MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước thềm EVFTA: 'Cơ hội thì nhiều nhưng nắm bắt cơ hội cũng là thách thức rất lớn'

Sáng 31/7, tại Diễn đàn Hợp tác thương mại và công nghiệp với các đối tác EU 2020, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: Hiệp định này không chỉ thu hút đầu tư các nước đối tác, mà còn thu hút các làn sóng đầu tư từ các nước nằm ngoài Hiệp định.

Về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu âu (EVFTA), ông Lê Kỳ Anh, cán bộ phụ trách Kinh tế và Thương mại - Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, sau Singapore, Việt Nam là quốc gia thứ 2 trong ASEAN ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. 

Ông cho rằng điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì trước đó, Singapore thông qua Hiệp định thương mại tự do chỉ với mục đích giao thương hàng hoá. Còn Việt Nam từ năm 2017 đã lọt vào top 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào thị trường châu Âu. 

Ông Kỳ Anh nói thêm: "Chỉ còn mười mấy tiếng nữa là Hiệp định có hiệu lực. Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế trong việc trở thành quốc gia đi đầu trong ASEAN khi so với các nước cạnh tranh trực diện".

Ông Lê Kỳ Anh cũng đề cập sự thay đổi này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với nguồn lao động của Việt Nam. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam cần tạo thêm 1,5 triệu công ăn việc làm tham gia vào lực lượng lao động. 

Khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, sẽ có sự chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng quản lý đồng thời tăng tính cạnh tranh trong nguồn nhân lực.

Thêm vào đó, ông Kỳ Anh cũng nhấn mạnh rằng EVFTA không chỉ thu hút đầu tư từ các nước châu Âu, mà sẽ thu hút đầu tư từ các quốc gia nằm ngoài Hiệp định. Điển hình như làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, và nhiều quốc gia khác vào Việt Nam, thậm chí trước khi Hiệp định được ký kết và có hiệu lực. 

Ông Kỳ Anh chia sẻ: "Để đảm bảo chương về thuận lợi hoá thương mại sẽ được thực thi một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất cũng như đảm bảo thực thi các chương quan trọng khác trong FTA ví dụ như chương An toàn vệ sinh thực phẩm, Việt Nam đã phải bàn thảo hàng năm trước đây với các cơ quan liên quan của bên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn".

Cuối cùng, ông kết luận rằng Hiệp định này mang lại một triển vọng vô cùng lớn. Đúng như những gì Thứ trưởng Trần Quốc Khánh của Bộ Công thương đã từng phát biểu: "Cơ hội thì nhiều nhưng mà nắm bắt cơ hội đó cũng là một thách thức rất lớn".

Trước thềm EVFTA: Cơ hội thì nhiều nhưng nắm bắt cơ hội cũng là thách thức rất lớn - Ảnh 1.

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ Tạ Hoàng Linh

Cũng tại diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, ông Tạ Hoàng Linh cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực chắc chắn sẽ mang lại ý nghĩa rất to lớn đối với doanh nghiệp của cả hai bên, đặc biệt là trong bối cảnh khi các nền kinh tế đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Vụ trưởng này nhấn mạnh rằng đây là một thời điểm hai bên cần tăng cường hợp tác hơn nữa để phục hồi kinh tế. 

Các số liệu thống kê gần đây của Uỷ ban châu Âu cho đến nay đều đang tiêu cực. Dự báo, tăng trưởng GDP của 27 nước châu Âu sẽ -8,3% trong năm 2020, phải sang đến 2021 thì mới phục hồi lại mức 5,8%.

Tuy nhiên, ông Tạ Hoàng Linh cũng khẳng định rằng, vẫn có những dấu hiệu tích cực, điển hình như thị trường bán lẻ đã bắt đầu tăng trở lại. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê EU, tăng trưởng thị trường bán lẻ của tháng 5 so với tháng 4 đạt 16,4%, đây là dấu hiệu tích cực trong sự phục hồi trở lại ở những bước đầu.

Ông Tạ Hoàng Linh chia sẽ thêm: "Tuần trước, lãnh đạo của 27 nước châu Âu đã thống nhất các gói hỗ trợ để phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trị giá khoảng 750 tỷ euro bao gồm các khoảng vay hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Việt Nam hy vọng rằng thời gian tới, Liên minh châu Âu sẽ có những tín hiệu tích cực".

Q.L

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên