MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tính “hai mặt” của bỏ trần lãi suất

16-02-2017 - 15:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Quy định mới về hoạt động cho vay đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng hơn về lãi suất cho vay khi không có trần lãi suất cho vay cụ thể, từ một số trường hợp đặc thù. Điều này được đánh giá sẽ mang tính “hai mặt”, nhưng lợi nhiều hơn hại trong hoạt động tín dụng hiện nay.

Mặt được

Lãi suất không những là điểm cân bằng cung - cầu mà còn là công cụ điều chỉnh hành vi của các thành phần kinh tế tham gia trên thị trường. Nếu lãi suất thấp, người dân và DN có khuynh hướng vay nhiều, nếu lãi suất cao thì ngược lại. Vì thế, không ít ngân hàng trung ương đặt ra trần lãi suất để đưa thị trường về mức mong muốn.DN càng hoạt động nhiều thì nguồn vốn càng cần nhiều nên sẽ tìm đến tín dụng ngân hàng. Do đó, việc thả nổi lãi suất có thể đẩy lãi suất lên rất cao, khiến nhiều thành phần kinh tế không thể vay được vì chi phí vay quá lớn. Nhưng khi lãi suất hạ xuống quá thấp, người dân và DN lại ào ào đi vay khiến hệ lụy là gia tăng lạm phát. Vì thế, phải có biện pháp để duy trì lãi suất ở mức quân bình.

TS. Nguyễn Trí Hiếu:

Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng được NHNN ban hành từ cuối năm 2016 và có hiệu lực thi hành từ 15/3/2017, thay thế cho 8 văn bản thông tư, quyết định trước đó của NHNN. Điểm mới được chú ý nhất tại thông tư này là quy định về lãi suất cho vay. Theo đó, TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp áp dụng mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 5 lĩnh vực ưu tiên do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ.

Đó là nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án kinh doanh hàng XK theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại; phục vụ kinh doanh của DN nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh của DN ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao. Như vậy, quy định về trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thuộc các lĩnh vực ưu tiên quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

Cùng thời điểm với quy định này, NHNN cũng ban hành Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Theo đó, lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của NHNN về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Có thể thấy, những quy định nêu trên đã “đập tan” những tranh cãi trước đây về mức trần lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ đầu năm nay.

Theo nhận định của chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, với thông tư mới này của NHNN, lãi suất cho vay trên thị trường hầu như đã được thả nổi hoàn toàn. Điều này đã giúp Việt Nam phù hợp hơn với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Lãi suất được đánh giá theo cung - cầu của thị trường, phản ánh sự vận hành của thị trường, được xem như “giá” của việc sử dụng đồng tiền. Trên lý thuyến, bất cứ “giá” nào bị khống chế, áp đặt đều khiến thị trường bị méo mó, đi ra ngoài “đường biểu diễn” cung – cầu thị trường.

Mặt gây lo ngại

Nhận định về diễn biến lãi suất trong năm 2017, nhóm chuyên gia kinh tế của MarketIntello Vietnam cho rằng, mặt bằng lãi suất có thể sẽ giảm trong những tháng đầu năm do NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ mở rộng làm thanh khoản hệ thống dồi dào trở lại. Tuy nhiên, tính chung cả năm, mặt bằng lãi suất sẽ được giữ ở mức ngang với năm 2016 nhờ tác động từ NHNN và Chính phủ. Tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ duy trì ở mức 17-18% trong năm 2017 do nền kinh tế còn yếu.

Trong thời gian qua, việc giữ ổn định lãi suất, khuyến khích các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay luôn được NHNN đặt làm mục tiêu trọng tâm. Nhờ đó, nhiều chính sách, biện pháp được thực hiện. Nhưng theo quy định của NHNN, lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng Việt Nam vẫn đang được duy trì mức trần đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất tiền gửi bằng USD được hạn chế ở mức 0%/năm cho tất cả các kỳ hạn. Điều này khiến nhiều chuyên gia đặt ra mong muốn về việc dỡ bỏ hoàn toàn trần lãi suất.

Tuy nhiên, việc này nếu được thực hiện thì một mặt tạo được hiệu ứng tích cực về nền kinh tế thị trường như đã nói ở trên, nhưng mặt khác, sẽ gây ra những lo ngại nếu không có các biện pháp điều tiết hợp lý và hiệu quả.

Về vấn đề này. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, lãi suất không những là điểm cân bằng cung - cầu mà còn là công cụ điều chỉnh hành vi của các thành phần kinh tế tham gia trên thị trường. Nếu lãi suất thấp, người dân và DN có khuynh hướng vay nhiều, nếu lãi suất cao thì ngược lại. Vì thế, không ít ngân hàng trung ương đặt ra trần lãi suất để đưa thị trường về mức mong muốn.

“DN càng hoạt động nhiều thì nguồn vốn càng cần nhiều nên sẽ tìm đến tín dụng ngân hàng. Do đó, việc thả nổi lãi suất có thể đẩy lãi suất lên rất cao, khiến nhiều thành phần kinh tế không thể vay được vì chi phí vay quá lớn. Nhưng khi lãi suất hạ xuống quá thấp, người dân và DN lại ào ào đi vay khiến hệ lụy là gia tăng lạm phát. Vì thế, phải có biện pháp để duy trì lãi suất ở mức quân bình”, TS. Hiếu nhận định.

Tuy vậy, điểm đáng mừng là Thông tư 39/2016/TT-NHNN không những nói rõ hơn về vấn đề lãi suất mà còn đưa ra những quy định về trình tự cho vay, về quyền và nghĩa vụ của người đi vay và bên cho vay nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay và bảo vệ quyền lợi của người vay.

Nhìn chung, vấn đề nào cũng có thể có tính hai mặt. Do đó, điều quan trọng là khả năng điều hành của cơ quan lãnh đạo và niềm tin thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, với những kết quả đã đạt điều về điều hành chính sách tiền tệ và lạm phát của NHNN, việc tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn trần lãi suất là điều nên tính tới và sẽ được thực hiện thành công.

Theo Hương Dịu

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên