MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ly kỳ” đám phán FTA Việt Nam – Hàn Quốc

Cuộc đấu trí giữa các nhà đàm phán của Việt Nam với Hàn Quốc trong việc bảo vệ các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam đã giúp cho hàng nông, thủy sản, dệt may… thêm rộng cửa vào thị trường này. Bởi doanh nghiệp sẽ có khoảng 10% trị giá hoặc trọng lượng hàng hóa xuất khẩu được… vi phạm mà không lo ngại ảnh hưởng đến toàn lô hàng.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức ký kết được hơn 2 tháng, song khi kể lại câu chuyện đàm phán, bà Bùi Kim Thùy, Phó Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương chia sẻ, đây thực sự là cuộc đấu trí đầy khó khăn.

“Quyết” bảo vệ nông, thủy sản

Cũng bởi, trước đó với độ mở của Hiệp định FTA ASEAN – Hàn Quốc, nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tận dụng rất tốt cơ hội giảm thuế để thâm nhập vào thị trường này. Dẫn chứng thực tế, đã có tới 84 – 85% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này tận dụng được ưu đãi thuế quan.

Theo đánh giá của bà Thùy, ASEAN – Hàn Quốc là FTA có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã và đang thực hiện. Do đó, vấn đề đặt ra với các nhà đàm phán là làm thế nào để “mở” thêm các ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thêm rộng cửa tại thị trường này, khi mà Hàn Quốc đã “mở” khá nhiều, với quy tắc xuất xứ khá dễ dàng?

Một trong những vấn đề làm “đau đầu” với các nhà đàm phán, đó chính là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản. Bởi với Hàn Quốc, đây lại là những mặt hàng được đưa vào diện “nhạy cảm”, thậm chí là “đặc biệt nhạy cảm”. Một phần nguyên nhân là do tâm lý tiêu dùng của người Hàn Quốc thường có xu hướng sử dụng các sản phẩm nông sản, thực phẩm trong nước với lý do, sản phẩm trong nước an toàn hơn của nước ngoài.

Ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), còn đưa thêm thông tin là Hàn Quốc có bảo hộ cao đối với mặt hàng nông sản, gia súc, gia cầm, sản phẩm sữa, hoa quả, cây công nghiệp, sắn lát, tinh bột, vừng, khoai tây, khoai lang, tỏi, ớt, hạt tiêu, đậu, lúa mỳ, lúa mạch… Do đó, thuế của các mặt hàng này ở mức rất cao, thậm chí có những mặt hàng có mức thuế lên tới 241 – 420%, khiến cho hàng xuất khẩu của Việt Nam không thể “lọt cửa” được ở thị trường này.

Vi phạm 10%... vẫn được xuất

Bài toán đặt ra: làm thế nào để các nhà đàm phán “cứng rắn” của nước bạn đồng ý “mở” với những sản phẩm nhạy cảm này? Ông Tuyên cho biết để có được một lợi ích nào đó, thì phải chấp nhận “đánh đổi” các lợi ích khác cho phía bạn. Do đó, để những mặt hàng nhạy cảm như khoai lang, tỏi, gừng, ớt, hay tôm, cua, cá vào được thị trường này thì Việt Nam phải lựa chọn mở cửa cho một số mặt hàng.

Các mặt hàng được phía Việt Nam lựa chọn mở cửa là ô tô, nguyên liệu dệt may, linh kiện ô tô… Theo ông Tuyên, đây là những mặt hàng mà Việt Nam đang cần để phục vụ cho sản xuất trong nước, trong khi phía bạn cũng khuyến khích xuất khẩu, nên các nhà đàm phán đã chấp nhận.

Như vậy, với 502 mặt hàng được mở cửa, chiếm 324 triệu USD tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này, thì tôm có 7 mặt hàng, dệt may có 24 dòng, gỗ có 64 mặt hàng, hoa quả tươi và đóng hộp có 18 dòng, tỏi – gừng khô 7 dòng, rau quả và nông sản có 50 dòng…

Một trong những điều khoản mà các nhà đàm phán Hàn Quốc đã nhất quyết “cưỡng ép” là không cho phép áp dụng mức vi phạm 10% (De Minimis) hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt với nông nghiệp. Song với quan điểm đây là ngành những ngành xuất khẩu có thế mạnh, là ưu thế cạnh tranh duy nhất của Việt Nam, nên các nhà đàm phán đã đưa ra yêu cầu cho phép áp dụng De Minimis khi xuất khẩu vào Hàn Quốc.

Cẩn trọng làm thủ tục C/O

Bà Thùy chia sẻ, với sự cương quyết và đấu tranh của đoàn đàm phán, đến phút cuối thì phía bạn cũng đã đồng ý “gỡ” điều khoản hạn chế và cho phép áp dụng De Minimis đối với sản phẩm nông nghiệp. Như vậy, với điều khoản này thì dù hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc có 10% giá trị hoặc sản lượng bị phát hiện… vi phạm, toàn bộ lô hàng vẫn được thông quan. Đáng chú ý là De Minimis còn được áp dụng rất linh hoạt với dệt may và thủy sản.

Những nỗ lực của các nhà đàm phán đã giúp nhiều sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt các mặt hàng nhạy cảm có cơ hội thâm nhập vào thị trường. Song, không phải cứ hàng hóa xuất khẩu sang là “xong”, tức là giao được hàng cho bạn hàng là có thể thu được tiền về. Bởi hải quan nước bạn thường xuyên “quật” lại hồ sơ trong vòng 3 năm và yêu cầu kiểm tra lại xuất xứ với hàng hóa mà Việt Nam xuất ra.

Được biết, trung bình mỗi năm cơ quan xuất nhập khẩu của Việt Nam nhận tới hàng nghìn hồ sơ yêu cầu kiểm tra lại xuất xứ. Trường hợp nếu cơ quan cấp C/O và doanh nghiệp giải trình không hợp lý, sau 6 tháng cơ quan hải quan Hàn Quốc sẽ áp thuế với mức thuế bị truy thu lại rất cao. Do đó, bà Thùy khuyến cáo các doanh nghiệp khi làm hồ sơ chứng từ phải hết sức cẩn thận với đối tác Hàn Quốc, đảm bảo đúng nguyên tắc xuất xứ và đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên