MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may đón đầu cơ hội

Nếu đón đầu được những cơ hội đang tới, ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá và đạt mục tiêu xuất khẩu 28,5 tỷ USD trong năm nay.

Nội dung nổi bật:

- Năm 2014 là một năm thắng lợi của ngành dệt may Việt Nam, toàn ngành đã đạt kim ngạch xuất khẩu 24,5 tỷ USD; tăng trên 19% so với năm 2013 - là mức tăng lớn nhất trong 3 năm qua.

- Dự báo năm 2015 tiếp tục là năm thuận lợi cho xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, đặc biệt khi một loạt các hiệp định song phương và đa phương được ký kết trong thời gian tới.

- Tuy nhiên, để có thể tận dụng được cơ hội đó, ngành dệt may cần phải tăng tỷ lệ nội địa hóa, hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế- nguyên phụ liệu- may- phân phối…


Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, năm 2014 là một năm thắng lợi của ngành dệt may Việt Nam. Với nỗ lực trong việc định hướng chiến lược sản xuất, toàn ngành đã đạt kim ngạch xuất khẩu 24,5 tỷ USD; tăng trên 19% so với năm 2013 - là mức tăng lớn nhất trong 3 năm qua.

Không chỉ tăng trưởng cao về tốc độ, xuất khẩu dệt may còn tăng trưởng mạnh tại các thị trường chủ chốt như: Mỹ, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản... Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu dệt may cao nhất là thị trường Mỹ đã chạm mốc 10 tỷ USD; tiếp đó là thị trường EU, Hàn Quốc. Với thị trường Nhật Bản, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may có kim ngạch lớn thứ hai, sau Trung Quốc.

Với đà tăng trưởng trên, dự báo năm 2015 tiếp tục là năm thuận lợi cho xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, đặc biệt khi một loạt các hiệp định song phương và đa phương được ký kết trong thời gian tới.

Cuối năm 2014, Việt Nam và Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA), chuẩn bị ký kết vào năm 2015. Đây sẽ là cơ hội lớn cho hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này, đặc biệt là thị trường Nga.

Tại thị trường EU, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường này đạt 3,4 tỷ USD, tăng 17% và chiếm gần 14% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Trong khi đó, quá trình đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam-EU cũng đang bước vào giai đoạn quan trọng. Dự kiến khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, thuế xuất khẩu hàng dệt may từ 12% về 0%, sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang vào giai đoạn nước rút và dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay. Hiện hơn 60% hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản – 2 thị trường chủ chốt trong đàm phán TPP với thuế suất trung bình cho hàng dệt may tại Mỹ trên 17%. Trong khi đó, tốc độ xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã ở mức tăng trưởng 12-13%/năm.

Khi TPP được ký kết, hàng dệt may Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu với mức thuế suất hứa hẹn về 0%. Bên cạnh đó, ngành dệt may có thể cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh để vượt qua được những yêu cầu của hiệp định và những rào cản kỹ thuật mà các nước đang dựng lên để bảo vệ sản xuất của các ngành hàng tương ứng trong nước họ.

Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam và thế giới năm 2014 – Triển vọng 2015”, ông Lê Triệu Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương nhận định các hiệp định như TPP, FTA, RCEP … đều là các FTA “thế hệ mới”.

Các hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, giúp cho cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu cân bằng hơn và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Ông Dũng cho biết, theo nghiên cứu của Bộ lao động, đơn cử cứ 1 tỷ USD hàng dệt may xuất khẩu sẽ tạo thêm khoảng 250.000 việc làm cho Việt Nam.

Không những thế, theo tiến trình hội nhập, đến cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được thành lập. Khi AEC được thành lập sẽ mở ra thị trường chung thống nhất trong khu vực ASEAN, tạo cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường ASEAN – một thị trường tiềm năng ngay bên cạnh.

Có thể nói, nếu đón đầu được những cơ hội đang tới, ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá và đạt mục tiêu xuất khẩu 28,5 tỷ USD trong năm nay. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng trong tháng 1 năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã đạt gần 2 tỷ USD; tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Đánh giá về cơ hội của ngành dệt may, nhiều chuyên gia kinh tế cũng lạc quan cho rằng, nếu tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định, Việt Nam sẽ trở thành “cường quốc về dệt may”, với kim ngạch xuất khẩu lớn sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU...

Tuy nhiên, để có thể tận dụng được cơ hội đó, ngành dệt may cần phải tăng tỷ lệ nội địa hóa, hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế- nguyên phụ liệu- may- phân phối và phải cộng đồng trách nhiệm để xây dựng năng lực cạnh tranh của toàn ngành.

>>> Dệt may tấp nập "mở hàng" đầu năm

Đón đọc Bài 3: Hội nhập và bài toán năng suất lao động ngành dệt may

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên