“Thiếu minh bạch, công bằng đã làm méo mó môi trường kinh doanh”
Trong một thời gian dài khối FDI đã được trải thảm đỏ từ trung ương đến địa phương; doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên vốn; nhiều doanh nghiệp làm giàu bằng quan hệ. Nếu không tạo ra công bằng, minh bạch thực sự từ cơ quan nhà nước đến đội ngủ doanh nhân thì Việt Nam không thể hội nhập thành công.
- 08-02-2016Cải thiện môi trường kinh doanh: Không dừng lại!
- 22-12-2015Quy định tốt nhất và tồi nhất tác động đến môi trường kinh doanh
Không hội nhập, chúng ta không thấy cái yếu của chính mình
Theo các thành viên/cố vấn cao cấp trong nhóm công tác chuyên đề, “không hội nhập, chúng ta không thấy cái yếu của chính mình.”
Càng hội nhập, yếu kém càng bộc lộ, càng đòi hỏi nghiêm khắc với bản thân. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng chúng ta vẫn còn tụt hậu về nhiều mặt; đồng thời các nước đi trước đang cải cách nhanh và mạnh hơn Việt Nam.
Nhìn nhận từ phía các doanh nghiệp tư nhân, đại diện các doanh nghiệp tham gia thảo luận tại chuyên đề cho rằng, Việt Nam luôn ở thế yếu, yếu cả ở năng suất, trình độ quản trị, công nghệ, đội ngủ quản trị điều hành, năng lực…. ở cả doanh nghiệp và Chính phủ/đội ngủ công quyền.
Đơn cử trong các hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin, thiếu kinh nghiệm trên thị trường nước ngoài nên doanh nghiệp yếu trong ứng phó và ứng biến với tình hình.
Về phía cơ quan nhà nước, các cơ quan tham tán thương mại, ngoại giao của Việt Nam chưa mạnh, không thể phản ứng nhanh như các cơ quan của các nước khác như Hàn Quốc.
Đồng thời, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với cơ quan tham tá thương mại cũng chưa nhịp nhàng.
Ngay trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, một số thành viên của phái đoàn đàm phán vẫn còn “mơ hồ”, “lúng túng”, ngồi vào bàn đàm phán với đối tác nhưng không nắm rõ nội dung đàm phán.
Hay như cán bộ thuế, cán bộ giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế về năng lực chuyên môn, hiểu chưa rõ nội dung văn bản ban hành nên lúng túng khi hướng dẫn và trả lời với các doanh nghiệp, gây mất thời gian, chi phí của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt Nam đa phần xuất phát điểm là doanh nghiệp cở nhỏ, manh mún; thiếu năng lực vốn, công nghệ, uy tín, và quản trị. Đại diện doanh nghiệp thừa nhận điểm yếu của đại đa số doanh nghiệp nghiệp Việt Nam là quản trị nội bộ.
Tuy nhiên, hơn hết chính là việc Chính phủ yếu khi chưa đảm bảo được tính minh bạch và công bằng thực sự giữa các khối doanh nghiệp nên đã tạo ra sự méo trong môi trường kinh doanh.
Trong một thời gian dài khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được trải thảm đỏ đón nhận từ chính quyền trung ương đến địa phương; trong khi đó khối doanh nghiệp nhà nước dễ dàng được tiếp cận vốn, tài nguyên đất đai….; một bộ phận doanh nghiệp tư nhân khác làm giàu nhờ quan hệ.
Điều này khiến cho các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa càng khó khăn hơn trong tìm kiếm cơ hội kinh doanh và vươn lên.
Cần một chính phủ mạnh!
Khi hội nhập, cánh cửa thị trường mở toang sẽ là vận hội của quốc gia nếu vận dụng hữu hiệu, là nguy cơ tụt hậu hơn nữa nếu mãi mê với thành tự đã có. Vì vậy, hội nhập đòi hỏi chính phủ và doanh nghiệp phải liên tục cải cách, liên tục hoàn thiện.
Doanh nghiệp kiến nghị chinh phủ có chính sách đảm bảo sự phát triển, đảm bảo môi trường công bằng, minh bạch; chống chuyển giá; chống ưu đãi hóa làm méo mó môi trường kinh doanh; có biện pháp mạnh với các doanh nghiệp FDI, cũng như các doanh nghiệp được ưu đãi để đạt được cam kết về tỷ lệ nội địa hóa trong xuất khẩu, tỷ lệ sản lượng sản xuất tiêu thụ trong thị trường nội địa và tuân thủ cạnh tranh lành mạnh.
Doanh nghiệp cũng trông đợi chính phủ sẽ liên tục cải cách với thước đo cụ thể như nâng thứ hạng năng lực cạnh tranh trên bản đồ thế giới, nâng cao chỉ số đào tạo và giáo dục quốc gia, thứ hạng môi trường kinh doanh hấp dẫn, đặt mục tiêu hàng năm tăng vài bậc trng bảng tổng sắp thế giới.
Thách thức hội nhập lớn nhất là với công quyền, chính phủ cần liên tục cải thiện về nhận thức, văn hóa, chuẩn mực hành chính công, đối xử minh bạch, cởi mở với doanh nghiệp tư nhân, xóa bất cập, bất lợi vì doanh nghiệp.
“Nếu không tạo ra tính minh bạch thực sự từ cơ quan nhà nước đến đội ngủ doanh nhân thì hội nhập sẽ không thành công”, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen nhấn mạnh.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cũng mong chính phủ chủ động nâng cao năng lực quản trị của chính quyền - nhân tố chủ đạo để kinh tế phát triển.
Bênh cạnh đó, chính phủ cần tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp vận dụng cơ chế của hệ thống thương mại đa biên như chống bán phá giá, các biện pháp kỹ thuật, các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế, khu vực; nâng cao năng lực chống chuyển giá, trốn thuế, thôn tính, cạnh tranh không lành mạnh;
Chính phủ cũng cần tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả trong thực hiện “một điểm dừng”, đăng ký kinh doanh, thông quan, khai thuế, xúc tiến thương mại và đầu tư, hoạch định và thực thi hữu hiệu hơn chính sách an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, an toàn môi trường..., để dịch vụ công và quản trị kinh doanh đuổi kịp và đi trước yêu cầu phát triển.
BizLIVE