MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nếu hội nhập tốt, Việt Nam sẽ còn tiến xa …”

Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi nhận định về những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập trong thời gian tới.

Tóm tắt:

- Thách thức lớn nhất khi gia nhập AEC là việc các nước ASEAN sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam và coi Việt Nam như cứ điểm của họ.

- Năm 2015 đánh dấu 20 năm, đánh dấu 1 thời kỳ chúng ta có thể đi những bước xa hơn trong năm tới. Nếu hội nhập tốt, Việt Nam sẽ còn tiến xa.

- Một điểm nổi bật trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm qua là việc nhấn mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thực hiện theo Nghị quyết 19/NQ-CP.


ASEAN là một thị trường rộng lớn với khoảng 600 triệu dân và GDP đạt khoảng 200 tỷ USD/năm. Đây cũng là thị trường có sự tương đồng lớn với Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp Việt khi tấn công vào thị trường này sẽ cảm thấy khó khăn hơn khi không có lợi thế so sánh.

AEC – Thách thức còn rất lớn

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thách thức lớn nhất khi gia nhập AEC là việc các nước ASEAN sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam và coi Việt Nam như cứ điểm của họ. Trong 1 cuộc khảo sát đối với doanh nghiệp Thái Lan, khi được hỏi cơ hội lớn nhất đối với Thái Lan ở đâu, 52% doanh nghiệp Thái Lan lựa chọn thị trường Việt Nam.

Tháng 8/2014, 19 siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam được Tập đoàn Metro Đức bán lại cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với giá 879 triệu USD. Sau thương vụ thâu tóm này, BJC tiếp tục tấn công thị trường Việt Nam khi chi gần 100 triệu USD mua cổ phần CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và dự định chi tiếp 2 tỷ USD để mua lại Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Đầu tháng 1/2015, tờ Jakarta Post của Indonesia đưa tin công ty thực phẩm PT Tiga Pilar Sejahtera Food (AISA) đang có kế hoạch rót 40 triệu USD vào Việt Nam với mục tiêu thâu tóm khoảng 90–100% cổ phần của một doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam.

Mới đây, Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của Thái Lan thông báo đã mua 49% cổ phần của siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Trước đó, tập đoàn này đã mở hai trung tâm bán lẻ Robinson tại Hà Nội và TP. HCM với cái tên ROBINS.

“Người Thái đi vào đây không đơn lẻ. Họ đi có hội với nhau, có Chính phủ hỗ trợ với những động thái cụ thể, trước hết là về thông tin. Họ coi thị trường 90 triệu dân của Việt Nam như 1 thị trường lớn, rất tiềm năng và họ vào đây để khai thác tiềm năng đó” – Bà Lan cho biết.

Theo bà Lan, sự thật đáng buồn là 20 năm tham gia ASEAN, Việt Nam vẫn nằm chung với Campuchia, Lào, Myanmar - nhóm nước lạc hậu nhất ASEAN. Nếu bản thân doanh nghiệp không có chiến lược quản trị, thay đổi sáng tạo kinh doanh thì hội nhập là vấn đề sống còn. Tham gia hội nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN, các hiệp định FTA được ký kết thì thị trường sẽ tiêu thụ được bao nhiêu sản phẩm của DN Việt hay chỉ tiêu thụ toàn là của DN nước ngoài.

“Nếu hội nhập tốt, Việt Nam sẽ còn tiến xa …”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, tháng 7 năm 1995, Việt Nam chính thức tham gia ASEAN và trở thành thành viên thứ 7. Cũng tháng 7 năm đó, Việt Nam bình thường quá quan hệ với Mỹ và lần đầu tiên ký đươc hiệp định khung về hợp tác kinh tế với EU. 20 năm sau, Việt Nam chuẩn bị ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với họ.

Với Mỹ, năm 2011 Việt Nam mới có hiệp định song phương. Năm 2015 dự kiến tiếp tục ký kết hiệp định TPP – hiệp định mà người Mỹ gọi là “hiệp định của thế kỷ 21”. Việt Nam ở hàng thấp trên thế giới mà chơi với những nền kinh tế mạnh nhất như Hoa Kỳ. Đây là một nỗ lực không nhỏ.

Với ASEAN, chúng ta sắp bước chân vào AEC, dự kiến hình thành vào cuối năm. Năm 2015 đánh dấu 20 năm, đánh dấu 1 thời kỳ chúng ta có thể đi những bước xa hơn trong năm tới. Nếu hội nhập tốt, Việt Nam sẽ còn tiến xa.

“Doanh nghiệp nào làm việc với thị trường ASEAN thì đều có thể cảm nhận được sức ép cạnh tranh từ thị trường này đang tăng lên. 20 năm vừa qua là một cuộc đổ bộ của các công ty Thái Lan, Malaysia, Indonesia bắt đầu tấn công, thâu tóm doanh nghiệp Việt” – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ quan ngại.

Việt Nam cần làm gì để “đón đầu” cơ hội?

Theo bà Lan, một điểm nổi bật trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm qua là việc nhấn mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thực hiện theo Nghị quyết 19/NQ-CP. Đích thân Thủ tướng đã nhiều lần làm việc với các bộ để giảm chi phí về thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, hải quan và các thủ tục về đầu tư, xây dựng. Một nỗ lực đáng ghi nhận khác của Chính phủ là công tác đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, Bà Lan cho rằng, Chính phủ cần ban hành một Nghị quyết tương tự NQ 19 về công nghệ và quản trị. Bởi các doanh nghiệp Việt không chỉ thiếu vốn, mà còn thiếu về cách thức quản trị, về công nghệ sử dụng. Nếu có đủ vốn mà không biết cách thực hiện đúng, không quản lý đúng thì sẽ không mang lại hiệu quả.

“Hội nhập không chỉ đòi hỏi cạnh tranh mà phải sáng tạo. Kinh nghiệm cạnh tranh chủ yếu bằng chiến lược, chứ Việt Nam bao nhiêu năm vẫn chọn cạnh tranh bằng giá rẻ. Trong bối cảnh hiện nay, giá rẻ liệu có còn quá thu hút?” – Bà Lan băn khoăn.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Cho nên, nếu người ta bắt đầu từ những thứ sẵn có thì Việt Nam lại bắt đầu từ con số 0. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tực lực, phải cố gắng hơn các quốc gia khác.

“Để phát triển, doanh nghiệp Việt đừng trông chờ nhà nước cho tiền. Ở đây, nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, khung pháp lý, tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá thương hiệu…” – Thử trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhận định.

>>>Việt Nam đã sẵn sàng cho việc gia nhập AEC?

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên