“AEC giúp vị thế mặc cả của Việt Nam sẽ cao hơn”
Cơ hội và thách thức được nhắc đến nhiều phía sau những Hiệp định thương mại và Việt Nam tham gia, với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng tương tự.
- 29-12-2015Chỉ có 1/5 doanh nghiệp sẵn sàng cho AEC và TPP
- 28-12-201560% Doanh nghiệp Việt chẳng biết gì về AEC, chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội lớn?
- 23-12-2015Áp lực từ AEC không lớn như các FTA thế hệ mới
- 12-12-2015AEC không toàn màu hồng
- 09-12-2015Gia nhập AEC: “Đấu trường” nhân lực
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được hình thành kể từ ngày hôm nay (31/12). AEC kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người được xây dựng trên 4 trụ cột chính là: Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung; Một khu vực kinh tế cạnh tranh; Phát triển kinh tế cân bằng; Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
So sánh với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, về tự do hàng hoá, AEC có cam kết cắt giảm thuế quan cao nhất và nhanh nhất.
Về tự do hoá dịch vụ, các cam kết trong ASEAN đều tương tự mức cam kết trong WTO, trong một số cam kết dịch vụ gần đây của ASEAN mức độ cam kết đã bắt đầu cao hơn so với WTO nhưng không nhiều và cũng phù hợp với mức độ mở cửa thực tế về dịch vụ của Việt Nam.
Về tự do hoá đầu tư, các cam kết về đầu tư trong ASEAN toàn diện hơn trong WTO và các FTA Việt Nam đã ký nhưng cũng phù hợp với các quy định về đầu tư trong pháp luật Việt Nam.
Cho đến thời điểm này, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nước hưởng lợi khi AEC có hiệu lực nhưng cơ hội cũng đi kèm thách thức khi độ mở của nền kinh tế ở mức cao hơn, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn tạo áp lực cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, AEC không phải quyết định đột ngột mà là quá trình liên kết hội nhập của khu vực và các nước ASEAN với nhau hàng chục năm nay có vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong cả lĩnh vực kinh tế và chính trị, ngoại giao, an ninh.
"Chúng ta nhìn vào ASEAN không chỉ nhìn con số tỷ trọng xuất khẩu, đầu tư giữa Việt Nam với các nước ASEAN mà còn nhìn rộng hơn ASEAN với khu vực và thế giới. Các điểm như sự dịch chuyển đầu tư, lao động... đặc biệt quan trọng. ASEAN cũng góp phần vào vị thế mặc cả của Việt Nam", ông Thành nhận định.
TS. Thành đặc biệt nhấn mạnh, AEC chính thức hình thành tạo ra khó khăn nhiều, thách thức lớn cho Việt Nam. Không ngoại trừ nhóm ngành này, lĩnh vực kinh tế kia trong ngắn hạn và trung hạn chịu tác động bất lợi.
Theo đó, ông Thành lưu ý cần làm 3 vấn đề chuyển hoá cơ hội thành thách thức vì cơ hội này không chỉ thể hiện đánh giá Việt Nam có lợi hơn trong hội nhập mà chính điểm chuyển hoá cơ hội làm giảm thiểu tốn phí điều chỉnh cho các khu vực chịu sự tác động tích cực.
Thứ hai, làm sao cải cách trong nước. "Các FTA gần đây gây áp lực trực diện vào cải cách thể chế Việt Nam và tổng thể thích ứng với điều mà Việt Nam đang muốn cải tổ về môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh để doanh nghiệp đầu tư, ứng xử của nhà nước với doanh nghiệp bình đẳng và thân thiện hơn", ông Thành nói.
Thứ ba, theo ông Thành, doanh nghiệp cần chủ động hơn thay vì bị động, thiếu học hỏi và chờ đợi "hình phạt" phí tổn qua thực tế.
"Cơ hội và thách thức đan xen. Việt Nam vào thời điểm bước ngoạt phải có khát vọng và sự tự tin. Thiếu cái đó sẽ không chơi được với ai, tất nhiên sự tự tin gắn với học học và kết nối làm ăn chuyên nghiệp, bài bản. Tự tin không phải liều", ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành cũng nhấn mạnh rằng, điều quan trọng khi Việt Nam chấp nhận vào cuộc chơi hội nhập sẽ đối mặt với nhiều "người tài giỏi" hơn nhưng rủi ro lớn nhất là không "chơi" với thế giới rộng sẽ không có cơ hội phát triển.
"Miếng bánh chỉ có vậy, cần sự cải cách bên trong gắn với kết nối học hỏi. Lựa chọn sự làng nhàng, ít rủi ro hoặc bắt kịp và vượt lên", ông Thành nói.
BizLIVE