MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tính “hút” 500 tấn vàng qua Sở giao dịch, nhưng liệu vàng trong dân có còn?

23-05-2016 - 09:34 AM | Tài chính - ngân hàng

TS. Bùi Quang Tín tính toán, 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện đang nắm khoảng 72% trong số 500 tấn, số vàng trong các ngân hàng khoảng 1%. Số vàng còn lại trong dân cũng không hoàn toàn "ngủ yên" trong két sắt mà được giao dịch qua lại...

Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến xung quanh về chủ đề đã được đề cập cách đây hơn 8 năm “thu hút 500 tấn vàng trong dân” và “thành lập Sở giao dịch vàng Quốc gia”.

Theo Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, 500 tấn vàng hiện đang nằm trong dân được tính toán dựa vào thống kê của Hội đồng vàng thế giới và thông qua các kênh giao dịch mua bán đồng thời căn cứ theo các tờ khai xuất nhập k hẩu. Hiệp hội đã kiến nghị Ngân hàng nhà nước (NHNN) nên thành lập Sở giao dịch vàng Quốc gia để thu hút lượng vàng này trong dân cho mục tiêu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có 2 vấn đề đặt ra là: người dân đang cất giữ bao nhiêu vàng trong két sắt? và có nên thành lập Sở giao dịch vàng thời điểm này để thu hút vàng trong dân?.

Vàng trong dân liệu có còn ?

Theo số liệu của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, hiện nay Việt Nam có khoảng 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng. Cứ tính trung bình mỗi doanh nghiệp có số vốn kinh doanh khoảng 800 lượng vàng 9999 thì tổng số vàng mà các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang nắm giữ khoảng 9,6 triệu lượng vàng 9999. Lúc đó, với số lượng 500 tấn vàng, tương đương 13,33 triệu lượng vàng 9999, số vàng nằm ở các doanh nghiệp này chiếm khoảng 72%. Ngoài ra theo tính toán của người viết, dựa vào Báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM) quý I/2016, số lượng vàng SJC trong hệ thống ngân hàng chiếm dưới 1% trong tổng số 500 tấn vàng.

Do đó, còn khoảng gần 27% trong số 500 tấn vàng là nằm trong dân. Tuy nhiên, số lượng vàng này không phải nằm ở két sắt của người dân mà do thời gian qua họ cũng đã bán ra phần lớn trong số đó để kinh doanh, nhất là trong thời kỳ đỉnh điểm giá vàng lên cao cùng với thời điểm thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt và bất động sản sôi động. Cùng với đó, chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian vừa qua phù hợp nên đã triệt tiêu tâm lý đầu cơ vàng trong dân. Vì thế, số vàng còn nằm trong két sắt của người dân hiện thực chất chỉ còn khoảng 5 - 10% của 500 tấn mà thôi.

Có nên thành lập Sở giao dịch vàng thời điểm này?

Theo quan điểm của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, Sở giao dịch vàng quốc gia góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng; loại bỏ những loại hình giao dịch vàng bất hợp pháp; giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua việc thu thuế của các tổ chức, cá nhân giao dịch vàng; cơ quan chức năng có thể giám sát, quản lý được lượng giao dịch vàng để điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Đặc biệt, thông qua Sở giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

Rõ ràng, việc thành lập Sở giao dịch vàng là cần thiết. Tuy nhiên, thực hiện được việc này là không hề dễ dàng bởi chúng ta cần phải có nhiều điều kiện để có thể giúp cho Sở giao dịch vàng hoạt động hiệu quả cho các chủ thể tham gia, trong đó phải kể đến 3 điều kiện chính sau:

Thứ nhất: Cần nghiên cứu kỹ lưỡng các mô hình sàn giao dịch vàng quốc tế

Nếu nhìn ra thế giới về sự phát triển của các mô hình sàn vàng, chúng ta nhận thấy rằng, để có được sự hoàn thiện như hiện nay, các Sở giao dịch hàng hoá (trong đó có vàng hoặc độc lập) đã có một bề dày lịch sử hình thành và phát triển tương đối dài, có khi tới hàng trăm năm.

Theo kinh nghiệm tại các nền kinh tế phát triển, mô hình sàn vàng tập trung và độc lập tương đối (về tài chính) và thông thường là một định chế riêng biệt theo kiểu mô hình Sàn giao dịch hàng hóa (như COMEX ở Mỹ) hoặc sàn giao dịch vàng ở Anh... Mô hình này có thể là tổ chức kinh doanh (thu lợi nhuận) khi thị trường đã phát triển và hệ thống khuôn khổ pháp lý đã tốt.

Tuy nhiên cũng có mô hình hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận (phổ biến khi chưa đủ khuôn khổ pháp luật). Mô hình giao dịch hàng hóa ở Nhật Bản (TOCOM) là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo Luật Sở giao dịch ban hành từ năm 1950 (Commodity Exchange Law - 1950). Tại NewYork có sàn giao dịch hàng hóa NYMEX có độ thâm niên 135 năm.

Cho dù mô hình quản trị có khác nhau (kể cả sở hữu) nhưng nhìn chung nguyên tắc hoạt động của nó là đảm bảo tính độc lập, tính minh bạch... nhằm hạn chế các gian lận trong giao dịch như giao dịch nội gián, làm giá và các trục lợi khác. Xét trên phương diện nào đó mô hình giao dịch vàng tài khoản tại các Sở giao dịch vàng hoặc Sở giao dịch hàng hoá được tổ chức về mặt kỹ thuật theo kiểu một trung tâm thanh toán bù trừ điện tử hoặc tổ chức như một Sở giao dịch chứng khoán, nên mức độ minh bạch rất cao và tránh được các rủi ro của các đối tác như mất khả năng thanh toán...

Kinh doanh vàng trên thế giới có nhiều hình thức: kinh doanh mua/ bán vàng trang sức mỹ nghệ; kinh doanh vàng miếng; kinh doanh vàng trên Sở giao dịch hàng hóa chính thức; xuất/ nhập khẩu vàng trang sức mỹ nghệ hoặc vàng nguyên liệu dưới dạng hạt, thỏi, miếng... Một số Sở giao dịch hàng hóa lớn có giao dịch vàng trên thế giới hiện nay như: New York Mercantile, Dubai Gold & Commondities Exchange, Hong Kong Mercantile...

Tuy nhiên, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng trên Sở giao dịch cũng rất khác nhau ở mỗi quốc gia tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi quốc gia như: đồng tiền nội tệ là đồng tiền chuyển đổi hoặc không chuyển đổi; giá trị đồng nội tệ ổn định hoặc không ổn định; là quốc gia có vàng chủ yếu từ nguồn sản xuất, khai thác vàng trong nước hoặc từ nhập khẩu; dự trữ ngoại hối của quốc gia cao hoặc thấp…Trên cơ sở đó, tùy từng nước, tùy từng giai đoạn phát triển, Nhà nước có quy định kiểm soát chặt chẽ hoặc nới lỏng đối với hoạt động kinh doanh vàng trên Sở giao dịch.

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực trạng ở Việt Nam hiện nay thì mô hình sàn vàng ở Việt Nam cần nên theo hướng từ trung tâm tới Sở giao dịch vàng. Nhà nước (bao gồm NHNN và Bộ Công Thương) cần đứng ra xây dựng cơ sở pháp lý cho trung tâm giao dịch (bao gồm cơ chế hoạt động, quy chế giao dịch, tổ chức lưu ký vàng tài khoản và vàng vật chất, hệ thống nhận lệnh, khớp lệnh...).

Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng cùng với cơ quan quản lý thống nhất và công nhận một số điều kiện và chuẩn mực giao dịch vàng như: hệ thống tài khoản vàng giao dịch, đơn vị hạch toán (là lượng hay oz), điều kiện về vàng trong giao dịch (vàng miếng loại nào, do hãng nào đúc...), điều kiện giao hàng (tối thiểu là bao nhiêu vàng vật chất), các giao dịch nào thực hiện qua trung tâm (giao ngay, giao sau, quyền lựa chọn vàng, giao dịch kiểu margin trading..); vay vàng thế nào, ứng trước ra sao…

Thứ hai: Hoàn thiện quy trình kiểm soát rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng trên Sở giao dịch

Trước thời điểm NHNN ban hành Thông tư số 01/2010/TT-NHNN bãi bỏ việc thực hiện Quyết định số 03/2006/QĐ-NHNN về kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, một số NHTM đã tự phát lập sàn vàng. Ở giai đoạn phát triển cao vào cuối năm 2008, năm 2009, các sàn vàng đã biến tướng, việc kinh doanh không gắn với vàng vật chất mà thực chất là cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước và đây là loại hình kinh doanh chênh lệch giá (margin trading) và các sàn còn cho phép nhà đầu tư sử dụng đòn bảy tài chính rất cao. Đây là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro rất cao cho cả nhà đầu tư và cho chính các đơn vị kinh doanh sàn vàng đã từng xảy ra trong quá khứ.

Ngoài ra, việc thực hiện giao dịch vàng tại các sàn giao dịch vàng của Việt Nam thời gian qua có thể có rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân do thông tin và cơ chế giao dịch không hoàn toàn minh bạch; chủ sàn vừa làm môi giới mua/ bán vàng, vừa trực tiếp kinh doanh vàng. Do đó, để thành lập Sở giao dịch vàng, thì Nhà nước cần hoàn thiện mô hình kiểm soát rủi ro phải thực sự hiệu quả và an toàn, trong đó:

Về phía Nhà nước: cần ban hành văn bản pháp lý về kinh doanh sàn vàng hoàn chỉnh; thành lập Ủy ban giám sát thị trường kinh doanh vàng trên sàn, cơ quan này chịu sự quản lý của NHNN đồng thời thành lập Trung tâm lưu ký vàng nhằm tập trung quản lý vàng về chung đầu mối; NHNN tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh trên sàn vàng, có biện pháp kịp thời ổn định thị trường; hàng tháng, quý cần yêu cầu các sàn vàng phải báo cáo thường xuyên về NHNN.

Về phía nhà đầu tư: cần có khả năng dự đoán giá vàng trên thế giới thông qua việc phân tích các thông số kinh tế của các nước; nếu nhà đầu tư chưa am hiểu cặn kẽ về kinh doanh sàn vàng cần có chuyên gia tư vấn, hỗ trợ xây dựng danh mục đầu tư hợp lý cùng với kết hợp các sản phẩm phái sinh để hạn chế rủi ro và có thể đạt mức sinh lời có thể chấp nhận được, nhưng vẫn đảm bảo an toàn về vốn; nhà đầu tư kinh doanh vàng cần thiết phải xây dựng phương án kinh doanh, đầu tư và phương án tài chính, cách thức hành động nhằm đạt được kỳ vọng mong đợi.

Thứ ba: Giữ ổn định tỷ giá USD/VND

Thực tế, trong thời gian qua, các sàn giao dịch vàng đều thực hiện hoạt động mua, bán với nhà đầu tư qua các phương thức:

Một là, Chủ sàn trực tiếp mua bán vàng với nhà đầu tư và phòng ngừa rủi ro bằng việc chuyển trạng thái ra nước ngoài thông qua hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của chủ sàn.

Hai là, Chủ sàn nhận lệnh của nhà đầu tư và chuyển lệnh ra nước ngoài thông qua hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của chủ sàn.

Ba là, Các nhà đầu tư trực tiếp mua bán vàng trên tài khoản với nhau thông qua hình thức khớp lệnh tập trung.

Đối với hình thức giao dịch (i) và (ii) thì về bản chất chủ sàn cho phép nhà đầu tư thực hiện mua bán vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Hay nói cách khác, đây là hoạt động đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư trong nước. Khi nhà đầu tư trong nước tính toán sai/ thua lỗ, mất ngoại tệ ra nước ngoài là không tránh khỏi, và từ đó sẽ tạo thêm sức ép rất lớn lên tỷ giá USD/VND. Do đó, việc thành lập và hoạt động của Sở giao dịch vàng Quốc gia phải đảm bảo sự ổn định của tỷ giá và từ đó giúp ổn định thị trường tài chính ngân hàng trong nước.

Với các phân tích ở trên, người viết cho rằng, số lượng vàng còn trong dân là không nhiều, do đó việc thành lập Sở giao dịch vàng nhằm thu hút vàng trong dân không còn là giải pháp cấp bách trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, việc thành lập Sở giao dịch vàng luôn là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế và các cơ quan chức năng cần có thời gian chuẩn bị đầy đủ và chu đáo về các điều kiện như đã đề cập: cần nghiên cứu kỹ lưỡng các mô hình sàn giao dịch vàng quốc tế, hoàn thiện quy trình kiểm soát tốt rủi ro trong hoạt động kinh doanh trên Sở giao dịch vàng và giữ ổn định tỷ giá USD/VND.

TS. Bùi Quang Tín

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên