AEC là một cơ hội
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Quốc tế Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn nhận định như vậy khi nói về sân chơi mới của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
- 14-01-2016Không dễ để lao động tự do di chuyển trong AEC
- 11-01-2016AEC, FTA Việt Nam – EU, TPP: Đừng tưởng… “ngon ăn”
- 03-01-2016Gia nhập AEC, Việt Nam cần vượt qua nhiều khó khăn, thách thức
Ông có thể phân tích rõ hơn về cơ hội này?
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một cơ hội bởi, thứ nhất, hầu hết sắc thuế đều về 0. Thứ hai, chính sách thống nhất một thị trường sẽ tạo mặt bằng chung và sự dễ dàng trong thông thương hàng hóa.
Thứ ba, ASEAN là thị trường đông dân với 600 triệu người tiêu dùng, hơn nữa mặt bằng tiêu dùng không đòi hỏi cao, nằm trong khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam. Một thuận lợi nữa là, thời điểm AEC chính thức triển khai cũng là lúc nền kinh tế Việt Nam có thể nói là đã bước ra khỏi khó khăn, doanh nghiệp không còn phải phân tâm chống chọi với bão khủng hoảng. Đó là tổng thể thuận lợi mà tôi cho rằng AEC hoàn toàn nằm trong khả năng cạnh tranh cũng như khả năng gia nhập thị trường của doanh nghiệp Việt Nam.
Sơn Hà là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm inox phục vụ dân dụng và công nghiệp, hiện đã cung cấp sản phẩm tới một số nước lân cận như Lào, Campuchia. Khi chúng ta thống nhất thị trường, chỉ có khái niệm lãnh thổ nên chúng ta có thể đưa hàng hóa sang các nước bên cạnh một cách thuận lợi hơn rất nhiều. Trước đây, doanh nghiệp Việt chưa thực sự coi trọng thị trường ASEAN. Đến nay việc đánh giá và nhìn nhận về thị trường đã thay đổi. ASEAN chính là thị trường Việt Nam mở rộng.
Có thể thấy hàng hóa của doanh nghiệp Việt ít có sự khác biệt, hầu hết đều cạnh tranh những mặt hàng cùng công năng. Điều này có gây khó khăn gì không, thưa ông?
Đó chính là khó khăn khi doanh nghiệp vẫn còn tư duy khá cục bộ và chưa hiểu được tập quán tiêu dùng quốc tế và các nước xung quanh. Các nước xung quanh có trình độ phát triển và điều kiện tiêu dùng cao hơn, đòi hỏi tiêu chuẩn hàng hóa phải cao hơn. Tư duy quốc tế của họ tốt hơn nên khả năng hội nhập của họ nhanh hơn. Đây có thể nói là những khó khăn lớn, thậm chí trong một đến hai năm đầu chưa chắc doanh nghiệp Việt đã có thể hội nhập được. Thách thức này tôi nghĩ cần phải có thời gian.
Thành thực mà nói, trên thị trường nội địa, hiện chúng ta đã bớt “sợ” hàng Trung Quốc nhưng hàng Thái Lan lại đang là đối thủ. Ông nghĩ sao về điều này?
Hiện sản phẩm Thái Lan đang khá được ưa dùng vì tính phù hợp của hàng Thái đối với người tiêu dùng Việt. Chúng ta đang gặp khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta cũng đang giải quyết vấn đề bằng cách nỗ lực tạo ra những sản phẩm tiêu dùng làm sao phù hợp với người Việt và có khả năng cạnh tranh về giá thành, chất lượng với hàng Thái. Điều này chúng ta hoàn toàn làm được. Chúng ta cần một chút thời gian và sự tập trung. Tôi nghĩ không quá lo hàng Thái có thể "đè bẹp" được hàng Việt. Chúng ta nêu ra nhưng cũng nên có niềm tin với doanh nhân Việt.
Xin cảm ơn ông!