Vào CPTPP, doanh nghiệp Việt hãy “đào mỏ vàng” thị trường nội trước
Tham gia CPTPP, doanh nghiệp Việt cần tận dụng các cơ hội mà Hiệp định mang lại, nhưng hãy khai thác tiềm năng thị trường nội địa trước.
- 18-11-2018Thực thi Hiệp định CPTPP cần sự gấp rút của các Bộ, ngành
- 14-11-2018Dệt may Việt Nam sẽ tăng gấp đôi thị phần tại các thị trường CPTPP sau năm 2019
- 13-11-2018[Infographic] CPTPP có hiệu lực tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Phát biểu tại Hội thảo CPTPP – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức sáng nay (28/11) tại Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh – cho rằng, doanh nghiệp (DN) đóng vai trò then chốt đối với phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. “Nếu DN không làm thì không có thắng lợi, không có thành công”, ông Nam khẳng định.
Hội thảo CPTPP – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam diễn ra tại Hà Nội sáng nay (28/11).
PGS. TS. Nguyễn Văn Nam cho hay, Quốc hội vừa biểu quyết với tỷ lệ 100% đồng ý thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Đây được xem là Hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay.
CPTPP với tổng dân số 500 triệu người, tổng GDP vượt trên 10.000 tỉ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới (so với TPP gồm 800 triệu dân, 40% GDP và hơn 30% thương mại toàn cầu).
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Nam, Hiệp định CPTPP mang đến nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức cho DN Việt Nam. Nhận diện được cơ hội và thách thức là bước tiến đầu tiên, nhưng nếu chỉ nhận thức mà không hành động thì không đạt hiệu quả.
Ngồi trên "đống vàng" nhưng chưa biết khai thác
Trên thực tế, với các FTA đã và đang được ký kết, DN Việt có cơ hội “nhảy vọt” nhưng hiện mới chỉ “nhảy tại chỗ”, ông Nam đánh giá.
Bình luận về sự tham gia của DN Việt trên “sân chơi” toàn cầu, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nhận định: “Chúng ta nước đến chân chưa nhảy, nước đến mũi mới nhảy và nhảy được”.
Ông Ngô Chung Khanh nêu rõ, DN Việt cần phải tận dụng các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, cải cách thế chế để mở rộng thị trường. Nhưng quan trọng hơn, theo ông Khanh, DN cần phải đào được “mỏ vàng” ngay trong nước, đó là tận dụng được thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân mà rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang “nhòm ngó”.
Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên nêu thực tế: Xoài Nhật Bản, thanh long Đài Loan có giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn "cháy hàng" ở thij trường Việt Nam, trong khi Việt Nam có rất nhiều mặt hàng chất lượng cao lại đem đi xuất khẩu hết.
Nhiều người Việt Nam có nhu cầu về hàng chất lượng cao, và rất nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu được thị trường thế giới đón nhận, trong khi đó, Việt Nam lại đi nhập các mặt hàng mà mình mang đi xuất khẩu, ông Khanh chỉ rõ, từ đó cho rằng, DN Việt cần quay lại đấu tranh để giành lại thị trường từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. "Chúng ta ngồi trên đống vàng nhưng chưa tận dụng được", ông Khanh đánh giá.
Đồng thời, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên cũng cho hay, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đang tận dụng các hiệp định FTA trong nông nghiệp. Điển hình như nhiều công ty Nhật sang Việt Nam làm nông nghiệp rồi xuất khẩu lại chính quốc.
"Ngày càng nhiều công ty Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư làm nông nghiệp để tận dụng các FTA, sau đó họ xuất khẩu trở lại chính quốc. Người Nhật trồng bưởi, nuôi gà ở Nghệ An, trồng rau quả sạch ở Lâm Đồng rồi xuất khẩu trở lại Nhật Bản", ông Ngô Chung Khanh nói.
Từ đó, ông Khanh nhấn mạnh tới sự cần thiết phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, không chỉ chăm chăm đi xuất khẩu mà còn phải chú trọng tới cả đáp ứng nhu cầu trong nước và cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại ngay trên "sân nhà".
Rất dễ "dính đòn" vì thiếu hiểu biết
Đề cập đến thách thức khi tham gia CPTPP, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - nhấn mạnh: Câu chuyện "thẻ vàng" của EU đối với thủy sản Việt Nam là bài học lớn mà các DN cần phải lưu tâm.
Để có thể tận dụng được các cơ hội từ CPTPP, TS. Thành cho rằng, các DN cần phải nắm được các quy định có liên quan tới doanh nghiệp mình, và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa.
Chẳng hạn như khi Việt Nam xuất khẩu thủy sản, không chỉ đảm bảo rằng đó là sản phẩm sạch mà còn phải đảm bảo cả về quy trình đánh bắt, tính hợp pháp của vùng biển đánh bắt và phải đáp ứng cả yêu cầu về môi trường. Nếu không am hiểu thì rất dễ bị "dính đòn", TS. Võ Trí Thành chỉ rõ.
Một số cam kết chính của Việt Nam trong CPTPP:
· Lần đầu tiên cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế.
· Lần đầu tiên cam kết đối với hoạt động mua sắm công.
· Lần đầu tiên cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước.
· Lần đầu tiên cam kết cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng LĐLĐ VN.
· Lần đầu tiên cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử.
· Đồng ý cam kết bảo vệ quyền SHTT ở tiêu chuẩn TRIPS+
· Cam kết chọn-bỏ, nguyên tắc chỉ điều chỉnh chính sách thuận lợi hơn (rachet) trong các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư...
VOV