Tp.HCM dẫn đầu về thu hút vốn FDI
Sau 30 năm, Tp.HCM đã có 7.494 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có hiệu lực, với tổng vốn đầu tư khoảng 44,5 tỷ USD...
- 29-01-2018Việt Nam đón 166 dự án FDI đầu tiên trong năm 2018
- 29-03-2017Hải Phòng có thêm 6 dự án FDI, mức đầu tư gần 60 triệu USD
- 06-10-2016Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Tôi thực sự giật mình với con số 1.750 dự án FDI làm phân phối"
Trong chặng đường 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Tp.HCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI nhờ sức hút từ những ưu thế về mặt địa lý kinh tế - xã hội.
7.494 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có hiệu lực, với tổng vốn đầu tư khoảng 44,5 tỷ USD là những con số "ấn tượng" trong thu hút của Tp.HCM được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thống kê sau 30 năm kể từ ngày 1/1/1988 khi nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia hoạt động tại Việt Nam.
Nơi xuất hiện những "mô hình mẫu" cả nước
Với 44,5 tỷ USD chiếm khoảng 13,9% tổng vốn FDI của cả nước, Tp.HCM chính thức giữ "ngôi vương" trong bảng xếp hạng 30 năm thu hút FDI của cả nước.
Trong chặng đường ấy, nhiều lúc thứ hạng của Tp.HCM bị thay đổi nhưng chưa bao giờ Tp.HCM rời xa vị trí "Top 10" địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.
Không khó để lý giải vì sao Tp.HCM lại "khó" tụt hạng như vậy. Đó chính là bởi sự đóng góp của những dự án "tỷ đô", những dự án tổ hợp sản xuất quy mô lớn... tạo ra "cú huých" cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu của thành phố.
Thậm chí, nhiều chuyên gia còn ví von điểm "thú vị" trong thu hút đầu tư của Tp.HCM so với những địa phương khác là tạo ra những "mô hình mẫu" đầu tiên trong cả nước.
Khu chế xuất Tân Thuận chính là "mô hình mẫu" đầu tiên mà Tp.HCM tạo dựng được. Đây cũng được coi là điểm mốc đánh dấu sự thành công của thu hút FDI tại Tp.HCM với sự ra đời của các khu chế xuất - khu công nghiệp đầu tiên trên cả nước. Ngay từ những ngày đầu mới hình thành vào năm 1991, Tân Thuận đã thu hút trên 100 doanh nghiệp đến đầu tư vào đây và đang trở thành một khu chế xuất kiểu mẫu, giá trị sản xuất và xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất cao.
Các khu chế xuất - khu công nghiệp đã biến đổi trên 3.500 hecta đất nông nghiệp nhiễm phèn, nhiễm mặn, năng suất thấp trở thành vùng đất công nghiệp có đủ điện nước, có đường giao thông thuận lợi, tạo ra công ăn việc làm cho 250.000 người lao động đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Từ làn sóng này, Tp.HCM cũng trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước trong việc đón những "ông lớn" đến đầu tư như Intel, BP, Samsung, Toshiba, Mercedes, Isuzu, Nidec... và tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất, phát triển.
Song chặng đường ấy không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Một cán bộ trong ngành kế hoạch và đầu tư Tp.HCM cho biết, nhiều lúc vị trí dẫn đầu của thành phố đã bị lung lay bởi những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu cũng như những khó khăn nội tại của thành phố.
"Tuy vậy, sau nhiều nỗ lực, Tp.HCM vẫn vươn lên trở thành cánh chim đầu đàn trong hút vốn FDI từ bên ngoài", vị này cho hay.
Diễn biến trong thu hút FDI 3 tháng đầu năm 2018 tiếp tục cho thấy những nỗ lực của Tp.HCM.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong quý I/2018, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (cấp mới, tăng vốn) và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, Tp.HCM thu hút được 1,702 tỷ USD (tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2017) và tiếp tục ở vị thế dẫn đầu cả nước.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Khi nhìn nhận về con số thu hút đầu tư trong quý I/2018, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM đánh giá, tình hình FDI tiếp tục tăng mạnh về số lượng và vốn đầu tư.
Nhưng ông đã đặc biệt lưu ý tới hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Ngọc Anh, phần vốn này tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ; tập trung vào những lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm như: dịch vụ kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (46,6%), tiếp theo là dịch vụ khoa học công nghệ chiếm 19% và dịch vụ du lịch lữ hành chiếm 8,5%.
Vì thế, không quá khó hiểu khi một trong những giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư của Tp.HCM trong thời gian tới là việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, ngành kế hoạch và đầu tư thành phố tiếp tục triển khai phục vụ đăng ký đầu tư trực tuyến - góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài khi có nhu cầu góp vốn vào doanh nghiệp tại thành phố và chương trình đăng ký đầu tư trực tuyến giai đoạn 2 áp dụng cho thủ tục cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Nhưng theo ông Ngọc Anh, đây chỉ là một phần của kế hoạch hút vốn từ bên ngoài của Tp.HCM. Trong chặng đường tới đây, thành phố sẽ tiếp tục xem xét những giải pháp liên quan tới lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản do nhu cầu thuê nhà vẫn tiếp tục tăng cao và khả năng phát triển dịch vụ kinh doanh bất động sản vẫn thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất.
Bên cạnh đó, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, du lịch, cải tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng để Tp.HCM tiếp tục thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
* Liên hoan các doanh nghiệp Rồng vàng và Thương hiệu mạnh do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 13-14/4. Sự kiện diễn ra vào đúng dịp Việt Nam kỷ niệm 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); vì vậy, cùng với việc vinh doanh các doanh nghiệp FDI có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, 10 địa phương thu hút vốn nhiều nhất cả nước cũng sẽ được vinh danh nhằm ghi nhận những nỗ lực trong cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư...
Vneconomy