MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vay Trung Quốc 7000 tỷ đồng làm đường cao tốc: "Nhà tài trợ khác có điều kiện tốt hơn thì vay, không cứ gì đi vay Trung Quốc"

Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng cần phải xem xét dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông và điều kiện đi vay có phù hợp hay không thì mới triển khai.

Việc đề xuất vay 7000 tỷ đồng của Ngân hàng TW Trung Quốc triển khai dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã nhận được sự phản hồi trái chiều của dư luận. Thực trạng nhiều dự án hạ tầng sử dụng vốn vay Trung Quốc chậm tiến độ, đội vốn và kém hiệu quả đang diễn ra, là những bài học đắt giá trong vay và sử dụng vốn ODA.

Thưa ông, với nhiều dự án vay vốn Trung Quốc đang đặt ra những quan ngại thì mới đây Bộ Giao thông Vận tải vừa trình xin ý kiến vay Trung Quốc 7.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Quan điểm cá nhân của tôi, nếu như việc này nằm trong tổng thể phát triển ngành giao thông thì mình triển khai. Thứ hai là cân đối giữa nhu cầu về các tuyến đường, nếu cần thiết thì vẫn làm. Nếu làm bên cạnh việc vay vốn thì cũng cần phải xem xét các điều kiện để vay vốn là gì.

Hiện nay các dự án có nguồn vốn vay từ Trung Quốc luôn đặt ra yê cầu ràng buộc về nhà thầu, nhập khẩu thiết bị song việc triển khai, thực hiện luôn chậm tiến độ, đội vốn, điển hình như dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh. Ông có lo ngại tình trạng này có thể tiếp diễn với những dự án tới?

Đúng là hiện nay có tồn tại trong vay vốn ODA. Song để phát triển, mình cần vốn nên phải chấp nhận điều kiện của nhà tài trợ và phải cân đối lại.

Nhà tài trợ có quyền đưa ra điều kiện còn mình là người đi vay thì cũng có những mục tiêu và điều kiện của mình. Nếu hai điều kiện này phù hợp với nhau thì có thể thực hiện.

Mình muốn vay vốn ODA nước ngoài để phát triển, nếu nhà tài trợ khác có điều kiện vay tốt hơn thì không có lý do gì mình không vay nước có điều kiện dễ chấp nhận hơn.

Với nhiều trường hợp vay vốn Trung Quốc, cũng như những dự án đã triển khai, ông có đồng tình với đề xuất vay vốn lần này?

Tôi chưa xem nên chưa biết điều kiện vay của Trung Quốc như thế nào, so với các nhà tài trợ khác ra sao. Nhưng các nhà tài trợ khác, các tổ chức tài chính nước ngoài khác cho mình vay với điều kiện tốt hơn của Trung Quốc thì mình có thể vay người khác.

Trong một lần phát biểu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc hiển nói rằng sẽ giám sát hoạt động sử dụng vốn vay ODA, đặc biệt là dự án Cát Linh - Hà Đông. Vậy hiện nay Ủy ban đã tiến hành vấn đề này như thế nào?

Theo quy trình thủ tục thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, trình các dự án sử dụng vốn ODA và Chính phủ quyết định các dự án vay.

Các Đại biểu Quốc hội đã có ý kiến phải giám sát việc vay vốn, sử dụng ODA. Khi có giám sát thì sẽ rõ được những mặt được, hạn chế của việc sử dụng vốn vay ODA.

Chúng tôi đang đề xuất vấn đề này, hiện có nhiều vấn đề xã hội cần giám sát, thẩm quyền thuộc Quốc hội, khi Quốc hội yêu cầu Ủy ban nào thì Ủy ban đó tiến hành.

Từ câu chuyện nhãn tiền là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi sử dụng vốn ODA Trung Quốc, theo ông vấn đề cần rút ra để tránh lặp lại là gì?

Các điều kiện vay thì cần phải cân nhắc phù hợp với nhu cầu, điều kiện của mình, cần xem điều kiện để so sánh. Tuy nhiên, đến nay tôi không biết là ngoài Trung Quốc thì có những nước nào có thể cho vay, nên không thể nói tốt hay không.

Với góc độ là người đóng thuế, trước những bất cập trong vay và sử dụng vốn vay từ Trung Quốc để làm các dự án, ông có đồng ý với đề xuất này?

Tôi chưa có các điều kiện của các nhà tài trợ khác để so sánh. Tôi nhấn mạnh là phải xem dự án này có nằm trong kế hoạch tổng thể phát triển giao thông không? Nếu nằm trong đó thì mình tìm nhà trợ còn nếu có nhiều nhà tài trợ, cho vay thì tìm hiểu các điều kiện và xem nhà tài trợ nào có điều kiện tốt nhất với mình.

Nếu có những nhà tài trợ, tổ chức khác cho vay với điều kiện tốt hơn ở dự án này thì mình vay chứ không phải cứ đi vay của Trung Quốc.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên