MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Cao Đức Phát lên tiếng về việc "không ai muốn làm nông dân"

25-01-2016 - 17:32 PM | Xã hội

Tại Đại hội Đảng 12, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường có phát biểu với báo chí: "Nông dân khổ quá! Nông dân yếu thế quá..."

Tại Đại hội Đảng 12, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường có phát biểu với báo chí: "Nông dân khổ quá! Nông dân yếu thế quá. Vì vậy, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước là rất lớn trong việc đảm bảo một cuộc sống tốt hơn cho người nông dân. Chúng tôi đặt ra vấn đề này, như một tiếng chuông cảnh báo để Đảng nhìn thấy rõ hơn. Tôi đã đề cập tới 5 cái “nhất” mà không ai địch được với nông dân, đó là: hy sinh nhiều nhất; đóng góp nhiều nhất; nghèo nhất; được hưởng lợi ít nhất; bức xúc nhiều nhất. 5 cái "nhất" này là câu trả lời vì sao không ai muốn làm nông dân. Và chúng ta phải giải quyết bằng được bài toán này”.

Bên lề Đại hội Đảng 12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã có buổi gặp gỡ với báo chí, trả lời các câu hỏi xung quanh vấn đề trên.

Trước phát biểu tại Đại hội Đảng 12, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam có đề cập đến vấn đề "bây giờ không ai muốn làm nông dân". Nhiều kiến nghị chính sách cho nông dân nhưng chưa được xem xét. Nông thôn và nông dân bị lợi dụng, biến thành sân sau của công nghiệp, của doanh nghiệp, còn bản thân người nông dân đang nghèo đi, không được hưởng lợi gì mấy. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Trên thực tế, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, thu nhập và cuộc sống của nông dân liên tục được cải thiện. Tuy nhiên sự cải thiện đó không đồng đều giữa các vùng miền. Vùng núi cao, đồng bào dân tộc được cải thiện nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn rất cao, có nơi 30% hoặc hơn.

Sự cải thiện về thu nhập và mức sống của nông dân so với mức trung bình của cả nước, nhất là vùng đô thị, phát triển cải thiện chậm hơn dẫn tới khoảng cách rộng hơn.

Tôi hiểu Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam chủ yếu nói ý này. Vì thế, cần nỗ lực to lớn hơn để thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, để cải thiện đời sống bà con nhanh hơn, để không bị tụt hậu, khoảng cách phát triển giữa các vùng không bị lớn hơn. Tôi hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận như vậy.

Vậy phải làm như thế nào? Cần rất nhiều nỗ lực. Thực tế, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, trong đó có tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hai chương trình song hành và đều nhằm mục tiêu cải thiện đời sống người dân nông thôn. Tái cơ cấu giúp nền nông nghiệp phát triển nhanh hơn, tốt hơn.

Nông thôn mới hướng tới cải thiện toàn diện hơn điều kiện sống của cư dân nông thôn.

Để đạt mục tiêu đó, với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, trọng tâm là tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách.

Cách đây 30 năm, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới, chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Đổi mới bắt đầu từ trong nông nghiệp. Cải cách lớn nhất thực hiện trong nông nghiệp, nông dân là giao ruộng đất cho nông dân sử dụng ổn định, lâu dài.

Trước cải cách đổi mới, ruộng đất tập trung ở hợp tác xã, trong lâm trường. Nay giao cho nông dân sử dụng ổn định, lâu dài. Nông dân từ chỗ là người làm trong hợp tác xã, hưởng công điền nay trở thành người tự chủ trên mảnh đất, được hưởng lợi ích từ mảnh đất đó.

Đã áp dụng cơ chế thị trường với vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra nhưng cũng cần tiếp tục đổi mới để cơ chế thị trường vận hành hiệu quả hơn.

Có thể thấy báo cáo văn kiện Đại hội 12 đã nêu rõ: Tiếp tục xác lập các thị trường đồng bộ, các loại vật tư, sản phẩm phải lưu thông hiệu quả hơn.

Về quyền sử dụng đất, văn kiện Đại hội nói rõ trong nhiệm kỳ tới là xây dựng cơ chế để thị trường quyền sử dụng đất vận hành có hiệu quả, thông qua đó thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, tạo nông dân làm giỏi có ruộng, đặc biệt doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng khác với xây dựng hạ tầng, ở đây phải thực hiện qua cơ chế thị trường, cụ thể là thị trường quyền sử dụng đất.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp hiệu quả hơn, sau nhiều ưu đãi như vậy nhưng người nông dân bỏ quê ra tỉnh rất nhiều. Suy nghĩ của Bộ trưởng về việc này thế nào và phải tham mưu cho Đảng, Nhà nước ra sao để giải quyết tình trạng này?

Có 2 vấn đề. Thứ nhất, việc nông dân tìm việc làm ở khu vực kinh tế phi nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Nhìn các nền kinh tế phát triển hơn sẽ thấy, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm.

Nhật chỉ còn 2,2 triệu nông dân. Mỹ cũng chỉ khoảng 2 triệu nông dân. Việt Nam có 23 triệu người làm trong nông nghiệp, trong khi đó 11 nước đối tác TPP của Việt Nam, theo số liệu do tôi tự tính toán, chỉ có 20,5 triệu nông dân, trong đó Mexico 13,5 triệu. Nông thôn được đô thị hóa cũng là xu hướng tất yếu.

Việt Nam đi lên CNH-HĐH, nền kinh tế chủ yếu sẽ là công nghiệp và dịch vụ. Nhìn Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai... nông nghiệp chỉ còn 5-7%.

Nhưng nông dân chưa có được việc làm ở nhà máy, cơ sở dịch vụ vẫn bỏ ruộng, bỏ quê đi làm các công việc phi chính thức, nhiều rủi ro. Họ có thu nhập cao hơn.

Nhưng tại sao họ không có cuộc sống tốt hơn ở ngay quê hương mình, không phải đi vào khu vực nhiều rủi ro? Đó là vấn đề chúng tôi rất trăn trở. Tất yếu Việt Nam phải tiếp tục đổi mới, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ để tạo việc làm, thu hút lao động nông nghiệp và nông thôn, để đời sống nhân dân cao hơn.

Tiếp tục phát triển ở ngay khu vực nông thôn nhanh và mạnh hơn. Người khó rời nông thôn vẫn có việc làm và đời sống tốt hơn.

Vì thế, nền nông nghiệp cần phát triển mạnh hơn và hiệu quả hơn. Phải có chính sách phát triển công nghiệp và dịch vụ ở ngay vùng nông thôn, không phải lên các đô thị để tìm việc phi nông nghiệp. Phải tiếp tục chương trình nông thôn mới để cải thiện điều kiện sống cho người dân.

Có ý kiến nói nông dân bỏ đi vì nông nghiệp thu nhập thấp. Thực ra có chỗ này chỗ khác, nông dân có thu nhập thấp hơn vì diễn biến thị trường. Nhưng tổng thể năng suất và thu nhập cao lên nhưng không bằng công nghiệp và dịch vụ.

Để triển khai nông thôn mới, người nông dân, đối tượng đáng ra cần được hỗ trợ, tiếp sức thì lại phải góp sức, góp của cùng nhà nước phát triển hạ tầng. Trong khi đó, người dân đô thị không phải chia gánh nặng với nhà nước. Bình luận của ông về vấn đề này?

Thời gian qua, thực hiện nghị quyết của Đảng, cụ thể là Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Đảng cam kết cứ 5 năm, ngân sách tăng gấp đôi.

5 năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã có quyết sách thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng. Ngay cả như vậy, nguồn lực vẫn hạn chế, thấp so với yêu cầu đặt ra. Chính vì vậy, ở nhiều địa phương, chính quyền và các cấp ủy đứng ra tổ chức người dân, bàn bạc và thống nhất sự đóng góp của bà con để thực hiện nhanh hơn, đáp ứng mong đợi.

Trong xây dựng nông thôn mới, bà con góp đất, công sức và cả tiền bạc để xây dựng cơ sở hạ tầng mà bà con cho rằng thiết yếu nhất. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là đóng góp của nhân dân là dân chủ, do dân bàn và quyết định, không được gượng ép, gây khó cho nông dân.

Đúng là thực tế, ở đô thị, nhà nước đầu tư làm đường, hệ thống điện nước đến các khu phố, gần từng gia đình do điều kiện đô thị khác. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là hỗ trợ tối đa cho nông dân. Trong điều kiện khó khăn, cũng phải chấp nhận rằng nông dân tự nguyện đóng góp để thực hiện nhanh hơn một số nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở tự nguyện và dân chủ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Lê Hiền - Trần Huệ

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên