Trung Quốc đang phải vật lộn trước cảnh các nhà máy chạy sang Việt Nam, Indonesia
“Khi quốc gia bạn giàu có hơn, thị trường sẽ dịch chuyển lên một nấc mới trong chuỗi sản xuất và hầu như các nền kinh tế sẽ loại bỏ dần những ngành sản xuất kỹ thuật thấp. Tuy nhiên, số liệu cho thấy điều này không xảy ra với Trung Quốc như các nước khác” - Chuyên gia Karlis Smits của World Bank nói.
- 10-06-2016Chính xác mà nói: Trung Quốc không phải “một” nền kinh tế
- 09-06-2016Vì sao các nhà đầu tư Trung Quốc đổ xô đến châu Âu?
- 09-06-2016Kinh tế Trung Quốc đón tín hiệu tích cực
Xu thế dịch chuyển sản xuất sang thị trường Đông Nam Á từ Trung Quốc đã khiến chính quyền Bắc Kinh vô cùng lo lắng.
Hiện Trung Quốc đang e ngại về tình trạng dịch chuyển những nhà máy sản xuất sản phẩm kỹ thuật thấp sang các nước có chi phí thấp khác, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á. Trớ trêu thay, quốc gia này cũng muốn nâng thu nhập lao động và thúc đẩy tiêu dùng nhằm phát triển những ngành sản xuất công nghệ cao như công nghệ bán dẫn hay robot.
Trước tình hình đó, chính phủ Trung Quốc đã thiết lập những quy định nhằm cố gắng giữ mức tiền lương không tăng quá nhanh trong những ngành sản xuất kỹ thuật thấp để giữ lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, chính quyền Bắc Kinh cũng thúc đẩy việc tăng lương cho các nhà máy thuộc lĩnh vực công nghệ cao nhằm xây dựng một nền kinh tế tập trung cho thị trường tiêu dùng như kế hoạch.
Đối phó với Đông Nam Á
Hiện Trung Quốc không hề công bố số nhá máy hay công ty phải đóng cửa do ảnh hưởng từ xu thế dịch chuyển sản xuất giá rẻ sang nước khác. Tuy nhiên, số liệu của trường đại học bách khoa Hồng Kông (HKPU) cho thấy số nhà máy gần khu trung tam công nghiệp Vịnh Ngọc Trai (PRD) đã giảm 1/3 xuống 32,000 nhà máy năm 2013 so với mức đỉnh hồi năm 2006. Hầu hết những nhà máy này chuyển sang các thị trường có chi phí rẻ hơn.
Theo hãng nghiên cứu BMI Research, chi phí nhân công tại Trung Quốc tăng nhanh hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát tại nước này trong những năm gần đây và tăng nhanh gấp 4 lần so với các nước khác như Bangladesh, Lào, Campuchia hay Myanmar.
Đặc biệt, nhiều nhà máy dệt may vô cùng ưa thích dịch chuyển sang Việt Nam khi chi phí lao động tại đây thấp hơn và quốc gia này mới ký nhiều hiệp định thương mại tự do.
Tổng giám đốc Wang Wei của công ty Guangzhou Weihong Footwear Industrial nhận định việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam hiện đang là một xu thế tất yếu. Công ty này đã mở nhà máy tại tỉnh Thuận An-Việt Nam vào năm 2013 và đang sản xuất gia công giày cho các hãng Nike, Adidas hay Puma.
Hiện ông Weihong đang có kế hoạch xây dựng nhà máy giày dép thứ 2 tại Việt Nam và chuyển thêm một số nhà máy dệt tại Trung Quốc về đây để tận dụng các lợi thế về chi phí và tự do thương mại.
Số liệu của HSBC cho thấy tổng sản lượng của ngành sản xuất Trung Quốc chiếm tới 25% toàn cầu vào năm 2015, cao hơn nhiều so với mức 7% của năm 2000. Rõ ràng, ngành sản xuất đang chiếm vai trò chủ chốt trong nền kinh tế và chính quyền Bắc Kinh buộc phải có biện pháp để đối phó với xu thế dịch chuyển này.
Theo đó, Trung Quốc đã cung cấp một loạt các ưu đãi cho những nhà máy sản xuất dịch chuyển đến các thành phố hay khu vực miền Tây và trung tâm Trung Quốc, nơi có mức lương công nhân thấp hơn 30% so với các tỉnh phía Đông.
Dẫu vậy, những khu vực này có khó khăn về giao thông và cũng không thực sự thuận tiện cho việc xuất nhập khẩu sản phẩm sản xuất sang các nước khác.
Điều này khác với Việt Nam khi có đường ven biển dài với nhiều bến cảng, vô cùng thích hợp cho hoạt động sản xuất sản phẩm cho xuất nhập khẩu.
Mới đây, tỉnh Tân Cương miền Tây Trung Quốc, nơi trồng sợi bông chủ yếu trong khu vực đã đầu tư 20 tỷ Nhân dân tệ (3 tỷ USD) nhằm giảm thuế, giá thuê đất cũng như chi phí cơ sở hạ tầng nhằm thu hút các nhà máy dệt may.
Mặc dù vậy, sức hút của Tân Cương cũng khó tăng lên khi tình hình địa chính trị tại đây có những bất ổn với các xung đột về sắc tộc giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ.
Phó Tổng Giám đốc Hu Yiteng của công ty dệt may Flying Eagle Textile nhận định chính phủ Trung Quốc đang có những chính sách “điên rồ” để hỗ trợ kinh tế tỉnh Tân Cương cũng như đối với ngành dệt may.
Chuyên gia kinh tế Karlis Smits của ngân hàng thế giới (World Bank-WB) cũng cho rằng Trung Quốc đang làm mọi điều có thể để giữ chân các nhà máy sản xuất kỹ thuật thấp trước đà tăng trưởng mạnh mẽ của các thị trường láng giềng. Hiện nước này đang tận dụng các khoản ưu đãi, lợi thế thị trường lớn và một cơ sở hạ tầng được đầu tư khủng để níu kéo các nhà máy.
“Khi quốc gia bạn giàu có hơn, thị trường sẽ dịch chuyển lên một nấc mới trong chuỗi sản xuất và hầu như các nền kinh tế sẽ loại bỏ dần những ngành sản xuất lỹ thuật thấp. Tuy nhiên, số liệu cho thấy điều này không xảy ra với Trung Quốc như các nước khác,” ông Smits nói.
Chuẩn bị tuyên chiến với Phương Tây
Cùng với việc níu kéo các ngành sản xuất thấp, Trung Quốc cũng thúc đẩy những ngành công nghệ cao, tăng cường đầu tư cho kỹ thuật cũng như tạo điệu kiện ưu đãi cho các ngành sản xuất sản phẩm giá trị cao.
Hơn nữa, chính quyền Bắc Kinh cũng tích cực ủng hộ việc các công ty trong nước mua lại và sáp nhập với những doanh nghiệp Châu Âu hay Mỹ nhằm tận dụng lợi thế kỹ thuật của họ.
Mới đây, Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tăng trưởng 7% hàng năm cho ngành sản xuất và 15% cho việc đầu tư sáp nhập các công ty để hỗ trợ ngành công nghiệp từ nay đến năm 2018.
Trung Quốc đang tăng cường đầu tư cho các nhà máy ngành công nghệ và bán dẫn
Số liệu của HSBC cho thấy tỷ lệ xuất khẩu của các sản phẩm máy móc và thiết bị vận tải của Trung Quốc trong tổng số đã tăng từ mức bình quân 21% trong khoảng 1995-2015 lên 46% hiện nay, nhưng tỷ lệ xuất khẩu của các mặt hàng giá trị thấp trong tổng số lại suy giảm.
Nếu Trung Quốc thành công chuyển đổi ngành công nghiệp từ công nghệ thấp lên kỹ thuật cao và đủ sức cạnh tranh với các nước Phương Tây thì không có gì để nói. Tuy nhiên, nếu chính quyền Bắc Kinh thất bại trong việc đó trong khi giá nhân công tiếp tục tăng, nền kinh tế này có thể bị kẹt trong cái bẫy “thu nhập trung bình”.
Khi đó, ngành công nghệ cao của Trung Quốc không đủ sức cạnh tranh với Phương Tây trong khi ngành sản xuất kỹ thuật thấp lại dịch chuyển sang các thị trường khác, để lại hàng triệu lao động thất nghiệp và tạo nên những bất ổn to lớn về kinh tế-xã hội.
Xu thế dịch chuyển sản xuất, mất việc làm và nhà máy đóng cửa đang khiến nhiều người dân Trung Quốc lo lắng.
Trên các phương tiện truyền thông chính thống, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc được công bố vào khoảng 4% và mức này đã được giữ liên tục trong 20 năm qua. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng tỷ lệ thực tế cao hơn nhiều.
Số liệu của China Labour Bulletin cho thấy trong quý I/2016, Trung Quốc đã có 877 cuộc biểu tình của công nhân, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Trên các trang mạng xã hội, hàng loạt diễn đàn thảo luận về xu thế dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, với những ngành sản xuất công nghệ thấp đến các nước Đông Nam Á trong khi các ngành kỹ thuật cao đến Bắc Mỹ và Châu Âu. Rõ ràng, việc hàng trăm nghìn người Trung Quốc mất việc và xu thế này còn đang tiếp tục đang khiến người dân vô cùng lo lắng về khả năng suy thoái của nền kinh tế này.
Trí thức trẻ/CafeBiz