thì tiền của bạn sẽ bị mất đây gọi là thua lỗ trong đầu tư.

Nhưng tôi tin chắc tất cả chúng ta và những bà nội trợ với đầu óc đơn giản như tôi thì ai cũng biết cái nguyên tắc không bao giờ bỏ hết trứng vào chung một rổ. Vậy khoản đầu tư mà bạn quyết định bỏ ra hãy ước tính cân bằng đến một khoảng thua lỗ có thể chấp nhập được. Nói cách khác là cái khoảng tiền mà trong tình huống xấu nhất bạn sẽ bị mất đi mà không có tác động quá nhiều đến cuộc sống của bạn của gia đình bạn cũng như không làm bạn phát điên lên rồi bao người phải lo lắng cho bạn.

Tôi đã được gì khi quyết định tham gia đầu tư chứng khoán?

Tôi đã được gì nhỉ, nói nhiều thì cũng không nhiều, nhưng có lẽ mỗi thứ tôi có thêm được một ít.

-Tôi có thêm một ít kiến thức về lĩnh vực chứng khoán, đây là điều đương nhiên rồi và tôi cũng thay đổi một số thói quen như:

-Tôi thích cập nhật thông tin về kinh tế hằng ngày và trở nên nhạy bén hơn với thông tin, tôi thích phân tích xem chính sách của chính phủ sẽ tác động hỗ trợ thế nào cho doanh nghiệp nước ta thay cho một tôi trước đây chỉ thích đọc tin tức của thế giới người mẫu đó đây xa xôi.

-Tôi ít lang thang vô định trên mạng vào thời rảnh của mình hơn, thay vào đó tôi xác định được thông tin mình cần tìm và sử dụng internet hiệu quả hơn.

-Tôi không lãng phí cuộc đời vào các trò chơi điện tử trên thiết bị di động như mọi khi nữa mà tôi phải sử dụng chất xám để nghiên cứu mã cổ phiếu mà tôi để ý.

-Tôi vô tình nhặt được những kiến thức mà trước kia tôi chưa bao giờ quan tâm tới như: sản phẩm mình đang dùng có tốt không, của công ty nào sản xuất, tương lai sản phẩm này cũng như tương lai của công ty như thế nào nếu cứ duy trì chất lượng ở mức này hay nên cải tiến.

Sau nhiều cân nhắc, tôi quyết định tiếp tục đầu tư vào thị trường chứng khoán vì tôi thấy mình có nhiều thay đổi tích cực và nhìn cuộc sống với ánh nhìn nhạy bén hơn. Biết đâu trong những kiến thức tôi vô tình tích góp được đó sẽ giúp tôi đến với một quyết đầu tư khác lớn hơn trong tương lai.

Tôi nhận thấy hiện nước ta đang trong giai đoạn hội nhập phát triển, chính sách nhà nước mở ra ngày càng có lợi cho những doanh nghiệp Việt Nam để kinh doanh, để cạnh tranh và để phát triển. Vậy nếu có một óc quan sát tinh tế các bạn trẻ Việt Nam sẽ biết nên đầu tư vào doanh nghiệp nào để cùng doanh nghiệp phát triển. Các bạn có thể chọn mặt doanh nghiệp để giử vàng. Đầu tư vào chứng khoáng không phải là một trò chơi đỏ đen, nó là một kênh đầu tư trí tuệ. Việc đầu tư của chính bạn ngoài việc tạo ra những cơ hội tốt hơn cho tài khoản của chính bạn gia tăng thì cũng góp phần giúp cho doanh nghiệp và đất nước phát triển nhanh hơn.

Dương Thị Cẩm Tú

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên